Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Anh triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 và hiệu ứng kinh tế với Seoul

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-12-14

ⓒ YONHAP News

Anh triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19


Ngày 8/12 (giờ địa phương), Anh đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 với ưu tiên là người cao tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện tiêm chủng vắc-xin đã được hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Việc tiêm chủng lần này được tiến hành sau 343 ngày kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo trong cộng đồng quốc tế. Mặc dù chương trình tiêm chủng lần này chỉ đảm bảo lượng vắc-xin từ hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho 20 triệu người, nhưng đây được coi là cơn mưa rào chấm dứt “đợt hạn hán” dài ngày dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Trước đó, Nga đã bắt đầu chương trình tiêm chủng riêng với vắc-xin Sputnik V ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng không được truyền thông quốc tế chú ý do vẫn hoài nghi về tính an toàn. Mỹ và Canada cũng sẵn sàng tiêm chủng vào ngày 14/12 (giờ địa phương). Nhật Bản và Đức dự kiến sẽ tiến hành tiêm chủng trong tháng 1 năm sau. 


Thời điểm tiêm chủng có thể nới rộng cách biệt về kinh tế


Trong khi các nền kinh tế lớn đang đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc-xin, Chính phủ Hàn Quốc ngày 8/12 cho biết đã đặt mua vắc-xin đủ cung cấp cho 44 triệu người, tức 88% dân số, lớn hơn con số dự kiến ban đầu là 30 triệu người. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng con số này là quá thấp trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đã dự trữ gấp hai đến 5 lần lượng vắc-xin cần thiết cho toàn dân. Ngoài ra, Seoul dự kiến triển khai tiêm chủng muộn hơn ba tháng so với các nước tiên tiến sau khi xem xét hiệu quả và tác dụng phụ của vắc-xin. Tuy nhiên, điều này có thể khiến dịch bệnh chấm dứt muộn, làm chậm quá trình hồi phục kinh tế ở Hàn Quốc. Hôm nay, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin phân tích tác động của việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đối với kinh tế. 


Trong khi các mã cổ phiếu liên quan đến các ngành công nghiệp không tiếp xúc có xu hướng tăng giá, các nhà cung cấp dịch vụ ngoại tuyến đang gặp khó khăn và tiêu dùng nội địa vẫn ảm đạm. Ở các nước triển khai tiêm chủng sớm hơn, người dân sẽ cảm thấy an tâm và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Ngược lại, với các nước tiến hành tiêm chủng muộn hơn, sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn. Nếu xem xét đến chi phí cơ hội, các nước này sẽ tụt lại xa hơn trong cuộc đua. Do đó, nhiều ý kiến hối thúc Chính phủ triển khai tiêm chủng ngay từ tháng 1 năm sau. Một số khác lại cho rằng nên giữ nguyên kế hoạch hiện nay, bởi cần theo dõi hiệu quả của vắc-xin tại Anh, Mỹ, Nhật Bản và Đức.


Vắc-xin COVID-10 và cơ hội của ngành công nghiệp y sinh học Hàn Quốc


Trong khi vẫn còn lo ngại về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin, việc phê duyệt và tiêm chủng vắc-xin đang làm dấy lên hy vọng cho kinh tế toàn cầu. Việc phân phối vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19 chắc chắn cũng là một tin tốt lành đối với kinh tế Hàn Quốc, tạo ra động lực hồi phục cho các ngành đòi hỏi tương tác trực tiếp, đặc biệt là ngành dịch vụ. Chuyên gia Chung Chul-jin giải thích những nỗ lực phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị tại Hàn Quốc cùng tác động của việc tiêm chủng đối với ngành công nghiệp sinh học và dược phẩm địa phương. 


