Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên chỉ trích Mỹ chấm dứt hoàn toàn Hướng dẫn phát triển tên lửa của Hàn Quốc

2021-06-03

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 31/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng bài viết với tiêu đề “Tuyên bố chấm dứt hoàn toàn Hướng dẫn phát triển tên lửa nhắm vào mục đích gì?” nhằm chỉ trích Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa của Hàn Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào 21/5 vừa qua. Không chỉ gọi đây là một hành vi cố tình gây thù địch, bài báo còn chỉ trích Washington vì hành động ngược lại với mong muốn thúc đẩy đối thoại trước đó của nước này. KCNA cũng có phản ứng gay gắt với những phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Đáng chú ý, bài báo không phải là tuyên bố chính thức của chính quyền miền Bắc mà được viết dưới tên nhà bình luận vấn đề kinh tế Kim Myung-chol. Sau đây, giáo sư Park Won-gon Khoa Bắc Triều Tiên học, Trường đại học nữ Ewha sẽ phân tích ý đồ đằng sau động thái của miền Bắc .


Đây không phải tuyên bố chính thức từ một quan chức cấp cao như Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hay Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui mà là một bài báo được viết dưới tên của một cá nhân, cho thấy Bắc Triều Tiên đã điều chỉnh mức độ chỉ trích. Bài báo đã lên án cách tiếp cận thực tiễn, tính linh hoạt tối đa trong chính sách miền Bắc của Mỹ và Hàn Quốc chỉ là một thủ đoạn xảo trá. Tuy được viết dưới tư cách cá nhân, đây vẫn là một động thái làm giảm khả năng đối thoại Mỹ-Triều, ép buộc Washington phải lên kế hoạch chi tiết hơn cho các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.


Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận khác nhau tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua nhưng Bắc Triều Tiên lại đặc biệt chỉ trích thỏa thuận kết thúc Hướng dẫn phát triển tên lửa. Bình Nhưỡng mỉa mai việc Washington coi các “biện pháp tự vệ” của miền Bắc là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc nhưng lại cho phép “đàn em” của mình phát triển tên lửa không giới hạn, đồng thời gọi đó là hành động hai mặt vô liêm sỉ. Ngoài ra, trong một loạt các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên được đề cập tới trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua cũng có vấn đề nhân quyền mà nước này vốn rất nhạy cảm. Song tại sao miền Bắc lại đặc biệt phản ứng về việc chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ? 


Vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên cũng được nhắc tới trong Tuyên bố chung Hàn-Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh, và Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng Kurt Campbell gần đây cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt miền Bắc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không đề cập đến vấn đề này mà chỉ lên án thỏa thuận dỡ bỏ các Hướng dẫn phát triển tên lửa giữa Washington và Seoul. Động thái này có thể được hiểu là miền Bắc muốn lấy việc Mỹ cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa làm cái cớ để tiếp tục bắn thử tên lửa trong tương lai. Trên thực tế, tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng từng chỉ thị phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật.


Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ được được ký kết lần đầu tiên vào năm 1979, có nội dung hạn chế tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo từ Mỹ sang Hàn Quốc và xoa dịu lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Trước các mối đe dọa từ miền Bắc, các hướng dẫn sau đó đã được sửa đổi 4 lần, nâng tầm bắn lên tối đa 800 km và dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế về trọng lượng đầu đạn. Theo thỏa thuận trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng 5 vừa qua, giờ đây, Seoul đã khôi phục lại "chủ quyền tên lửa" sau 42 năm. Tại cuộc họp báo chung sau sự kiện, Tổng thống Moon Jae-in vui mừng thông báo việc chấm dứt các hướng dẫn về tên lửa là một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của hội nghị lần này. 

Hàn Quốc hiện có thể độc lập phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn hơn 1.000 km và đưa toàn bộ Đông Bắc Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, vào tầm bắn. Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), việc xóa bỏ các hạn chế đã tồn tại hàng thập kỷ đối với tên lửa sẽ giúp cải thiện khả năng quân sự của Hàn Quốc. Thêm vào đó, Seoul sẽ có thể phát triển tên lửa mang vệ tinh và các phương tiện bay không người lái có tải trọng không giới hạn, đem đến những đột phá trong công nghệ phát triển không gian. 


Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-4 của Hàn Quốc có tầm bắn 800 km và trọng lượng đầu đạn 2 tấn, gấp 4 lần trọng tải của tên lửa đạn đạo thông thường. Nếu mang đầu đạn có trọng lượng trung bình, Hyunmoo-4 có thể bay xa hơn 2000 km. Trong khi đó, các tên lửa hạt nhân chiến thuật mà Chủ tịch Kim Jong-un đề cập trong Đại hội đảng Lao động hồi tháng 1 có khả năng đưa Hàn Quốc vào tầm bắn và trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với miền Nam. Để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ miền Bắc, Seoul cần tăng cường khả năng tên lửa ở mức tối đa vì không sở hữu vũ khí hạt nhân.


Một số nhà phân tích tin rằng cả Hàn Quốc và Mỹ đều đạt được lợi ích với thỏa thuận chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa vì qua đó Mỹ có thể xây dựng mạng lưới tên lửa ở Đông Á để kiểm soát Trung Quốc, còn Hàn Quốc có thể củng cố khả năng tự vệ. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tỏ ra cảnh giác với việc Hàn Quốc được khôi phục chủ quyền tên lửa. Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh khẳng định các hướng dẫn về tên lửa là vấn đề song phương giữa Seoul và Washington, nhưng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nếu lợi ích quốc gia của Trung Quốc bị tổn hại, cho thấy sự không hài lòng của nước này với diễn biến mới. 


Các hạn chế được dỡ bỏ khiến tầm bay của tên lửa Hàn Quốc có thể vượt ra khỏi bán đảo Hàn Quốc, mở ra khả năng kiềm chế các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh không hài lòng nhưng cũng không đề cập đến thỏa thuận chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa Hàn-Mỹ ở cấp Chính phủ. Bài báo gần đây của Bắc Triều Tiên cho rằng việc gỡ bỏ các hạn chế về tên lửa của Hàn Quốc có thể là mối đe dọa đối với các nước láng giềng. Thay mặt Trung Quốc phản đối động thái này của Hàn Quốc và Mỹ, miền Bắc cho thấy Bình Nhưỡng đang đứng về phía Bắc Kinh.


Sự chú ý đang tập trung vào việc thái độ lần này của Bắc Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đối thoại Mỹ-Triều trong tương lai. Tuy để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với các động thái của Washington. Vì vậy, các nhà phân tích dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thay vì lập tức ngồi vào bàn đối thoại. 


Nói về chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong một cuộc họp báo gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ tập trung vào ngoại giao mà không đề cập đến các lệnh trừng phạt hay vấn đề nhân quyền, vốn là những vấn đề nhạy cảm với miền Bắc. Tuy nhiên, bài báo mới đây của Bình Nhưỡng đã chỉ trích tính linh hoạt tối đa trong chính sách về miền Bắc mà Washington nhấn mạnh. Với mục đích quân sự là phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng tại Bắc Triều Tiên ít nhất là đến cuối năm sau, khả năng cao miền Bắc sẽ cố gắng trì hoãn đàm phán với Mỹ để củng cố nội bộ.


Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục các động thái chỉ trích Mỹ, tùy thuộc vào những biến động trong tình hình ngoại giao khu vực, trong đó có các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Chúng ta hãy cùng chờ xem miền Bắc sẽ có những chính sách mới nào trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập