Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ý nghĩa của núi Geumgang tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-06-22

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên tháng 3 vừa qua đã phá dỡ khách sạn Haegeumgang, một cơ sở của doanh nghiệp Hàn Quốc trên núi Geumgang. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng sân golf của Hàn Quốc tại khu vực này cũng có dấu hiệu bị dỡ bỏ vào tháng 4 năm nay.

Bắc Triều Tiên được cho là đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc tại núi Geumgang mà không có sự đồng ý của miền Nam. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu về ý nghĩa và lịch sử chương trình du lịch núi Geumgang ở miền Bắc.

Ca khúc "Núi Geumgang thương nhớ" bắt đầu bằng câu hát “Ai đã tạo ra ngọn núi tươi xanh xinh đẹp này? Thương nhớ 12.000 đỉnh núi mà không lời nào diễn tả được". Giống như lời bài hát, núi Geumgang được biết đến là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và được coi là một trong hai ngọn núi nổi tiếng nhất trên bán đảo Hàn Quốc cùng với núi Baekdu (Bạch Đầu).

 

Núi Geumgang có rất nhiều đỉnh thấp và cao, như đỉnh Chail, đỉnh Baekma. Núi được hình thành do đá hoa cương và đá phiến ma bị phong hóa và xâm thực trong một thời gian dài. Ngọn núi này có khoảng 10 đỉnh cao trên 1.500m, khoảng 100 đỉnh cao hơn 1.000m, cùng vô số các đỉnh thấp hơn, nên được ví như có 12.000 đỉnh núi. Theo các tài liệu của Bắc Triều Tiên, núi Geumgang có khoảng 2.260 loài thực vật trải dài từ cận nhiệt đới đến hàn đới với khoảng 100 loài bản địa. Ngoài ra còn có 38 loài thú, 130 loài chim, 9 loài bò sát, 10 loài lưỡng cư và 30 loài cá.

 

Điểm cao nhất của núi Geumgang là đỉnh Biro, cao 1.638m so với mực nước biển. Ngọn núi trải dài từ phía Bắc của dãy núi Taebaek chạy dọc phía Đông bán đảo Hàn Quốc đến các huyện Hoeyang, Tongchon và Kosong của tỉnh Kangwon, Bắc Triều Tiên. Tháng 10 năm ngoái, báo Chosun, một cơ quan truyền thông đối ngoại của miền Bắc, đã miêu tả phong cảnh núi Geumgang và giới thiệu đây là một địa điểm tập hợp các danh lam thắng cảnh, nơi du khách có thể tham quan cả núi, thung lũng, cao nguyên, hồ và bờ biển.

Bắc Triều Tiên có bài hát dân gian với tựa đề “Cảnh đẹp mà cuộc sống cũng đẹp”, cho thấy niềm tự hào về vẻ đẹp của núi Geumgang. Có thông tin cho rằng lời của bài hát này thậm chí còn được khắc trên đá của ngọn núi.

 

Câu “Núi Geumgang là ngọn núi nổi tiếng của Bắc Triều Tiên và thế giới, Kim Nhật Thành” được khắc trên đá của đỉnh Hyangro ở phía trong núi Geumgang. Trong khi đó, câu “Núi Geumgang là thắng cảnh đẹp nhất trong thiên hạ, Kim Jong-il” thì được khắc trên tảng đá cạnh thác Bibong ở phía ngoài núi. Ngoài ra, tại lối vào hồ Guryong phía ngoài núi còn có bút tích của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành với dòng chữ “Núi Geumgang, Kim Nhật Thành” được khắc trên đá. Câu “Núi Geumgang tượng trưng cho khí phách của Bắc Triều Tiên, Kim Jong-il” cũng được khắc trên tảng đá nghìn năm tại đỉnh Oknyeo phía ngoài ngọn núi. Ngoài lời bài hát, có nhiều bút tích và phát ngôn của hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il đã được khắc trên đá tại ngọn núi này. Theo tài liệu của miền Bắc, có hơn 4.500 chữ cái được khắc trên 80 tảng đá ở núi Geumgang, bao gồm các danh ngôn, lời bài hát và khẩu hiệu. Những tảng đá này được gọi là đá khẩu hiệu.

 

Có nhiều câu chuyện về núi Geumgang liên quan đến phu nhân Kim Jong-suk, vợ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và mẹ cố Chủ tịch Kim Jong-il. Bên cạnh đó, Khách sạn Oegeumgang được tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc tu sửa vào năm 2006 vốn có tên là Khu nghỉ dưỡng Kim Jong-suk.

