Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tre trúc và nhạc khí thổi của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-10-06

Âm điệu ngàn xưa

Tre trúc và nhạc khí thổi của Hàn Quốc

Các loại nhạc khí thổi được làm bằng trúc ở Hàn Quốc

Vào thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên, thời kỳ Silla mới thống nhất Goguryeo và Baekje. Nhà vua Sinmun (Thần Văn) lên nối ngôi đã cho dựng chùa Gameun (Cảm Ân) ở ven biển phía Đông để ghi nhớ công trạng thống nhất ba vương quốc của vua cha Munmu (Văn Vũ). Chùa được cất dựng xong thì có một hòn đảo xuất hiện ở vùng biển phía trước ngôi chùa. Trên đảo có một cây tre lạ, ban ngày nhìn thấy hai cây nhưng ban đêm chúng nhập lại thành một. Sau khi được nghe tấu trình chuyện lạ, vua Sinmun đã đích thân tới đảo. Lúc này, một con rồng xuất hiện và báo cho nhà vua rằng “cây tre là do vua cha Munmu gửi đến do lo lắng cho vận mệnh đất nước. Hai cây tre nhập thành một là theo nguyên lý một bàn tay không thể tạo ra được âm thanh mà phải cần hai bàn tay vỗ vào nhau. Khi cây tre được nhập thành một mà đem chế thành nhạc khí thì âm thanh sẽ xóa bỏ mọi phiền muộn, lo lắng trên thế gian. Nghe vậy, vua Sinmun bèn sai nghệ nhân lấy tre làm thành cây sáo. Quả nhiên tiếng sáo đã dẹp tan quân địch, gọi mưa cho mùa hạn, dẹp lũ trong mùa mưa, làm êm dịu hàng vạn con sóng lớn. Thế nên, cây sáo được đặt tên là Manpasikjeok (Vạn ba tức địch). Gần đây, nhiều học giả cho rằng cây sáo thần Manpasikjeok chính là nguyên gốc của cây sáo trúc ngang Daegeum. 


Sangryeongsan (Thượng linh sơn) là khúc nhạc đầu tiên trong 9 khúc cấu thành nên nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương). Khúc nhạc này có nhịp điệu chậm rãi, mang lại cảm giác yên bình. “Puneun Garak” được gọi tắt là Pulgarak, âm Hán là “Haetan” (giải đàn), có nghĩa là người nghệ sĩ biến tấu theo phong cách riêng và thỏa sức trổ tài. Khi được diễn tấu bằng sáo trúc ngang lớn Daegeum hoặc sáo trục dọc Piri, nhạc khúc có tên là “Sangryeongsan”. Còn khi được diễn tấu bằng đàn tranh 6 dây Geomungo, nó được gọi là “Hahyeondodeuri”. Hàn Quốc có khá nhiều nhạc khí thổi được làm bằng trúc như sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri, sáo trúc nhỏ Sogeum, sáo trúc ngắn Danso, sáo trúc dọc Tungso. Tùy theo kích cỡ của ống trúc và cách diễn tấu, các loại sáo cho âm thanh khác nhau. Tre trúc có ưu điểm là gióng thẳng, rỗng ruột, không biến dạng nên thuận tiện trong chế tác nhạc khí. Tre trúc là loài thực vật xanh quanh năm nên được giới học giả xưa ở Hàn Quốc rất ưa chuộng. Đăc biệt là trong tiết đông giá rét, khi mà đa phần các loài cây đều rụng lá thì tre trúc vẫn xanh mướt và mỗi khi có gió, lá của chúng lại cọ xát vào nhau tạo nên bản nhạc gió xào xạc. 


Ý nghĩa của tre trúc trong tâm tưởng người Hàn Quốc

Các học giả Hàn Quốc xưa kia gọi tre, thông và hoa mai là “Sehansamwoo” (Tuế hàn tam hữu), nghĩa là ba người bạn trong mùa đông. Trong đó, tre và thông là hai loài cây giữ được sắc xanh trong mùa đông, còn hoa mai thì dù có bị vùi trong tuyết vẫn tỏa hương thơm thanh khiết. Ý muốn nói rằng trong thế sự ngổn ngang, cho dù có gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào thì các học giả cũng luôn giữ khí tiết như tre và thông, phẩm chất cao quý như hoa mai ngát hương. Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có nhạc phẩm Jukjisa (Trúc chi từ) được giới học giả rất yêu thích. Nhạc phẩm có phần ca từ dài và thường được đệm bằng sáo trúc dọc Piri hoặc đàn nhị Haegeum, sáo trúc ngang lớn Daegeum. Nhạc phẩm Jukjisa (Trúc chi từ) vốn là khúc hát có liên quan tới vợ của vua Thuấn thời Trung Quốc cổ đại. Truyền rằng Nga Hoàng và Nữ Anh là hai chị em và cùng là vợ của vua Thuấn. Khi nghe tin nhà vua qua đời, hai người đã khóc sướt mướt, nước mắt thấm đẫm rặng tre rồi họ nhảy xuống sông tự vẫn để giữ tiết hạnh với chồng. Từ đó, trên thân tre trúc của khu vực này có những vết màu đỏ trông giống vết máu. Và để ghi nhớ sự kiện này, người ta đã sáng tác khúc hát Jukjisa (Trúc chi từ). Khúc hát Jukjisa chỉ có mỗi tựa đề là giống với nhạc phẩm Jukjisa của Trung Quốc. Đây là khúc hát mô tả cảnh quan hùng vĩ và phong tục tập quán trên bán đảo Hàn Quốc, được bắt đầu bằng câu:

Trời đất không già, trăng luôn mọc

Sông núi phẳng lặng, người trăm tuổi rồi


* Nhạc phẩm “Sangryeongsan Puneun Garak” (Giải tấu khúc Thượng linh sơn) / Kim Jeong-seung (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Khúc Daenamusup (Rừng tre) /Jang Myeong-seo 

* Nhạc phẩm “Jukjisa” (Trúc chi từ) / Lee Dong-kyu

Lựa chọn của ban biên tập