Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên sửa đổi Điều lệ đảng Lao động

2021-06-10

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 hồi tháng 1 vừa qua đã thu hút được nhiều sự chú ý khi bầu Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un làm Tổng bí thư đảng và tiến hành một cuộc cải tổ nhân sự quy mô lớn. Tại sự kiện này, Điều lệ đảng Lao động cũng đã được sửa đổi, nhưng khi đó chỉ một phần nội dung sửa đổi được tiết lộ và phải tới gần đây miền Bắc mới công bố các nội dung chi tiết hơn. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các Điều lệ đảng Lao động sửa đổi cùng ông Cha Du-hyeon, Giám đốc Trung tâm An ninh và đối ngoại tại Viện nghiên cứu chính sách Asan.

 

Điều lệ đảng Lao động Bắc Triều Tiên được ban hành khi đảng này được thành lập vào năm 1946. Do đảng Lao động là tổ chức chính trị quyền lực nhất miền Bắc, nên các điều lệ của đảng có tác dụng tương tự hoặc thậm chí hơn cả Hiến pháp. Việc sửa đổi Điều lệ đảng được thực hiện ở hầu hết các kỳ Đại hội đảng, và có thể nói bản sửa đổi lần này tượng trưng cho sự bắt đầu của thời đại Kim Jong-un trên cả danh nghĩa và thực tế.

 

Nội dung thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong bản sửa đổi Điều lệ đảng Lao động là chức danh “Bí thư thứ nhất”. Đây là một chức danh mới, chỉ sau chức Tổng bí thư, có thể thay thế Tổng bí thư Kim Jong-un nếu được lãnh đạo tối cao đảng Lao động ủy nhiệm, và được bầu tại cuộc họp toàn thể Ban chấp hành trung ương đảng. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên lập ra một chức vụ có quyền lực chỉ sau Tổng bí thư.

 

Ông Kim Jong-un từng đảm nhận chức vụ Bí thư thứ nhất sau khi cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il, qua đời vào cuối năm 2011. Việc lập ra chức vụ “Bí thư thứ nhất” lần này có mục đích tăng cường và tập trung quyền lực cho Chủ tịch Kim, bởi để leo được lên chiếc ghế mới các bí thư sẽ phải cạnh tranh gay gắt nhằm thể hiện lòng trung thành. Ngoài ra, cũng có suy đoán cho rằng đây là động thái để ông Kim Jong-un xem xét chỉ định người kế nhiệm, một suy đoán mà tôi nghĩ là không khả thi.

 

Bên cạnh đó, Điều lệ đảng Lao động sửa đổi cũng hạn chế sử dụng các thuật ngữ ám chỉ chế độ độc tài hay sự sùng bái một cá nhân. Khác với trước đây, tần suất xuất hiện tên của các cố Chủ tịch và thành tích của họ đã được tối thiểu hóa trong bản sửa đổi lần này. Đồng thời, Chủ tịch Kim Jong-un cũng chỉ được gọi là “nguyên thủ quốc gia”.

 

Tại Bắc Triều Tiên, Chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Jong-il được coi là hệ tư tưởng cầm quyền của đảng. Việc hạn chế các thuật ngữ liên quan đến chế độ độc tài hoặc tư tưởng Juche (chủ thể) cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Kim Jong-un trong việc điều hành đất nước dưới danh nghĩa của chính mình thay vì phụ thuộc vào tên tuổi của cha và ông nội. Đồng thời, đây cũng là động thái của miền Bắc nhằm xây dựng hình ảnh một quốc gia bình thường trong mắt người dân trong và ngoài nước.