 

Bắc Triều Tiên cho biết khu nghỉ dưỡng được đặt theo tên của bà Kim Jong-suk vì khát vọng cao cả của vị nữ anh hùng chống thực dân Nhật là cung cấp đầy đủ điều kiện sinh hoạt và văn hóa cho người dân. Bên cạnh đó, trên đá của đỉnh Gukji ở núi Geumgang cũng khắc cụm từ “Nữ tướng Kim Jong-suk kháng Nhật” cao 4m và rộng 3m, riêng ba chữ “Kim Jong-suk” được khắc lớn hơn, cao 6m và rộng 5m. Có một bài thơ liên hệ quang cảnh núi Geumgang với sự kiện bà Kim Jong-suk tháp tùng chồng là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trong một chuyến chỉ đạo thực địa năm 1947 và 1948 như sau: “Mẹ Kim Jong-suk đến hồ Samilpo vào một ngày mùa thu lá phong rực đỏ cả 12.000 đỉnh núi Geumgang. Với tà áo bay phấp phới trong gió, bà đưa ngòi khẩu súng lục đã lên đạn chỉ vào hòn đá Janggundae (đá Tướng quân)”. Núi Geumgang có thể được coi là biểu tượng cho cố phu nhân Kim. 

 

Bài hát thiếu nhi quen thuộc với người dân Hàn Quốc mang tên “Núi Geumgang” là sáng tác của nhạc sỹ Kang So-chon, quê ở tỉnh Nam Hamgyong, Bắc Triều Tiên.

Tương tự lời bài hát “Mỗi mùa núi lại thay chiếc áo đẹp”, núi Geumgang có các tên gọi khác nhau cho mỗi mùa. Núi được gọi là Geumgang vào mùa xuân, khi ngọn núi đầy chồi xanh mới và hoa nở rộ; mùa hè, khi sắc xanh bao phủ các đỉnh và thung lũng thì núi được gọi là Bongrae, còn Pungak là tên gọi của núi vào mùa thu, khi 12.000 đỉnh núi rực rỡ màu lá phong; và Gaegol là tên gọi vào mùa đông, khi lá rụng và đá lộ ra như những khúc xương trắng.

Có nhiều câu chuyện dân gian liên quan đến núi Geumgang, trong đó tiêu biểu là “Tiên nữ và chàng tiều phu” với bối cảnh là hồ Sangpal trên núi. Tương truyền, nước trong hồ rất sạch và phong cảnh đẹp nên các tiên nữ từ trên trời xuống tắm trong hồ. Một ngày nọ, một tiều phu giấu bộ váy có cánh của một nàng tiên, khiến nàng không thể về trời và kết hôn với chàng. Thế nhưng sau đó, cô tìm thấy bộ váy của mình và trở về trời. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã thay đổi cấu trúc và phần kết để tái hiện câu truyện qua các hình thức phim ảnh, múa hay ca kịch. Ví dụ, truyện thiếu nhi “Nàng tiên Geumgang” của tác giả Han Sorya đã thêm vào tình tiết nàng tiên sau khi trở về trời vì quá nhớ nhung núi Geumgang nên đã quay trở lại trần gian, làm việc chăm chỉ như trước và có một cuộc sống hạnh phúc.

 

Bắc Triều Tiên đã thay đổi cái kết của câu chuyện trong vở kịch. Không chỉ nàng tiên nhân vật chính mà 7 nàng tiên còn lại đều quyết định xuống trần gian và đều bị mê hoặc bởi cảnh đẹp núi Geumgang nên đã không về trời nữa. Có phân tích cho rằng vở múa đã hiện đại hóa truyền thuyết về 8 nàng tiên trên núi Geumgang và thể hiện rõ nét đặc trưng của dân tộc Hàn. Tác phẩm cũng nhấn mạnh ngọn núi là một thiên đường trần gian, thậm chí còn tuyệt vời hơn trên trời và làm nổi bật ý nghĩa của lao động.

 

Trong bối cảnh bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, người dân Hàn Quốc chỉ có thể biết đến núi Geumgang thông qua chương trình du lịch. Năm 1989, cố Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung quê ở Bắc Triều Tiên đã ký một nghị định thư với miền Bắc để bắt đầu dự án phát triển du lịch núi Geumgang. 9 năm sau, tháng 10/1998, ông Chung đã dẫn một đàn bò đến Bắc Triều Tiên và trở lại Hàn Quốc, mang theo biên bản thỏa thuận liên Triều về dự án du lịch núi Geumgang.

Vào thời điểm đó, Bắc Triều Tiên cũng rất coi trọng chuyến thăm của cố Chủ tịch Chung và nêu rõ chương trình du lịch núi Geumgang là một dự án hợp tác liên Triều.

