Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính sách carbon mới của EU và tác động với Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-07-19

ⓒ Getty Images Bank

EU đề xuất cắt giảm carbon quy mô lớn và thuế biên giới carbon


Ngày 14/7 (giờ địa phương), Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố gói chính sách mang tên "Fit for 55", với nội dung đề ra các biện pháp để đạt được mục tiêu tới năm 2030 là giảm tối thiểu 55% lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990. Theo đó, EU có kế hoạch áp dụng thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới, tức đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia phát thải nhiều carbon hơn của EU. Đây được coi là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn biến đổi khí hậu, song cũng là một rào cản thương mại, đặc biệt là đối với các nhà xuất khẩu phát thải lượng lớn khí CO2 của Hàn Quốc. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho phân tích tác động của thuế carbon mới của EU với các doanh nghiệp Hàn Quốc và một số giải pháp ứng phó. 


Cơ chế điều chỉnh thuế biên giới carbon của EU là đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thải ra lượng khí CO2 cao hơn các nhà sản xuất trong khu vực, hoặc các mặt hàng thải ra nhiều carbon hơn khi sử dụng. Mục đích của chính sách này là bảo vệ môi trường nhờ cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. EU đã thực thi các quy định mạnh mẽ về khí thải CO2, khi các doanh nghiệp đã tập trung chuyển đổi cách thức sản xuất nhằm thải khí carbon thấp trong 20 năm qua dù chi phí sản xuất cao. Do đó, các sản phẩm sản xuất tại EU có giá thành cao, mất đi lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại, sản xuất theo cách truyền thống, phát thải lượng khí carbon cao hơn. Để khắc phục tình hình, EU đã đặt ra thuế biên giới carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.        


Ngành thép chịu đòn trời giáng


EU đã tuyên bố sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, và thuế carbon được coi là một phần trong nỗ lực đó. Tuy nhiên, biện pháp này giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Hàn Quốc khi các mặt hàng xuất khẩu chính sang EU sẽ bị đánh thuế cao hơn. Ông Kim Dae-ho cho biết thêm.  


Trước tiên, thuế biên giới carbon sẽ áp dụng với 5 mặt hàng như thép, nhôm và phân bón. Trong đó, ngành công nghiệp thép của Hàn Quốc dự kiến sẽ bị thiệt hại lớn. Quá trình luyện thép liên quan đến việc nung quặng sắt và thải ra khí CO2; nên thép nhập khẩu vào EU sẽ chịu mức thuế khổng lồ khi CO2 là sản phẩm phụ trong quá trình luyện thép. Ước tính Seoul sẽ phải trả hơn 1 tỷ USD thuế vào năm 2026, năm đầu tiên áp dụng thuế biên giới carbon. Tất nhiên, thuế carbon không chỉ đánh vào thép, mà còn tác động đến các quốc gia có ngành công nghiệp tạo ra nhiều khí thải CO2 như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Tác động đối với Seoul có thể ít hơn với Bắc Kinh và Maxcơva, song so với các nước tiên tiến, Hàn Quốc vẫn thải ra nhiều carbon hơn.  


Thuế carbon cho thép, xi măng, phân bón hóa học, nhôm, điện


Trong một báo cáo công bố gần đây,Viện chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIIEP) cho biết nếu EU áp mức thuế 30 euro cho một tấn CO2 thì doanh nghiệp Hàn Quốc phải chi trả thêm 1,9% tiền thuế, tương đương 1 tỷ USD/năm. Song các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ khó tự giải quyết vấn đề này, bởi tương tự các biện pháp tự vệ, thuế biên giới carbon được áp dụng cho sản phẩm từ các quốc gia cụ thể.  Giám đốc Kim Dae-ho cho biết. 


Đối với 5 sản phẩm gồm thép, nhôm, phân bón và điện, các nhà sản xuất phải cải tiến dây chuyền sản xuất, không phát thải hoặc giảm lượng khí CO2 thải ra, chuyển sang các dạng năng lượng mới như năng lượng hydro, điện, gió hoặc năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc thay đổi hệ thống cung cấp năng lượng trong vòng 5 năm là không hề dễ dàng. Và Seoul không thể từ bỏ thị trường EU, nên suy cho cùng vẫn phải đóng thuế. Điều cấp thiết hiện nay là Hàn Quốc cần xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng carbon thấp hoặc không thải khí CO2. Đồng thời, Seoul cần thuyết phục EU xem xét ngoại lệ khi thực hiện thuế carbon, viện dẫn đến sự phụ thuộc lớn của EU vào ngành sản xuất Hàn Quốc hay áp dụng quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về thuế carbon để gia hạn thời gian đóng thuế. Song về cơ bản, Hàn Quốc sẽ không dễ dàng xuất khẩu sang EU nếu tiếp tục duy trì nền công nghiệp thải ra nhiều CO2 như hiện tại.   


Mỹ, châu Âu đánh thuế carbon, xu hướng toàn cầu


Thép và nhôm là những mặt hàng chịu tác động trực tiếp, song các ngành công nghiệp khác cũng không thể lơ là. Đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô bởi chính sách carbon mới của EU cấm bán động cơ đốt trong từ năm 2035. Trong khi mục tiêu của hãng ô tô Hyundai là đạt tỷ trọng xe điện chỉ 42% cho tới năm 2035. Do đó, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cần đưa ra biện pháp đối phó một cách nhanh chóng. Trung hòa carbon không chỉ là vấn đề riêng của EU mà đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Mỹ dự kiến sẽ công bố kế hoạch thuế biên giới carbon áp dụng từ năm 2025 vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới. Hàn Quốc hiện đang xuất khẩu lượng lớn hàng hóa sang Mỹ và châu Âu, nên cần coi thuế carbon là vấn đề không thể tránh khỏi. 


Hàn Quốc chuyển hướng xây dựng nền kinh tế trung hòa carbon


Ngày 14/7 vừa qua, Seoul đã một lần nữa bày tỏ quyết tâm trung hòa carbon trong “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc 2.0”. Năm ngoái, Hàn Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050. Động thái gần đây được coi là quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy chính sách trung hòa carbon một cách nhất quán và hiệu quả. Giám đốc Kim Dae-ho nhận định.  


Xuất khẩu đã thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu thuế biên giới carbon là xu hướng toàn cầu, Seoul sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đại tu ngành công nghiệp, giảm lượng khí thải CO2. Các Chính phủ tiền nhiệm đã biết trước điều này, nhưng vẫn trì hoãn cải cách bởi nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống này đã không còn đảm bảo tương lai. Ngay bây giờ, Chính phủ cần giải thích cho người dân hiểu rằng thuế carbon là xu thế tất yếu và đưa ra các kế hoạch từng bước chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, ứng phó tình hình một cách hiệu quả.   


Thuế biên giới carbon không phải là kết thúc mà là sự khởi đầu. Mặc dù là gánh nặng trước mắt, song nếu Hàn Quốc đối phó tốt thì sẽ có thể biến khủng hoảng thành cơ hội, đảm bảo lợi ích thiết thực, giành ưu thế trong nền kinh tế không carbon.  

Lựa chọn của ban biên tập