 

Trong bản sửa đổi Điều lệ đảng gần đây, Bắc Triều Tiên cũng đổi chính sách “nền chính trị ưu tiên quân sự” mà cố Chủ tịch Kim Jong-il theo đuổi thành “nền chính trị tập trung vào con người”, cho thấy ông Kim Jong-un đang tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm. Tương tự, miền Bắc gần đây đã đổi tên “Đoàn thanh niên Chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Jong-il” thành “Đoàn thanh niên yêu nước xã hội chủ nghĩa”. Chính sách chú trọng phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng cũng được thể hiện trong các điều lệ mới của đảng Lao động. Khác với các điều lệ trước đây với khẩu hiệu phải “sát cánh cùng con đường hạt nhân”, bản sửa đổi nhấn mạnh tinh thần “tự lực cánh sinh” để phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến nhiệm vụ thống nhất hai miền Nam-Bắc trong các điều lệ sửa đổi của đảng Lao động cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý. Bình Nhưỡng đã thay cụm từ “thực hiện nhiệm vụ cách mạng chủ nghĩa dân chủ giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn quốc” bằng cụm từ “thực hiện nhiệm vụ phát triển xã hội độc lập và chủ nghĩa dân chủ trên phạm vi toàn quốc”, đồng thời xóa nội dung “các đảng viên phải tích cực đấu tranh để tiến tới thống nhất tổ quốc”. Trước các cách giải thích khác nhau về những ảnh hưởng mà các thay đổi này có thể mang lại cho chính sách của miền Bắc với Hàn Quốc, giám đốc Cha Du-hyeon cho rằng động thái này không đồng nghĩa với việc Bắc Triều Tiên đã từ bỏ lý tưởng cách mạng hóa miền Nam.

 

Cuộc cách mạng dân chủ giải phóng dân tộc mà Bắc Triều Tiên hướng đến có thể là sự kết hợp của hai kịch bản, đó là miền Bắc sẽ tăng cường khả năng quân sự để tiến tới thống nhất và thúc đẩy các cuộc đấu tranh chống Chính phủ ở Hàn Quốc, vốn là điều bất khả thi với tình hình hiện tại ở miền Nam. Cuộc cách mạng mà miền Bắc Triều Tiên hướng tới chính là việc thay đổi hoàn toàn thể chế của Hàn Quốc bằng các biện pháp cưỡng chế quân sự. Vì vậy, về cơ bản, lý thuyết của nước này về nhiệm vụ cách mạng hóa Hàn Quốc vẫn không thay đổi.

 

Động thái sửa đổi điều lệ đảng cho thấy Chủ tịch Kim Jong-un, vốn đã bước sang năm cầm quyền thứ 10, đang cố gắng thoát khỏi cái bóng của những người tiền nhiệm và xây dựng một Nhà nước bình thường định hướng theo chế độ. Vì vậy, bản sửa đổi lần này không đem đến được cái nhìn tổng thể về các đường lối đối ngoại của miền Bắc trong tương lai. Tuy nhiên, đa số các phân tích đều cho rằng Bình Nhưỡng hiện tại đang tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại.

 

Có thể thấy Bắc Triều Tiên đang muốn chứng tỏ với thế giới rằng nước này là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bình thường. Việc sửa đổi Điều lệ đảng cho thấy Chủ tịch Kim Jong-un đang nỗ lực củng cố quyền lực với mục đích tạo dựng một hệ tư tưởng riêng khác với những người tiền nhiệm. Trong bối cảnh miền Bắc nhấn mạnh chính sách “tự lực cánh sinh” để phát triển kinh tế và ý định giành ưu thế trong quan hệ liên Triều, triển vọng tương lai cho hai miền Nam-Bắc là không mấy sáng sủa. Tương tự, cuộc chiến căng thẳng trong việc nối lại đàm phán Mỹ-Triều cũng dự báo rằng Hội nghị thượng đỉnh song phương sẽ khó có thể được tổ chức trong tương lai gần.

 

Việc sửa đổi Điều lệ đảng Lao động là một động thái để Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố về phương hướng chính trị riêng. Chúng ta hãy cùng chờ xem động thái này có thể ảnh hưởng như thế nào đến chính trị và ngoại giao của Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập