Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển vào mùa xuân 2023

2022-07-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản ngày 22/7 đã chính thức cấp phép cho kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển của Công ty điện lực Tokyo. Quyết định này đang làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc và nhiều tổ chức dân sự, môi trường.

 

Phê chuẩn kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển

Công ty điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy điện nguyên tử Fukushima, tháng 12 năm ngoái đã đệ trình Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử của nước này thẩm định kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển căn cứ theo đường lối của Chính phủ Nhật Bản. Nội dung kế hoạch này là xử lý nước thải nhiễm xạ của nhà máy điện nguyên tử Fukushima bằng thiết bị khử đa nguyên tử (ALPS), sau đó hòa loãng với nước biển để hạ nồng độ tritium xuống dưới mức tiêu chuẩn rồi xả ra biển Thái Bình Dương. Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản tháng 5 đã phê chuẩn kế hoạch mà phía Công ty điện lực Tokyo trình lên. Sau đó, Ủy ban này tiếp tục trưng cầu dân ý, rồi cuối cùng ra quyết định phê chuẩn chính thức vào cùng ngày do xét thấy “không có vấn đề nào về tính an toàn” trong kế hoạch xả thải ra biển.

Do đã hoàn tất quy trình phê chuẩn, bước kế tiếp, Công ty điện lực Tokyo sẽ đệ trình lên chính quyền địa phương để xin cấp phép, chính thức thi công, bố trí thiết bị để xả nước thải nhiễm xạ ra biển. Theo kế hoạch đề ra, nước thải nhiễm xạ sẽ được xả ra vùng biển cách nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 khoảng 1 km bằng đường ống ngầm dưới đáy biển. Thời điểm dự kiến xả thải ra biển là vào mùa xuân năm sau, nhưng có thể thay đổi do các tổ chức ngư dân dịa phương đang phản đối kịch liệt kế hoạch này. Nếu lọc nước thải bằng thiết bị ALPS thì có thể lọc được 62 chất phóng xạ, trong đó có Cesium, nhưng lại không lọc được Tritium.

 

Tính nguy hiểm

Phía Nhật Bản khẳng định kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển là an toàn, nhưng rất nhiều ý kiến lo ngại. Tổ chức môi trường quốc tế “Hòa bình xanh” (Greenpeace) ngày 22/7 ra tuyên bố, nhấn mạnh Chính phủ Tokyo đã không đưa ra được căn cứ khoa học chứng minh rằng kế hoạch xả thải này là an toàn, yêu cầu Nhật Bản phải tiến hành đánh giá tác động môi trường một cách toàn diện căn cứ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Hiện tại, cá đánh bắt trên vùng biển Fukushima vẫn phát hiện dư lượng Cesium. Do vậy, nếu kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển được tiến hành thì tác động sẽ còn lớn hơn rất nhiều, gây thiệt hại “chí mạng” tới ngành ngư nghiệp của cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.

Chính quyền và người dân đảo Jeju phía Nam Hàn Quốc đang phản đối quyết liệt nhất, do nhận định địa phương này sẽ chịu thiệt hại đầu tiên từ việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ ra biển. Liên minh 14 tổ chức dân sự trên đảo Jeju lấy tên là “Đảo Jeju hành động đối phó với khủng hoảng khí hậu và xóa bỏ hạt nhân” ngày 26/7 đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản rút lại quyết định, nhấn mạnh nếu nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima được xả ra biển vào mùa xuân năm sau thì khu vực ô nhiễm sẽ lan tới cả vùng biển đảo Jeju. Liên minh này kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc huy động mọi nguồn lực, đối phó ngoại giao quyết liệt để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân, cũng như hệ sinh thái biển. Các tổ chức dân sự cũng yêu cầu chính quyền đảo phải đề nghị Chính phủ đối phó một cách quyết liệt, khởi động một tổ chức chuyên trách nhằm đối phó với kế hoạch xả thải của Tokyo.

 

Đối phó của Chính phủ Hàn Quốc

Ngay lập tức, Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/7 đã mở cuộc họp giữa các ban ngành hữu quan, thảo luận đối sách trước kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển của Nhật Bản. Các biện pháp đối phó của Chính phủ gồm hai nội dung chính, một là yêu cầu Tokyo đưa ra tài liệu chính xác, hai là lập đối sách hiệu quả để phòng ngừa ô nhiễm, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, như Cơ quan Năng lượng nguyen tử quốc tế (IAEA), để phòng ngừa tối đa ô nhiễm. Đặc biệt, Seoul sẽ truyền đạt lo ngại về kế hoạch này với Tokyo thông qua các kênh trao đổi song phương; cung cấp thông tin cần thiết đầy đủ để kiểm chứng tính an toàn, xử lý nước thải nhiễm xạ một cách an toàn.

Lựa chọn của ban biên tập