Một tháng sau, vào tháng 11/1998, tàu Geumgang rời cảng Donghae của Hàn Quốc, đánh dấu sự bắt đầu của dự án du lịch núi Geumgang. Người dân Hàn Quốc lần đầu tiên có thể tận mắt nhìn thấy ngọn núi kể từ khi hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Dự án du lịch núi Geumgang phát triển về quy mô qua các năm, trong đó có tour du lịch đường bộ triển khai vào năm 2003, sau đó tổ chức thêm các các tour trong ngày, hai ngày một đêm, ba ngày hai đêm vào năm 2004. Tổng số lượt khách du lịch đến tham quan ngọn núi đã vượt qua con số 1 triệu vào tháng 6/2005, chỉ 7 năm kể từ khi bắt đầu triển khai; và cán mốc 2 triệu lượt khách vào năm 2008.

Để kỷ niệm sự kiện này, vào thời điểm đó, Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) đã tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc trên một sân khấu ngoài trời đặc biệt ở sân trước của lầu gác Onjong tại núi Geumgang.

 

Tuy nhiên, tháng 7/2008, một sự kiện ngoài ý muốn đã khiến cho chương trình tham quan núi Geumgang bị đình chỉ.

Một du khách Hàn Quốc trong khi tản bộ đã vô tình đi vào khu vực quân sự và bị binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết tại núi Geumgang. Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng ngăn tái diễn trường hợp tương tự trong tương lai, song chỉ nhận được thái độ thờ ơ của miền Bắc, khiến hai bên không tìm được tiếng nói chung. Kết quả là chương trình tham quan núi Geumgang đã bị tạm dừng. Hai năm sau, năm 2010, Bắc Triều Tiên đóng băng và tịch thu các cơ sở, tài sản của Hàn Quốc tại khu vực núi Geumgang.

Năm 2011, Bắc Triều Tiên hủy bỏ quyền kinh doanh độc quyền của Công ty lữ hành Hyundai Asan và thông qua Luật đặc khu du lịch quốc tế núi Geumgang nhằm loại bỏ sự tham gia của Hàn Quốc vào việc kinh doanh du lịch. Năm 2014, miền Bắc công bố sắc lệnh mở khu du lịch quốc tế Wonsan-núi Geumgang.

 

Luật đặc khu du lịch quốc tế núi Geumgang quy định các hình thức và phương pháp du lịch đa dạng như leo núi, ngắm cảnh, tắm biển, nghỉ ngơi, trải nghiệm, giải trí, thể thao và trị liệu, và khách du lịch có thể tự do đi lại trong đặc khu. Điều thú vị là nước này cho phép kinh doanh sòng bạc, vốn được coi là một trong những biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Miền Bắc đang xây dựng khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma, một khu phức hợp nghỉ dưỡng tại bãi biển trên bán đảo Kalma, thành phố Wonsan, tỉnh Kangwon. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2020, nhưng sau đó bị hoãn vô thời hạn do các lệnh trừng phạt quốc tế và đại dịch COVID-19. Khu du lịch quốc tế Wonsan-núi Geumgang là một dự án phát triển kết hợp đặc khu du lịch núi Geumgang, khu trượt tuyết Masikryong và khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma. Được kết nối với khu vực Wonsan-Kalma, núi Geumgang nằm trong một trục của vành đai du lịch lớn tại Bắc Triều Tiên.

 

Các dự án du lịch của Bắc Triều Tiên đã không thể tiến hành theo kế hoạch do các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức ở Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu sẽ bình thường hóa dự án khu công nghiệp liên Triều Gaesung và dự án du lịch núi Geumgang khi hai bên đáp ứng được các điều kiện đã đưa ra.

 

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cũng bày tỏ ý định nối lại các chuyến tham quan núi Geumgang mà không có bất kỳ điều kiện nào trong bài phát biểu mừng năm mới 2019.

 

Tuy nhiên, tình hình lại trở nên xấu đi sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Cùng năm đó, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc ở khu vực núi Geumgang. Tháng 3 năm nay, miền Bắc bắt đầu công tác phá dỡ, khiến vận mệnh của dự án du lịch núi Geumgang lại bị kẹt ở ngã ba đường.

Ngày 27/4/2018, cảnh tượng lịch sử khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un bắt tay nhau tại Ngôi nhà Hòa bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Làm nền cho sự kiện chính là một bức tranh phong cảnh lớn về núi Geumgang, rộng 681 cm và cao 181 cm, được treo trên tường trong phòng họp của Ngôi nhà Hòa bình. Hy vọng mong ước của người dân khi ấy rằng núi Geumgang sẽ trở thành biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều sẽ sớm trở thành hiện thực. 

Lựa chọn của ban biên tập