Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ý nghĩa việc Bắc Triều Tiên chỉ trích Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

2021-09-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Vào 11 giờ 59 phút đêm ngày 30/8 (giờ địa phương), Mỹ đã rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan chỉ một phút trước khi bước sang ngày 31/8, thời hạn phải rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Theo đó, cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa Mỹ và lực lượng Taliban, vốn khơi mào từ cuộc khủng bố Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001, đã hoàn toàn chấm dứt. Vào thời điểm đó, Taliban từ chối giao Osama bin Laden, được cho là kẻ chủ mưu cuộc khủng bố, dẫn đến việc Washington và các đồng minh đưa quân vào Afghanistan. Nhưng tình trạng chiến tranh vẫn tiếp diễn dù Mỹ lật đổ Taliban và tiêu diệt Osama bin Laden vào năm 2011. Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thỏa thuận với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan và thỏa thuận này đã được thực hiện bởi người kế nhiệm Joe Biden. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ phân tích về ý nghĩa của sự kiện này.

 

Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, quân đội Taliban ngay lập tức chiếm giữ Phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul và giành được quyền kiểm soát đất nước. Khác với dự đoán ban đầu của Washington rằng Chính phủ Afghanistan sẽ cầm cự đến cuối năm nay, Chính phủ nước này sụp đổ nhanh chóng và cảnh tượng người dân Afghanistan tràn đến Sân bay quốc tế Kabul để thoát khỏi sự lãnh đạo của Taliban đã khiến toàn thế giới sửng sốt. Trước tình hình chưa thể xác định được số lượng người Afghanistan rời bỏ đất nước trong tương lai, châu Âu hiện chỉ miễn cưỡng chấp nhận người tị nạn nước này trước lời đề nghị của Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm về tình hình đang diễn ra ở Afghanistan vì đã quyết định rút lui sau hai thập kỷ.

 

Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên ngày 21/8 đã đưa ra những lời chỉ trích nhắm vào Mỹ, gọi nước này là thủ phạm hủy diệt nền hòa bình và ổn định thế giới. Ngày 5/9, Bình Nhưỡng đăng tải nhiều bài viết lên án Washington nhằm tạo áp lực lên nước này về vấn đề nhân quyền.

Các động thái này được cho là nhằm hối thúc Mỹ thay đổi thái độ và chấp nhận các điều kiện tiên quyết mà nước này đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.

 

Khác với các quốc gia có quan hệ thù địch với Mỹ, Bắc Triều Tiên không đơn giản chỉ muốn chỉ trích về vấn đề nhân quyền ở Afghanistan mà còn muốn lợi dụng việc này làm đòn bẩy để tạo ra một kênh liên lạc với Mỹ. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng muốn nhấn mạnh nước này mạnh hơn và sở hữu vũ khí hạt nhân nên Washington không thể đối phó với miền Bắc tương tự như Afghanistan. Do đó, đàm phán Mỹ-Triều nên diễn ra trên quan hệ bình đẳng, bắt đầu từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và chính sách thù địch với miền Bắc.

 

Tuy nhiên, khác với mọi khi, lần này Bắc Triều Tiên gián tiếp lên án Mỹ bằng cách dẫn lời của Ngoại trưởng các nước khác như Trung Quốc, Cuba, Syria và Iran; đồng thời khẳng định sự chỉ trích của quốc tế nhắm vào Mỹ đã lên đến đỉnh điểm.

 

Bắc Triều Tiên nổi tiếng là thường chỉ trích Mỹ với lời lẽ hết sức gay gắt. Các quan điểm của nước này cho rằng vấn đề nằm ở chính sách thù địch của Mỹ và miền Bắc phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là để tự vệ trước Mỹ. Song lập trường này của Bình Nhưỡng được cho là chủ quan và không được cộng đồng quốc tế đồng tình. Do đó, trong bối cảnh Mỹ đang bị nhiều quốc gia như Trung Quốc và châu Âu lên án về vấn đề người tị nạn Afghanistan, việc Bắc Triều Tiên tham gia làn sóng chỉ trích này có thể sẽ nhận được sự ủng hộ.

 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ chuyển hướng sự chú ý từ Afghanistan sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Trung Quốc. Trong một bài phát biểu về việc rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ phải đối mặt với những thách thức mới như cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, sự gia tăng vũ khí hạt nhân tại Nga và các cuộc tấn công mạng. Đặc biệt, cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc được coi là nhiệm vụ hàng đầu của nước này trong thời kỳ hậu Afghanistan.

 

Trong bối cảnh Trung Quốc phát triển nhanh chóng và trở thành quốc gia đối trọng với Mỹ, nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Tổng thống Biden thời kỳ hậu Afghanistan là phải giành được ưu thế và kiềm chế Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình với mục tiêu vượt qua Mỹ về tiềm lực kinh tế sau năm 2030 không phải là một đối thủ dễ đối phó. Hai nước cũng đang trong một cuộc giằng co khốc liệt trên mặt trận quân sự. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden sẽ dồn lực để kiểm soát Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo lắng về khả năng xung đột Mỹ-Trung leo thang sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới.

 

Cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ trở nên gay gắt hơn sau khi Washington rút quân khỏi Afghanistan. Theo đó, tác động từ việc Mỹ rút lui khỏi quốc gia Trung Đông này đến quan hệ Hàn-Mỹ, Mỹ-Triều và tình hình khu vực cũng thu hút sự quan tâm.

 

Các chuyên gia không cho rằng sự kiện xảy ra ở Afghanistan sẽ được lặp lại ở Hàn Quốc vì Seoul là đồng minh lâu đời của Washington, đồng thời bán đảo Hàn Quốc cũng là khu vực chiến lược quan trọng để kiềm chế Trung Quốc. Bắc Triều Tiên kỳ vọng Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào tình hình an ninh ở Đông Bắc Á sau khi rời Trung Đông, làm dấy lên khả năng hai nước Mỹ-Triều có thể nối lại đàm phán. Tuy nhiên, xét thái độ hiện tại của Mỹ, nước này khó có thể dễ dàng chấp nhận yêu cầu của miền Bắc, nên cần phải chờ xem liệu quan hệ Mỹ-Triều có thể có được bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ hậu Afghanistan hay không.

 

Trong một diễn biến khác, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ tới thăm Seoul trong hai ngày 14 và 15/9 để tham gia Hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Trung. Trước thềm kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn-Trung vào năm tới, hai nước dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề tồn đọng, trong đó có hợp tác song phương và ngoại giao khu vực. Trong bối cảnh Chính phủ Washington tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc cũng đang có những động thái đối phó bằng việc quản lý quan hệ với Hàn Quốc. Và mọi sự chú ý cũng đang tập trung vào vai trò trung gian của Bắc Kinh trong việc tháo gỡ cục diện bế tắc của quan hệ liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập