Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Seoul xem xét đưa vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui lên Tòa án công lý quốc tế

2021-02-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ cân nhắc thận trọng phương án khởi kiện vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ). Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc chính thức đề cập xem xét về vấn đề này. Giới phân tích nhận định Chính phủ đang có sự thay đổi lập trường về vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui.

 

Xem xét khởi kiện lên Tòa án công lý quốc tế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam trong buổi họp báo thường kỳ ngày 16/2 cho biết sẽ lắng nghe thêm lập trường của các nạn nhân, xem xét thận trọng việc khởi kiện vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui lên Tòa án công lý quốc tế. Có thể coi đây là câu trả lời chính thức của Chính phủ với đề xuất của bà Lee Yong-soo, một nạn nhân bị cưỡng ép mua vui thời chiến. Sáng cùng ngày, bà Lee đã tổ chức họp báo, đề nghị Chính phủ làm sáng tỏ tội ác của Nhật Bản theo luật pháp quốc tế, để Tòa án công lý quốc tế ra phán quyết buộc Tokyo phải nhận thức rõ và hối lỗi về sai lầm của mình. Bà Lee nhấn mạnh phải giải quyết vấn đề này một cách dứt điểm dựa trên phán quyết của Tòa án công lý quốc tế, giúp hai nước có thể giữ mối quan hệ tốt với nhau thay vì chỉ tranh cãi không hồi kết.

 

Giải thích bối cảnh

Bà Lee Yong-soo đang giữ chức Chủ tịch “Ủy ban xúc tiến đưa vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật lên Tòa án công lý quốc tế” mới được thành lập gần đây. Tiến sĩ Shin Hee-seok, nhà nghiên cứu luật pháp thuộc Đại học Yonsei, người cùng tham gia thành lập Ủy ban xúc tiến với bà Lee, phát biểu việc khởi kiện lên ICJ là cơ hội để xác định về tính phi pháp của chế độ cưỡng ép người phụ nữ mua vui thời chiến. Tiến sĩ Shin nhấn mạnh điều mà các nạn nhân mong muốn không phải là sự bồi thường bằng tiền bạc, mà là việc Nhật Bản xin lỗi, thừa nhận trách nhiệm, giáo dục về lịch sử, những điều khó có thể thực hiện chỉ bằng kiện tụng trong nước. Dự báo nếu khởi kiện, Hàn Quốc sẽ nhấn mạnh về tính phi pháp của chế độ cưỡng ép phụ nữ mua vui thời chiến, trong khi Nhật Bản sẽ nhấn mạnh rằng Seoul đã từ bỏ quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trên phương diện cá nhân theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965. Dù phán quyết của Tòa án công lý quốc tế như thế nào thì chế độ người phụ nữ bị ép mua vui cũng sẽ được đưa ra phán xử trên phương diện luật pháp quốc tế. Tất cả lời làm chứng của các nạn nhân trong quá trình xét xử sẽ được lưu trữ lại.

 

Ý nghĩa lập trường của Chính phủ và triển vọng

Mặc dù nêu ra điều kiện là “lắng nghe thêm ý kiến của các nạn nhân”, nhưng việc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ xem xét khởi kiện lên Tòa án công lý quốc tế là một điều rất hiếm thấy.


Việc khởi kiện từng được chính giới Nhật Bản nhắc tới trước. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn giữ lập trường là Tokyo phải xin lỗi một cách chân thành trước. Nội dung lần này cho thấy Chính phủ đã có sự thay đổi lập trường. Tòa án công lý quốc tế là một cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc được quy định theo Hiến chương Liên hợp quốc. Các nước thành viên, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, có nghĩa vụ phải tuân theo phán quyết của cơ quan này. Tuy nhiên, còn nhiều dự đoán trái chiều về thời điểm và hiệu quả của việc khởi kiện. Trước tiên, việc khởi kiện phải có sự nhất trí của hai nước đương sự. Ngoài ra, việc để ICJ ra phán quyết có thể là phương án giải quyết vấn đề một cách hòa bình, nhưng trong bối cảnh quan hệ Hàn-Nhật đang xấu đi như hiện nay, thì việc khởi kiện ngược lại có thể trở thành mồi lửa châm ngòi cho tranh chấp lớn hơn, tức thời điểm hiện nay là không thích hợp.

Lựa chọn của ban biên tập