Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỷ niệm 30 năm Cuộc biểu tình ngày thứ Tư

2022-01-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 8/1 là tròn 30 năm Cuộc biểu tình ngày thứ Tư, hối thúc Chính phủ Nhật Bản xin lỗi và bồi thường về chế độ nô lệ tình dục thời chiến. Sau lần biểu tình thứ 500 vào năm 2002, Cuộc biểu tình ngày thứ Tư đã trở thành cuộc biểu tình dài nhất thế giới cho tới nay. Tuy nhiên, đã 30 năm trôi qua nhưng thái độ của Nhật Bản về vấn đề này vẫn không hề thay đổi.

    

Lịch sử cuộc biểu tình ngày thứ Tư

Đúng như tên gọi, Cuộc biểu tình ngày thứ Tư được diễn ra vào thứ Tư hàng tuần, bắt đầu từ ngày 8/1/1992 trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của cựu Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa Kiichi. Động cơ dẫn tới cuộc biểu tình xuất phát từ việc bà Kim Hak-sun, một nạn nhân từng bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật Bản trong chiến tranh, trở thành người đầu tiên công khai làm chứng về sự thật nô lệ tình dục vào ngày 14/8/1991. Lời làm chứng của bà Kim đóng vai trò “châm ngòi”, đưa vấn đề này ra “ánh sáng”. Tới năm 2012, Hội nghị đoàn kết châu Á, một tổ chức của các phụ nữ bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trên toàn thế giới, đã chỉ định ngày 14/8 là ngày tưởng nhớ các nạn nhân.

Cuộc biểu tình ngày thứ Tư ban đầu do Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II tiến hành, nay do Hội đồng khắc ghi chính nghĩa tổ chức. Cuộc biểu tình ngày thứ Tư nêu ra các yêu cầu chính là Nhật Bản phải thừa nhận và làm rõ sự thật về việc cưỡng ép phụ nữ mua vui cho quân lính, chính thức xin lỗi và bồi thường về mặt pháp lý cho các nạn nhân, đưa sự thật này vào sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản, xây dựng tháp tưởng niệm và nơi lưu trữ dữ liệu, trừng phạt người có trách nhiệm.

 

Dữ liệu lịch sử 30 năm qua

Kể từ khi chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ tháng 7/1937 cho tới khi chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến II kết thúc vào tháng 8/1945, Nhật Bản đã huy động nhiều phụ nữ đến từ các quốc gia thuộc địa, ép họ mua vui cho quân lính. Đặc biệt, trong số này có nhiều nạn nhân là phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Nhật Bản thậm chí còn huy động cả một số phụ nữ châu Âu đang sống ở các nước thuộc địa châu Á.

Trong suốt một thời gian dài, vấn đề nô lệ tình dục thời chiến cho quân lính Nhật Bản hầu như không được biết đến do phần lớn các nạn nhân chấp nhận giữ im lặng, ôm nỗi đau để sống tiếp. Cho tới tháng 11/1990, Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II được thành lập. Năm sau đó, cụ bà Kim Hak-sun đứng ra làm chứng về những thiệt hại mà bản thân mình và nhiều phụ nữ khác đã phải gánh chịu. Sau đó, Cuộc biểu tình ngày thứ Tư xuất hiện, được tổ chức đều đặn trong suốt thời gian dài, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều người nước ngoài, trong đó có các nhà hoạt động vì hòa bình người Nhật Bản, đã tham gia biểu tình, hình thành lên một liên minh trong cộng đồng quốc tế. Năm 1993, vấn đề người phụ nữ bị cưỡng ép mua vui thời chiến được đưa vào nghị quyết của Đại hội nhân quyền thế giới. Tiểu ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 1998 thông qua “Báo cáo McDougall” yêu cầu Chính phủ Tokyo bồi thường về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Năm 2000, Tòa án quốc tế phụ nữ về tội ác chiến tranh của Nhật Bản đối với các nô lệ tình dục, đã ra phán quyết nêu rõ Thiên hoàng Nhật Bản Hirohito là “kẻ gây hại”. Năm 2003, Ủy ban xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ thuộc Liên hợp quốc đã khuyến cáo Chính phủ Tokyo phải chịu trách nhiệm về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cũng ra khuyến nghị tương tự vào năm 2008. Ngày 19/6/2012, nhân Cuộc biểu tình ngày thứ Tư lần thứ 1.000, tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, được dựng đối diện trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Sau đó, bức tượng này đã được dựng tại nhiều địa điểm khác trong nước và 42 thành phố thuộc 8 quốc gia.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Cuộc biểu tình ngày thứ Tư không được diễn ra một cách thuận lợi như trước. Một số tổ chức dân sự theo khuynh hướng bảo thủ như “Liên minh tự do”, đã chiếm địa điểm biểu tình từ cuối tháng 5 năm ngoái, sau khi dấy lên nghi ngờ Hội đồng khắc ghi chính nghĩa gian lận kế toán, biển thủ tiền tài trợ. Trong quá trình biểu tình cũng xảy ra xô xát giữa hai tổ chức. Mặc dù vậy, không một ai có thể phủ nhận Cuộc biểu tình ngày thứ Tư là bước ngoặt lớn trong lịch sử phong trào nhân quyền thế giới, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác với thiệt hại của người phụ nữ trong thời chiến.

Lựa chọn của ban biên tập