Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đường dây liên lạc liên Triều được khôi phục

2021-10-07

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ MINISTRY OF UNIFICATION, YONHAP News

Tháng 6 năm ngoái, để phản đối những người đào tẩu Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc phát tán truyền đơn sang biên giới nước này, Bình Nhưỡng đơn phương cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Seoul và cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Gaesung. Ngày 27/7 năm nay, nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hai miền đã bất ngờ khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều. Hai tuần sau đó, vào ngày 10/8, Bắc Triều Tiên một lần nữa đơn phương cắt đứt liên lạc nhằm phản đối liên quân Hàn-Mỹ tập trận chung. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 4/10, đường dây liên lạc liên Triều được nối lại sau 55 ngày. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ giải thích ý nghĩa của sự kiện này.

 

Đường dây liên lạc liên Triều vốn được Bắc Triều Tiên sử dụng làm đòn bẩy trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều. Lợi dụng việc đối thoại liên Triều là một yếu tố thiết yếu, miền Bắc thường sử dụng phương án cắt đứt đường dây liên lạc khi có điều bất mãn, chẳng hạn như sự việc giải truyền đơn hay các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Việc khôi phục các đường dây liên lạc gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên muốn cải thiện quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều đang lâm vào bế tắc, đồng thời thể hiện mong muốn khôi phục lại đối thoại. Hiện nước này đã trở về trạng thái trước khi cắt đứt đường dây liên lạc và cho nổ tung văn phòng liên lạc chung vào tháng 6 năm ngoái. Từ góc độ rộng hơn, có thể nói miền Bắc đã bước vào giai đoạn đàm phán kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội thất bại vào tháng 2/2019.

 

Trong bài phát biểu trước kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên khóa XIV vào ngày 29/9, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã hé lộ ý định khôi phục các đường dây liên lạc chung nhằm khôi phục quan hệ liên Triều. Về đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, ông Kim cũng kêu gọi Hàn Quốc rút lại thành kiến, thái độ hai mặt cùng các chính sách thù địch. Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un còn chỉ trích Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden vì không thay đổi các động thái đe dọa quân sự và chính sách thù địch từ khi lên nắm quyền.

 

Đây là lần thứ hai Chủ tịch Kim có bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao, sau bài phát biểu vào tháng 4/2019, khoảng hai tháng sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội không đạt được kết quả. Vào thời điểm đó, ông Kim Jong-un khẳng định sẽ đi theo một con đường mới nếu không thể đạt được thỏa thuận với Mỹ trong thời hạn đến cuối năm. Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Kim đã đề cập đến khả năng hợp tác, mặc dù chỉ giới hạn trong quan hệ liên Triều. Tuy từng chỉ trích Mỹ, miền Bắc vẫn nhận thức rõ quan hệ liên Triều không thể tiến triển nếu quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện. Không nhắc đến Mỹ nhưng Bình Nhưỡng vẫn cho thấy ý đồ tổ chức các cuộc đàm phán với Washington thông qua hợp tác với Seoul, qua đó thể hiện sự kì vọng vào vai trò của Hàn Quốc trong tương lai. Lần này Bắc Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc từ bỏ chính sách thù địch, với trọng tâm là các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ. Tuy nhiên, Seoul và Washington không có kế hoạch tổ chức tập trận cho đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 2/2022 sẽ tạo điều kiện cho miền Bắc có đủ thời gian để đàm phán. Dù đưa ra điều kiện tiên quyết, Bắc Triều Tiên vẫn đang đi theo một lộ trình đàm phán nhất định.

 

Ngày 30/9 (giờ địa phương), một ngày sau khi Chủ tịch Kim Jong-un có phát biểu để ngỏ khả năng khôi phục các đường dây liên lạc xuyên biên giới, Bắc Triều Tiên đã bắn thử tên lửa chống máy bay mới. Bình Nhưỡng đã tiến hành 4 vụ thử vũ khí khác nhau chỉ trong tháng 9, bao gồm bắn thử tên lửa hành trình tầm xa vào ngày 11 và 12/9, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào ngày 15/9 và tên lửa bội siêu thanh Hwasong-8 vào ngày 28/9.

 

"Tên lửa chống máy bay" là tên lửa đất đối không theo cách gọi của Bắc Triều Tiên, một loại tên lửa được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia. Miền Bắc cho rằng động thái lần này không đáng bị lên án vì là một hoạt động tăng cường khả năng quốc phòng bình thường và nước này vẫn tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay phát triển vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc. Mặc dù Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vượt qua ranh giới đỏ, Liên hợp quốc vẫn cáo buộc nước này vi phạm nghị quyết vì đã bắn thử tên lửa tầm ngắn, vốn có thể được sử dụng làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh các phương pháp mà Bắc Triều Tiên có thể dùng để uy hiếp Mỹ trước các cuộc đàm phán còn hạn chế, Bình Nhưỡng đã sử dụng biện pháp phô trương lực lượng nhưng không vượt quá giới hạn để gây áp lực lên Washington trên danh nghĩa tăng cường khả năng phòng thủ.

