Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nhiệm vụ trước mắt của tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong

2021-02-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đã lâm vào bế tắc kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội không đạt được kết quả. Trong bối cảnh này, dư luận hết sức quan tâm liệu việc Hàn Quốc bổ nhiệm mới Ngoại trưởng Chung Eui-yong có giúp cải thiện được tình hình hay không. Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 9/2, tân Ngoại trưởng Chung khẳng định tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc không phải là một sự lựa chọn mà là con đường nhất định phải đi. Tuy nhiên, tình hình ngoại giao hiện tại không hoàn toàn thuận lợi cho tân Ngoại trưởng Hàn Quốc khi ông Chung được giao một sứ mệnh quan trọng phải củng cố liên minh Hàn-Mỹ với Chính phủ Tổng thống Joe Biden và giải quyết nhiều vấn đề song phương còn tồn tại. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về những kỳ vọng của Phủ Tổng thống đối với Ngoại trưởng Chung Eui-yong.

 

Insert 1. Ông Lee Jong-hoon

Khi đề cử ông Chung Eui-yong vào ghế Ngoại trưởng, Phủ Tổng thống Hàn Quốc giải thích ông Chung là một quan chức kỳ cựu đã cống hiến cả đời cho ngành ngoại giao và an ninh quốc gia. Phủ Tổng thống kỳ vọng ông Chung Eui-yong có thể nâng vị thế ngoại giao của Hàn Quốc lên một tầng cao mới bằng cách thúc đẩy thành công chính sách về tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, “chính sách phương Nam mới” và “chính sách phương Bắc mới” của Chính phủ. Ông Chung từng là Chủ tịch Nhóm đàm phán quyền sở hữu trí tuệ thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dưới thời Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, ông giữ chức Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống. Có thể nói, Ngoại trưởng Chung là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao, an ninh và thương mại và được kỳ vọng sẽ thể hiện sự linh hoạt để phối hợp ăn ý với đội ngũ đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden.

 

Tổng thống Moon Jae-in đã trao giấy bổ nhiệm cho tân Ngoại trưởng Chung Eui-yong vào ngày 15/2 vừa qua. Tại đây, Tổng thống Moon nhấn mạnh về cơ hội thực hiện những nỗ lực cuối cùng để thúc đẩy thành công tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Đáng chú ý, dù thừa nhận không còn nhiều thời gian, ông Moon vẫn khuyên tân Ngoại trưởng Chung đừng vội vàng theo đuổi một kết quả rõ ràng trong một khoảng thời gian nhất định, mà nên tiếp cận một cách bình tĩnh và có trình tự.

Trong khi đó, Tổng thống Moon đã nhiều lần đề xuất sớm trao đổi với Mỹ để kêu gọi nối lại đối thoại Mỹ-Triều. Nhà bình luận Lee Jong-hoon giải thích về lý do Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu tân Ngoại trưởng Chung Eui-yong không hấp tấp về thời gian, bất chấp việc nhiệm kỳ Tổng thống chỉ còn khoảng một năm.

 

Trong buổi họp báo chào năm mới ngày 18/1, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng sớm tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước Hàn-Mỹ nhằm tái khẳng định sự cần thiết của tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Trong cuộc điện đàm ngày 4/2 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Moon cũng nhấn mạnh Seoul và Washington cần nhanh chóng đề ra một chiến lược toàn diện đối với Bắc Triều Tiên. Mặc dù vậy, Tổng thống Moon Jae-in vẫn yêu cầu tân Ngoại trưởng Chung Eui-yong không được vội vàng vì chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra định hướng chính sách rõ ràng nào cho các vấn đề liên quan đến miền Bắc, bởi nếu vội vàng đẩy nhanh tiến độ thì các động thái của Hàn Quốc cũng khó sớm có kết quả.

 

Trên thực tế, Hàn Quốc và Mỹ vẫn chưa đẩy nhanh tốc độ hợp tác trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh Washington đang xem xét lại toàn bộ chính sách và cách tiếp cận đối với miền Bắc, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đưa ra dự đoán Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ có mâu thuẫn về vấn đề này.

 

Trong phiên điều trần kiểm tra tư cách đạo đức và năng lực ứng cử viên Ngoại trưởng tại Quốc hội vào ngày 5/2, ông Chung Eui-yong nhận định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn còn ý định phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Mỹ lại đánh giá miền Bắc vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân. Báo cáo gần đây của CRS cho rằng ông Moon theo đuổi chủ trương nhượng bộ Bắc Triều Tiên nhiều hơn cựu Tổng thống Donald Trump, gây căng thẳng giữa hai nước và có khả năng vấn đề này sẽ còn tiếp diễn dưới thời chính quyền ông Biden. Theo đó, Chính phủ Tổng thống Biden có thể sẽ không đẩy nhanh quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc, trái với kỳ vọng của ông Moon. Vì vậy, Tổng thống Moon Jae-in khó có thể đạt được các thành quả liên quan trong nhiệm kỳ của mình.

 

Trong khi đó, Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Ngày 11/2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định căng thẳng hiện tại giữa Seoul và Tokyo là rất đáng tiếc và Washington sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ Hàn-Nhật nhằm tăng cường liên minh giữa các đồng minh. Trích dẫn nội dung cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken đã chúc mừng ông Chung nhậm chức và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cho rằng quan hệ Hàn-Nhật khó có thể thay đổi, bất chấp việc Hàn Quốc đã bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới.

Sự chú ý đang đổ dồn vào cách tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cải thiện mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo, vốn căng thẳng do các vấn đề lịch sử liên quan đến nô lệ tình dục và cưỡng ép lao động thời chiến.

 

Tổng thống Joe Biden rất coi trọng sự hợp tác giữa các đồng minh, nên hiển nhiên Washington không muốn Seoul và Tokyo xảy ra xung đột kéo dài. Báo cáo của CRS cho rằng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng đến sự phối hợp chính sách ba bên giữa hai nước này và Mỹ. Giải quyết mối quan hệ giữa Hàn-Nhật là một trong những thách thức của tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong.

 

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Ngoại trưởng Chung Eui-yong phải đối mặt là phân tích cuộc chiến giành vị thế toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Về vấn đề tham gia "QUAD", cơ chế đối thoại gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm kìm hãm Trung Quốc, ông Chung phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Hàn Quốc có thể hợp tác với bất kỳ diễn đàn khu vực nào miễn là diễn đàn đó minh bạch, mang tính bao quát và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh Hàn Quốc gặp khó khăn khi phải đưa ra lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, Seoul cần mở rộng phạm vi ngoại giao thông qua ngoại giao chiến lược.

 

Mong muốn thúc đẩy thành lập một liên minh chống Trung Quốc, Mỹ đề nghị Hàn Quốc tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cơ chế đối thoại QUAD. Trên thực tế, Seoul đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh dẫn đầu. Vì vậy, Mỹ có thể sẽ cho rằng Hàn Quốc đang nghiêng về phía Trung Quốc. Tôi cho rằng Seoul cần nhanh chóng quyết định tham gia những hiệp định và tổ chức theo ý Washington để xóa tan những hiểu lầm không đáng có.

 

Tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đang phải đối mặt với vô số nhiệm vụ khó khăn để thúc đẩy chính sách về tiến trình hòa bình của Seoul. Trong khi Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc dựa trên thỏa thuận Mỹ-Triều đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018 thì Chính phủ Tổng thống Joe Biden lại hoài nghi về kết quả đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Trump. Seoul không được quên vai trò quan trọng của mình và cần thể hiện quan điểm một cách đầy đủ thông qua sự phối hợp chính sách chặt chẽ với các nước liên quan trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập