Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Luật phòng dịch khẩn cấp của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-01-05

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Đã hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song giờ đây thế giới vẫn đang đối mặt với nỗi lo khi biến thể Omicron bắt đầu lan rộng từ cuối năm 2021. Trong hai năm qua, Bắc Triều Tiên đã từ chối nhận viện trợ vắc-xin và kiên trì với các biện pháp phòng dịch khẩn cấp và phong tỏa biên giới. Đặc biệt, vào tháng 8/2021, Bình Nhưỡng ban hành "Luật phòng dịch khẩn cấp" gồm 5 chương và 70 điều khoản nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng bác sỹ Kim Ji-eun, được mệnh danh là bác sỹ y học cổ truyền số một liên Triều, tìm hiểu về “Luật phòng dịch khẩn cấp" mới được sửa đổi của miền Bắc. Năm ngoái, bác sĩ Kim Ji-eun giành được giải xuất sắc tại "Cuộc thi luận văn pháp luật thống nhất" do Bộ Tư pháp Hàn Quốc tổ chức với bài luận "Tìm hiểu biện pháp đối phó với COVID-19 của Bắc Triều Tiên và phương án hợp tác trong tương lai thông qua việc nước này ban hành Luật phòng dịch khẩn cấp”. Đầu tiên, bà Kim Ji-eun giải thích ý nghĩa của việc miền Bắc ban hành luật này.

 

Sau khi nắm bắt được thông tin về dịch COVID-19, Bắc Triều Tiên ngay lập tức thực hiện các biện pháp phong tỏa biên giới. Khác với dự đoán là chỉ cần chịu đựng một thời gian khó khăn ban đầu thì dịch bệnh sẽ biến mất như những căn bệnh truyền nhiễm khác, miền Bắc đã nhận ra sự cần thiết của việc cần có một biện pháp đối phó tích cực hơn. Theo đó, nước này ban hành “Luật phòng dịch khẩn cấp”. Hệ thống y tế Bắc Triều Tiên chủ yếu chú trọng vào công tác phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh khác nói riêng, nên nguyên tắc cơ bản là phải phòng ngừa trước khi dịch bệnh phát sinh. Ngoài ra, do điều kiện y tế tại miền Bắc không thể theo kịp quốc tế, đây là phương án khả thi nhất với nước này.

 

Năm 1946, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân lâm thời Bắc Triều Tiên, cũng là cơ quan quyền lực đầu tiên của miền Bắc, nước này thành lập Cục Y tế, đưa ra phương hướng và nguyên tắc của nền y tế là Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho toàn dân. Sau đó, Luật y tế nhân dân được ban hành vào năm 1980, tiếp tục hệ thống hóa và cụ thể hóa nguyên tắc này.

 

Bắc Triều Tiên chính thức quy định nền y học xã hội chủ nghĩa là nền y học tập trung vào công tác phòng bệnh trong Luật y tế nhân dân ban hành ngày 3/4/1980. Kể từ đó, nước này chú trọng vào việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói riêng và các bệnh thông thường nói chung. Vì vậy, các bác sĩ sẽ tới các địa phương để giải thích cho người dân về bệnh dịch và các cách phòng tránh, như rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang, không tự ý đi lại, hoặc khai báo trước về lộ trình đi lại cho nhân viên y tế.

 

Bắc Triều Tiên thành lập Đội kiểm tra vệ sinh bao gồm các nhân viên y tế hoặc kiểm dịch và những người dân được tuyển chọn để làm nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát và kiểm soát vệ sinh kỹ lưỡng nhằm ngăn ngừa các loại bệnh dịch, trong đó có bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, những người này không chỉ kiểm tra các cơ sở công cộng như trường học, đoàn thể và quán ăn, mà còn kiểm tra tình trạng vệ sinh của các cá nhân và hộ gia đình.

 

Hoạt động của Đội kiểm tra vệ sinh là biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm triệt để nhất ở Bắc Triều Tiên. Những người này có quyền vào các nhà máy, xí nghiệp hoặc các hộ gia đình bất cứ lúc nào để kiểm tra; và tùy theo tình trạng vệ sinh mà dán nhãn đạt hoặc không đạt lên cửa ra vào hoặc bên ngoài tòa nhà, gây áp lực lớn với người dân. Đặc biệt, việc bị gắn nhãn không đạt có thể gây bất lợi hoặc thậm chí khiến các văn phòng hoặc nhà hàng phải dừng hoạt động. Do đó, Đội kiểm tra vệ sinh là một tổ chức khá đáng sợ với người dân miền Bắc.

 

Bắc Triều Tiên ban hành Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm vào năm 1997, sau đó sửa đổi và bổ sung 4 lần, thành lập các tiêu chuẩn chi tiết về phòng ngừa và ứng phó với bệnh truyền nhiễm. Tháng 4/2020, một tháng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, Bình Nhưỡng một lần nữa sửa đổi, bổ sung luật này với nhận định rằng không thể coi thường đại dịch COVID-19. Tháng 8/2021, miền Bắc ban hành Luật phòng dịch khẩn cấp với đặc điểm đáng chú ý nhất là khi phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng, nước này sẽ ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, chuyển sang hệ thống phòng dịch khẩn cấp, tích cực tiến hành các dự án phòng dịch.

 

Hai luật này có nhiệm vụ và mục đích khác nhau. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chỉ giới hạn với bệnh truyền nhiễm, trong khi Luật phòng dịch khẩn cấp được áp dụng khi một vấn đề quốc gia xảy ra. Theo luật này, trong trường hợp phòng dịch khẩn cấp có khả năng đe dọa đến sự an toàn của đất nước, hệ thống quốc gia sẽ được chuyển đổi thành hệ thống khẩn cấp quốc gia. Khi đó, Thủ tướng sẽ tiếp quản Bộ chỉ huy phòng dịch khẩn cấp trung ương; các cơ quan bảo vệ, cảnh sát, cơ quan an toàn xã hội, nhân viên y tế sẽ được huy động để phong tỏa toàn quốc. Luật phòng dịch khẩn cấp cũng quy định cách quản lý theo kiểu “vòi bạch tuộc” vô cùng chi tiết, chia thành tổ vận chuyển, tổ phong tỏa, tổ điều trị và ban tổng hợp.

 

Luật phòng dịch khẩn cấp của Bắc Triều Tiên bao gồm 5 chương và 70 điều khoản, quy định nguyên tắc cơ bản của các dự án phòng dịch khẩn cấp là nhanh chóng và chủ động thực hiện các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị các phương án đối phó, thiết lập hệ thống phòng dịch khẩn cấp quốc gia, ứng phó với nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm. Đặc biệt, luật này quy định Chính phủ phải đánh giá và đối phó theo tốc độ lây lan và mức độ của các bệnh truyền nhiễm, đề xuất các biện pháp đối phó chi tiết cho từng phòng ban, như tổ cơ động, tổ điều trị hay tổ phong tỏa.

 

Bắc Triều Tiên chia các tình huống khẩn cấp thành cấp độ một, cấp độ đặc biệt và cấp độ siêu đặc biệt; nhưng thực tế không có tiêu chuẩn rõ ràng mà chỉ quy định bằng các mức độ mơ hồ như mức có nguy cơ xâm nhập, mức đã xâm nhập và khá nguy hiểm, mức cực kỳ nguy hiểm và đe dọa đến sự an toàn của người dân. Vì vậy, nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả của các tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, tôi nghĩ đại dịch COVID-19 sẽ được đánh giá ở cấp độ siêu đặc biệt. Trước đây, khi đại dịch bắt đầu lây lan, người dân sẽ được bác sỹ phụ trách và bác sỹ của trạm kiểm dịch địa phương khám và di chuyển hoặc tự di chuyển đến bệnh viện. Tuy nhiên, theo Luật phòng dịch khẩn cấp, tổ cơ động sẽ đảm bảo di chuyển bệnh nhân nhanh chóng, tổ điều trị chuyên điều trị cho bệnh nhân, ngoài ra còn có tổ phong tỏa, vốn là đơn vị không hề có trước đây. Nhận thức được việc phong tỏa và ngăn chặn là biện pháp quan trọng để đối phó với đại dịch lần này, miền Bắc thành lập tổ phong tỏa để kiểm soát và quản lý không để người dân tự do đi lại.