Các hãng dược toàn cầu như Pfizer và Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh) đang phát triển vắc-xin COVID-19. Hàn Quốc hiện cũng đang phát triển vắc-xin COVID-19, nhưng dường như việc phát triển thuốc điều trị diễn ra nhanh hơn. Chúng ta có thể kỳ vọng một số kết quả từ các hãng dược trong nước như Celltrion hay Chữ thập xanh GC. Trên thực tế, Hàn Quốc đã được công nhận rộng rãi về mô hình phòng dịch COVID-19. Các nhà sản xuất kit chẩn đoán COVID-19 Hàn Quốc như Seegene đã hoạt động khá tốt, và kết quả là giá cổ phiếu tăng vọt. Nhiều ý kiến lo ngại rằng xu hướng này sẽ chấm dứt khi vắc-xin COVID-19 được tiêm chủng trên diện rộng. Nhưng theo các chuyên gia, nhu cầu về bộ kít chẩn đoán cùng các phương pháp điều trị vẫn cần thiết ngay cả khi có vắc-xin, bởi trước khi tiêm vắc-xin, cần kiểm tra xem người được tiêm có bị nhiễm COVID-19 hay không. Do đó, các chuyên gia cho rằng hiệu quả của mô hình phòng dịch COVID-19 của Hàn Quốc sẽ không sớm mất đi. 


Lo ngại về sự nóng lên của thị trường tài sản


Liên quan tới việc Anh triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom nhấn mạnh Chính phủ cần cảnh giác với khả năng thị trường tài chính biến động. Để hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch, Seoul đã bơm tiền vào nền kinh tế, nhưng động thái này có thể khiến giá thị trường tài sản, điển hình là giá bất động sản tăng mạnh. Giờ đây, Chính phủ cần quản lý rủi ro nợ đang đè nặng lên các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ông Chung Chul-jin giải thích.


Để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, Chính phủ đã bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế và cho phép các khoản vay tín dụng. Nhưng thị trường chướng khoán và bất động sản đang phát triển quá nóng một cách bất thường. Sau khi đại dịch kết thúc nhờ chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi, Chính phủ sẽ gỡ bỏ các chính sách tài khóa mở rộng, các hộ gia đình và doanh nghiệp chắc chắn sẽ đối mặt với bài toán nợ.


Thách thức đặt ra cho thời kỳ hậu COVID-19


Một số ý kiến cho rằng cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho thời kỳ hậu COVID-19, khi xã hội chắc chắn có nhiều thay đổi so với trước đại dịch. Chúng ta đã chứng kiến sự chuyển đổi công nghiệp mạnh mẽ do dịch bệnh, như sự bùng nổ nhu cầu của các dịch vụ không tiếp xúc. Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng chiến lược lối thoát, cụ thể là đưa ra các biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp và giảm thiểu tác động phụ trong quá trình chuyển đổi. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.


Khi các chương trình tiêm chủng được triển khai hiệu quả, tiêu dùng nội địa chắc chắc hồi sinh, kinh tế bắt đầu phục hồi. Đây là thời điểm lý tưởng để bơm tiền vào nền kinh tế. Trong thời kỳ hậu COVID-19, nhiều ý kiến lo ngại về sự phục hồi hình chữ K, tức một số ngành phục hồi và tăng trưởng nhanh, trong khi một số ngành khác lại tiếp tục suy giảm hoặc tụt hậu. Sự phân cực này chắc chắn là một bài toán khó giải quyết trong tương lai.


Trong sự phục hồi chữ K, những lao động có học vấn và thu nhập cao sẽ nhanh chóng phục hồi sau suy thoái kinh tế, trong khi tình hình đối với lao động học vấn thấp, không có trình độ chuyên môn có thể xấu đi. Nói cách khác, cú sốc kinh tế sau đại dịch và tốc độ phục hồi sẽ khác nhau, phụ thuộc vào trình độ học vấn và thu nhập. Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, khoảng cách thu nhập giữa những người có thu nhập cao và những người có thu nhập thấp không giảm trong quý III vừa qua, bất chấp việc Chính phủ đã hỗ trợ tầng lớp thu nhập thấp, bởi nhóm đối tượng này chịu ảnh hưởng nhiều hơn do dịch COVID-19. Bên cạnh vấn đề kinh tế, Chính phủ cần ngăn chặn sự phân cực kinh tế xã hội đang ngày càng trở nên sâu sắc để chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19.

Lựa chọn của ban biên tập