Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Universal Connect – nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử

#Doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế Hàn Quốc l 2020-12-14

ⓒ universalconnect

Phát triển nền tảng thương mại điện tử hướng đến thị trường Đông Nam Á 


Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu về Universal Connect, doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử hướng đến thị trường Đông Nam Á. Giám đốc Lee A-ram của công ty giới thiệu.


Universal Connect thành lập tháng 10 năm 2019, chỉ gồm hai thành viên là tôi và một đối tác đang sống tại Singapore, nhằm tạo ra dịch vụ kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc với khách hàng trên toàn cầu. Nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm “made in Korea” tại thị trường Đông Nam Á ngày càng tăng, chúng tôi đã lên kế hoạch kinh doanh và được chọn là một trong những dự án được Chính phủ hỗ trợ năm 2019. Các nền tảng thương mại điện tử lớn tại thị trường ASEAN gồm Qoo10, Zalora và Shopee. Trong đó có nhiều sản phẩm thời trang dán nhãn phong cách Hàn Quốc (K-style) được bán tại Trung Quốc và Indonesia. Dù trông khá lỗi thời, nhưng chúng vẫn được bán rất chạy tại thị trường Đông Nam Á. Vì vậy, tôi đã quyết định kinh doanh tại thị trường này.


Xử lý hàng tồn kho qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế


Giám đốc Lee A-ram học chuyên ngành kỹ thuật điện tử và hợp tác phát triển quốc tế. Khi còn làm việc tại một công ty khởi nghiệp, cô đã trăn trở về một lĩnh vực kinh doanh mới và đặc biệt quan tâm tới tình trạng hàng tồn kho, vấn đề nhức nhối của ngành công nghiệp thời trang may mặc. Hàng năm có tới 100 tỷ bộ quần áo mới được tung ra thị trường Hàn Quốc nhưng không phải tất cả đều tiêu thụ hết theo mùa. Với bốn mùa xuân hạ thu đông, các công ty may mặc luôn phải xả hàng trái mùa giá rẻ, thậm chí tiêu hủy để tiết kiệm chi phí kho bãi. Rủi ro về hàng tồn kho luôn là gánh nặng lớn với các nhà sản xuất quần áo nhỏ lẻ nói riêng hay các hãng bán buôn bán lẻ nói chung. Universal Connect đã tìm ra cách giải quyết vấn đề thông qua một nền tảng mua sắm cho phép các công ty may mặc trong nước bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài ngay cả khi thời trang trong mùa tại Hàn Quốc kết thúc. Giám đốc Lee A-ram cho biết.


Khu vực Đông Nam Á có khí hậu nóng quanh năm, nên tôi nghĩ có thể xuất khẩu quần áo mùa hè sang thị trường này bất kể mùa nào. Hàng tồn kho chiếm tới 20% hàng hóa may mặc tại Hàn Quốc. Ước tính hàng may mặc tồn kho lên tới 10 tỷ USD trong năm 2019. Thật tuyệt vời nếu số hàng tồn kho đó được xuất khẩu ra nước ngoài thay vì bị tiêu hủy hoặc xả hàng giá rẻ. 


ⓒ universalconnect

Tiềm năng phát triển mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động 


Đông Nam Á là một thị trường giàu tiềm năng, hình thức mua sắm trực tuyến và lĩnh vực thời trang đang tăng trưởng hàng năm. Mặc dù, các sản phẩm thời trang Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại đây, song lại không có nhiều quần áo đúng chất “made in Korea” ở thị trường này. Nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20, 30 hay 40 rất quan tâm đến thời trang Hàn Quốc (K-fashion), nhưng không có nhiều kênh phân phối sản phẩm. Cô Lee A-ram bật mí.


Mua sắm qua thiết bị di động tại Đông Nam Á tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, và ước tính sẽ đạt 153 tỷ USD năm 2025. Chúng tôi chọn Singapore là mục tiêu đầu tiên bởi tốc độ tăng trưởng GDP của “quốc đảo sư tử” thuộc hàng cao nhất trên thế giới và giao dịch qua thẻ tín dụng hay thanh toán trực tuyến cũng rất phổ biến. Ngoài ra, Singapore có nền văn hóa đa dạng, người dân thường dễ dàng di chuyển quốc tế, nên có thể gián tiếp quảng bá thương hiệu của chúng tôi sang các thị trường khác. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, mua hàng trực tuyến đã tăng trưởng mạnh cả ở trong và ngoài nước. Tôi cho rằng thị trường này sẽ còn phát triển hơn nữa. 


Chiến lược kinh doanh tại Singapore


Universal Connect đang cung cấp các mặt hàng quần áo và các sản phẩm liên quan đến thú cưng trên website. Đây là một cách tiếp cận linh hoạt và đúng thời điểm, bởi khi thị trường thời trang đang dần bão hòa thì thị trường đồ cho thú cưng đang ngày càng phát triển do dịch COVID-19. Lượng khách hàng trực tuyến truy cập vào trang web của doanh nghiệp này đã tăng trưởng 100% mỗi tháng. Cô Lee A-ram chia sẻ về chiến lược kinh doanh. 


Chúng tôi sở hữu nhân viên có trách nhiệm tại Singapore để thực hiện các chiến lược kinh doanh như nghiên cứu thị trường, theo dõi phản ứng của người tiêu dùng, tiếp thị và liên hệ với các đối tác kinh doanh. Nhờ đó, chúng tôi có thể xác định được nhanh chóng tâm lý người tiêu dùng địa phương. Chúng tôi tập trung vào hàng hóa ở phân khúc giá trung bình và cao cấp, không phải hàng giá rẻ. Đây là thế mạnh của chúng tôi.


Mơ ước xây dựng nền tảng phản ánh thị hiếu người tiêu dùng


Universal Connect kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ phản ánh thị hiếu của người tiêu dùng, thay vì là một nền tảng mua sắm trực tuyến thông thường. Cụ thể, công ty sẽ phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen mua sắm như tôn giáo, sắc tộc và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á, cho phép khách hàng chia sẻ kinh nghiệm mua hàng với nhiều người. Ở Đông Nam Á không có nhiều kênh thông tin về sản phẩm, giá cả và thiết kế, nên doanh nghiệp có kế hoạch cung cấp thông tin theo dạng tạp chí với nhiều hình ảnh và biểu đồ đơn giản để giới thiệu các sản phẩm, xu hướng mua sắm mới nhất cho người tiêu dùng. 


Cho đến nay, các nhà sản xuất nhỏ tại Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu, do thiếu thông tin về quốc gia mục tiêu, trở ngại trong việc giao hàng, quản lý người tiêu dùng và dịch vụ hậu mãi. Nhờ Universal Connect, các nhà bán buôn và bán lẻ hàng may mặc ở Hàn Quốc có thể xuất khẩu sản phẩm, song song với việc giải quyết bài toán đau đầu về hàng tồn kho. Xuất phát điểm từ thị trường Singapre, Universal Connect hy vọng sẽ phát triển thành nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử đại diện cho thời trang Hàn Quốc trên thị trường Đông Nam Á. 

Lựa chọn của ban biên tập