 

Bên cạnh đó, Luật phòng dịch khẩn cấp của Bắc Triều Tiên cũng hướng dẫn cụ thể phương án khi có người nhiễm bệnh, như biện pháp di chuyển người bệnh, khử trùng kỹ nơi ở, giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc, và thủ tục cần thực hiện tại nơi cách ly.

 

Khi dịch bệnh phó thương hàn xảy ra ở Bắc Triều Tiên vào đầu và giữa những năm 1990, bệnh nhân nhiều đến nỗi miền Bắc phải tận dụng các cơ sở vốn không dùng để cách ly để cách ly bệnh nhân. Trước đó, khi bệnh sởi lan rộng, nước này cũng áp dụng hệ thống để người dân tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 hơi khác so với các bệnh truyền nhiễm đã xảy ra trước đây, nên người dân khả năng cao sẽ bị cấm ra vào Bình Nhưỡng, vốn là nơi không phải ai cũng có thể tự do ra vào. Hiện nay, khi dịch bệnh đã xảy ra, tiêu chuẩn hoặc mức độ kiểm soát với người dân được cho là đã được siết chặt hơn.

 

Khác với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chỉ quy định ngắn gọn rằng người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, Luật phòng dịch khẩn cấp mới được ban hành quy định chi tiết về các hình phạt pháp lý, đặc biệt là phân biệt rõ hình phạt đối với cá nhân và tổ chức, và quy định cụ thể về giai đoạn, nội dung và mức xử phạt của hệ thống pháp luật, bao gồm các loại hình phạt từ phạt tiền, lao động giáo dưỡng đến lao động không công, sa thải, phạt tù và thậm chí tử hình.

 

Mức phạt thấp nhất dành cho một cá nhân là 5.000 won Bắc Triều Tiên (5,5 USD), với các tội như không đeo khẩu trang hay không thực hiện cách ly tại nhà. Mức phạt này gần bằng mức lương trung bình một tháng của một người lao động của miền Bắc (tính đến 7/9/2021), nên cũng có thể trở thành gánh nặng đáng kể đối với người dân thường. Đối với các doanh nghiệp hay tổ chức, mức phạt được quy định từ 10.000 won (11,1 USD) đến 1 triệu won (1.111 USD). Trong đó, tội không khử trùng nơi công cộng bị phạt 50.000 won (55 USD), không vứt rác thức ăn hoặc vật dụng đúng cách, hoặc nhập vật lạ vào nhà máy sẽ bị phạt từ 500.000 won (555 USD) đến 1 triệu won (1.111 USD). Tuy nhiên, phạt tiền vẫn là mức phạt nhẹ nhất, nặng hơn là phạt lao động không công, lao động giáo hóa (án tù) hoặc thậm chí tử hình. Đây là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Thậm chí còn có suy đoán rằng Bắc Triều Tiên có thể lợi dụng danh nghĩa phòng dịch để thực thi các hình phạt này kể cả khi người dân không thực sự vi phạm luật.

 

Luật phòng dịch khẩn cấp cũng quy định cụ thể các biện pháp trừng phạt pháp lý đối với người nước ngoài sống ở Bắc Triều Tiên. Theo đó, người nước ngoài thường trú hoặc lưu trú tại miền Bắc có thể bị phạt từ 10.000 won đến 1 triệu won Bắc Triều Tiên nếu không tuân thủ các biện pháp quốc gia trong thời gian phòng dịch khẩn cấp và có thể bị trục xuất nếu vi phạm nghiêm trọng.

 

Trước đó, luật pháp Bắc Triều Tiên ít đề cập đến hình phạt dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên lần này, ngoài lý do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm bùng phát ở nước ngoài, Bắc Triều Tiên dành nhiều sự chú ý hơn cho các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài vì có nhiều người dân qua lại với cộng đồng quốc tế hơn trước. Ngoài ra, nước này có khả năng cho rằng dịch bệnh có thể lây lan nếu người nước ngoài không tuân theo các quy định trong nước nên mới đề cập và áp dụng chặt chẽ các hình phạt mạnh mẽ trong vấn đề này.

 

Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên ngày 27/11 năm ngoái đưa tin cho biết nước này cũng đang lo lắng vì sự xuất hiện của biến thể Omicron mặc dù đã phong tỏa biên giới và duy trì mức độ phòng dịch khẩn cấp siêu đặc biệt đối với COVID-19. Theo "Báo cáo tình hình COVID-19 hàng tuần" được WHO công bố 17/12 năm ngoái, Bộ Y tế miền Bắc cho đến ngày 9/12 đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 48.000 công dân nhưng đều cho kết quả âm tính. Các nhà chức trách Bắc Triều Tiên báo cáo với WHO kế hoạch tiến hành xét nghiệm COVID-19 bằng phương thức khuếch đại gen theo thời gian thực (RT-PCR) hai lần trong vòng 10 ngày. Theo thống kê chính thức của miền Bắc, tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 của nước này vẫn là 0. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đã lần thứ hai từ chối nhận viện trợ vắc-xin.

 

Tuy trên thực tế số bệnh nhân dương tính tại Bắc Triều Tiên không thể là con số 0, tôi vẫn cho rằng nhờ có sự ngăn chặn và kiểm soát mạnh mẽ, số trường hợp mắc bệnh tại miền Bắc không nhiều như chúng ta nghĩ. Mặc dù có điều kiện y tế đạt tiêu chuẩn cao, Hàn Quốc cũng chưa thể ngăn chặn được COVID-19. Đã từng có nhiều đồn đoán mà chính Bắc Triều Tiên cũng không thể ngăn chặn hết cho rằng với nền y tế kém hơn Hàn Quốc rất nhiều, miền Bắc có nhiều người chết đến nỗi không thể xử lý hết. Tuy nhiên, những thông tin này gần đây không còn xuất hiện nhiều nữa, cho thấy việc ngăn chặn, phong tỏa và kiểm soát đã đạt được hiệu quả ở một mức độ nào đó.

 

Như vậy, có thể thấy Luật phòng dịch khẩn cấp được Bắc Triều Tiên áp dụng nghiêm ngặt trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ trích cho rằng luật này còn nhiều hạn chế về mặt nội dung, như phân loại nguy cơ bệnh truyền nhiễm còn mơ hồ và chưa có điều khoản nào về hợp tác quốc tế. Do đó, nhiều chuyên gia phân tích rằng miền Bắc nên chuyển trọng tâm từ các biện pháp kiểm dịch khẩn cấp tập trung vào phong tỏa sang các biện pháp phòng ngừa, điều trị và hợp tác với cộng đồng quốc tế một cách tích cực hơn.

 

Tuy việc hợp tác với cộng đồng quốc tế là rất quan trọng trong tình hình COVID-19, Bắc Triều Tiên lại không có quy định pháp luật nào về việc này và chỉ chú trọng vào biện pháp duy nhất là đóng cửa biên giới, một động thái làm kiệt quệ cuộc sống người dân. Miền Bắc cần nhận ra rằng phong tỏa không phải là giải pháp tối ưu cho đất nước, mà phải nhận thấy được sự quan trọng của giao lưu quốc tế, áp dụng các biện pháp phòng dịch của nước ngoài, như xét nghiệm lưu động COVID-19 “drive-thru” của Hàn Quốc, và cho phép lưu thông hàng hóa xuyên biên giới để cuộc sống người dân trở nên tốt đẹp hơn.    

 

Để giải quyết vấn đề đại dịch COVID-19 cần có sự hợp tác và đồng cảm toàn cầu. Hiện tại là thời điểm quan trọng để hai miền Nam-Bắc, vốn có chung biên giới, cùng hợp tác và đối phó với đại dịch, như trao đổi về học thuật và cùng tìm ra giải pháp cụ thể. Ngoài ra, hai nước cũng cần thảo luận phương án hợp tác y tế liên Triều hậu COVID-19.

Lựa chọn của ban biên tập