 

Trước tình hình cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về động thái thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã mở cuộc họp khẩn liên quan tới các hành động quân sự gần đây của nước này. Ban đầu, cuộc họp được dự kiến diễn ra vào ngày 30/9, nhưng sau đó đã được lùi sang ngày 1/10 (giờ địa phương) theo đề nghị của Nga và Trung Quốc, với lý do cần thêm thời gian để xem xét tình hình. Tuy nhiên, cuộc họp đã không đưa ra được tuyên bố chung.

 

Vì Trung Quốc và Nga vẫn có lập trường thân thiện với Bắc Triều Tiên nên Liên hợp quốc không thể đưa ra biện pháp trừng phạt đối với miền Bắc nếu nước này không phóng thử ICBM, tên lửa tầm trung đến tầm xa hoặc thử hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ, Anh và khối phương Tây chủ yếu bày tỏ lo ngại về các động thái vi phạm nghị quyết Liên hợp quốc của Bắc Triều Tiên. Đây là lý do tại sao có sự chia rẽ trong lập trường của Trung Quốc, Nga và Mỹ, Anh, Pháp. Tuy nhiên trong quá khứ, khi miền Bắc tiến hành thử hạt nhân hoặc bắn tên lửa đạn đạo tầm trung đến tầm xa, Trung Quốc và Nga cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, nếu Bình Nhưỡng vượt quá giới hạn, Bắc Kinh và Matxcơva cũng khó có thể phản đối các lệnh trừng phạt lên nước này.

 

Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV vào tuần trước, Bình Nhưỡng đã thực hiện nhiều sự thay đổi nhân sự trong Ủy ban Quốc vụ, vốn là cơ quan đứng đầu bởi Chủ tịch Kim Jong-un, chuyên quyết định các chính sách quan trọng nhất và chỉ đạo Nội các. Trong khóa họp vừa qua, Thủ tướng Kim Tok-hun được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ; Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, Bí thư phụ trách các vấn đề tổ chức Jo Yong-won và Bí thư đảng Lao động Pak Jong-chon được bầu làm ủy viên Ủy ban Quốc vụ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, người đã chỉ đạo các chính sách của miền Bắc đối với Mỹ, đã bị loại khỏi ủy ban này.

 

Việc bổ nhiệm Thủ tướng Kim Tok-hun làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ cho thấy Bắc Triều Tiên sẽ trao quyền cho Nội các vực dậy nền kinh tế. Việc thêm bà Kim Yo-jong và loại bỏ ông Choe Sun-hui khỏi ủy ban này đang gây được nhiều sự chú ý. Vị trí mới cho thấy địa vị chính thức của bà Kim đã được nâng cao, mặc dù bà vốn được coi là người nắm quyền lực thực tế thứ hai trong chế độ khi đóng vai trò quyết định trong các vấn đề liên quan đến quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều, đồng thời quản lý các cơ quan liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Mặt trận thống nhất. Cùng với đó, việc Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui bị loại khỏi Ủy ban Quốc vụ sẽ tạo tiền đề cho bà Kimnắm giữ quyền lực toàn diện khi giải quyết các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc và Mỹ.

 

Các tuyên bố trước đây của Phó Chủ tịch Kim Yo-jong khẳng định điều kiện tiên quyết để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều là Hàn Quốc phải từ bỏ các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch. Ngược lại chính phủ Joe Biden ủng hộ đàm phán liên Triều nhưng nhấn mạnh đối thoại vô điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ tiếp tục mâu thuẫn trong thời gian tới.

 

Nếu nhìn từ góc độ rộng hơn, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang chuyển từ cục diện bế tắc sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội sang giai đoạn đàm phán, mở ra khả năng tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Hàn Quốc, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Trong khi đó, miền Bắc sẽ tiếp tục chính sách mà Chủ tịch Kim Jong-un đề ra tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 về việc tăng cường khả năng tự vệ bằng cách phóng thử tên lửa tầm ngắn hoặc tên lửa chống máy bay, đồng thời phát triển vũ khí hạt nhân. Bằng cách này, miền Bắc sẽ vừa không vượt qua ranh giới đỏ, vừa có thể gây áp lực cho Mỹ để hướng tới đối thoại.

Bước vào nhiệm kì thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi việc đăng cai tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, ông Tập mong muốn tình hình trên bán đảo Hàn Quốc được quản lý ổn định. Theo đó, hiện tại 4 bên Hàn-Mỹ-Triều-Trung đều không hi vọng tình hình ngoại giao khu vực trở nên xấu đi. Do đó, trạng thái đàm phán tại bán đảo Hàn Quốc được cho là sẽ kéo dài trong thời gian tới.

 

Về tình hình trên bán đảo Hàn Quốc, nhiều người đang có những kì vọng về khả năng cải thiện quan hệ liên Triều và đàm phán xuyên biên giới, đồng thời cũng lo ngại về những động thái phô trương sức mạnh tiếp theo của Bắc Triều Tiên. Hy vọng sự kiện khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều gần đây sẽ mở ra con đường cho hòa bình trong khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập