Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỳ vọng cải thiện quan hệ Hàn-Nhật

2022-05-14

Tin tức

ⓒYONHAP News

Lãnh đạo Hàn-Nhật đã trao đổi thư từ nhân lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, khiến dư luận kỳ vọng quan hệ song phương được cải thiện. Tuy nhiên, hai nước vẫn đang bất đồng ý kiến lớn về các vấn đề lịch sử. Đặc biệt, Tokyo dù nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Hàn-Nhật, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi lập trường.

 

Hai nhà lãnh đạo trao đổi thư từ

Trong ngày đầu nhậm chức 10/5, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, nhận thư của Tổng thống Kishida Fumio. Có thể coi lá thư này mang tính chất phúc đáp lại thư của Tổng thống Yoon, được Nhóm thảo luận chính sách Hàn-Nhật chuyển cho Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc hội đàm tại Tokyo ngày 26/4.

Việc lãnh đạo hai nước trao đổi thư từ là điều hết sức hiếm thấy. Trước sự có mặt của phóng viên tác nghiệp, Ngoại trưởng Nhật Bản đã chuyển lá thư của Thủ tướng Kishida cho Tổng thống Yoon. Sau đó, hai bên đưa lá thư xoay về hướng ống kính. Hình ảnh này được phân tích là nhằm thể hiện một cách công khai về mối quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết qua lá thư này, Thủ tướng Kishida muốn thể hiện niềm tin tưởng mạnh mẽ đối với quyết tâm cải thiện quan hệ Hàn-Nhật của Tổng thống Yoon cũng như mối liên kết chiến lược Hàn-Nhật và Hàn-Mỹ-Nhật. Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Hayashi cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về việc cải thiện quan hệ song phương. Ông này phát biểu rằng thời điểm hiện tại cần tới sự hợp tác chiến lược Hàn-Nhật và Hàn-Mỹ-Nhật hơn lúc nào hết.

Trước đó, trong thư gửi lãnh đạo Nhật Bản, Tổng thống Yoon đã đề xuất hai bên cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai, trên nền tảng là thỏa thuận giữa cố Tổng thống Kim Dae-jung và cố Thủ tướng Obuchi Keizo năm 1998.    

 

Tình hình quan hệ Hàn-Nhật và triển vọng

Quan hệ Hàn-Nhật có thể coi là một mối quan hệ “môi hở răng lạnh”, gần gũi và cần thiết lẫn nhau, nhưng lại bị vướng vào nhiều mâu thuẫn, thù ghét. Ở thời điểm hiện tại, quan hệ hai nước đang “đóng băng” tồi tệ nhất kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1965. Hội đàm thượng đỉnh Hàn-Nhật trực tiếp cuối cùng là vào tháng 12/2019, giữa cựu Tổng thống Moon Jae-in và cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Cho tới nay, giao lưu, thảo luận cấp cao song phương vẫn chưa thể diễn ra sôi nổi. Một vấn đề then chốt trong quan hệ giữa hai nước đó là vấn đề lịch sử, có thể chia thành hai vấn đề chính là thiệt hại từ hành vi cưỡng ép lao động, cưỡng ép mua vui thời chiến của thực dân Nhật Bản, và việc nước này bóp méo nội dung lịch sử trong sách giáo khoa, tán dương lịch sử xâm lược trong quá khứ. Ngoài ra, hai bên cũng vướng vào tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với đảo Dokdo của Hàn Quốc. Đặc biệt, việc Tòa án Hàn Quốc ban lệnh tịch thu và bán tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản trong nước để chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến đang là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay giữa hai bên.

 

Trong thỏa thuận Hàn-Nhật năm 1998, phía Nhật Bản bày tỏ xin lỗi về lịch sử thực dân xâm lược, đồng thời tuyên bố về quan hệ đối tác Hàn-Nhật mới thế kỷ XXI hướng tới tương lai. Tuy nhiên, sau đó hai nước vẫn tiếp tục rơi vào mâu thuẫn sâu sắc. Tới năm 2015, hai bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người phụ nữ bị cưỡng ép mua vui thời chiến, trong đó Tokyo xin lỗi và góp vốn cho quỹ hòa giải do Hàn Quốc lập ra. Tưởng chừng như vấn đề nô lệ tình dục thời chiến sắp sửa được khép lại. Vậy nhưng năm 2017, Chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in sau khi ra mắt đã phá vỡ thỏa thuận này, đưa vấn đề quay trở lại vạch xuất phát.

Chính phủ mới của Hàn Quốc và Nhật Bản ra mắt vào thời điểm khá gần nhau, nên một điều dễ thấy là cả hai bên đều có quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, con đường phía trước dự kiến sẽ không hề dễ dàng do Tokyo vẫn tiếp tục nhấn mạnh “lập trường nhất quán” của nước này. Suốt thời gian qua, Nhật Bản giữ nguyên lập trường là quyền đòi bồi thường thiệt hại của các nạn nhân cưỡng ép mua vui và cưỡng ép lao động thời chiến đã được giải quyết dứt điểm theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965 và thỏa thuận Hàn-Nhật về việc giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến năm 2015.

Tình hình quốc tế hiện nay đòi hỏi hai nước phải hợp tác chặt chẽ cả trên phương diện song phương và ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Do vậy, việc cải thiện quan hệ Hàn-Nhật là điều cần thiết hơn lúc nào hết. Dư luận đang quan tâm liệu quyết tâm cải thiện quan hệ của Chính phủ hai nước có phá bỏ được những rào cả

Lựa chọn của ban biên tập