Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Những gương mặt mới trong ngành văn hóa nghệ thuật của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-09-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong năm nay, giới văn hóa nghệ thuật của Bắc Triều Tiên đã xuất hiện nhiều tài năng mới trong lĩnh vực phim truyền hình, điện ảnh và biểu diễn sân khấu, báo hiệu sự chuyển giao thế hệ trong lĩnh vực này. Có phân tích cho rằng xu hướng này sẽ đem lại sự thay đổi toàn diện trong chính sách văn hóa nghệ thuật vốn đang trì trệ của miền Bắc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất tìm hiểu về những gương mặt mới của ngành văn hóa nghệ thuật tại Bắc Triều Tiên trong bối cảnh nước này sử dụng những nghệ sĩ mới nổi cho các mục đích riêng.

 

Ngày 27/7 vừa qua, nhân Ngày chiến thắng kỷ niệm ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953), Bắc Triều Tiên đã tổ chức một sự kiện kỷ niệm trước Tháp kỷ niệm chiến thắng cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc ở thủ đô Bình Nhưỡng. Buổi biểu diễn đã thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt với sự xuất hiện của các ca sĩ mới ra mắt, trong đó mở màn là nữ ca sĩ Mun So-hyang. Nữ ca sĩ Kim Ryu-kyong cũng để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Trong khi đó, nổi bật nhất buổi biểu diễn chính là cô Jong Hong-ran với bộ tóc mái ngang dày. Ngoài ca sĩ Kim Ryu-kyong từng xuất hiện với tư cách là sinh viên trong một video giới thiệu Nhạc viện Kim Won-gyun trên tài khoản mạng xã hội của cơ quan truyền thông tuyên truyền đối ngoại Bắc Triều Tiên vào năm ngoái, danh tính các ca sĩ còn lại đều chưa được tiết lộ trước đây. Các ca sĩ mới này thu hút sự chú ý với trang phục và phong cách trang điểm sặc sỡ cũng như kiểu tóc mới lạ, khác với những người đi trước.

 

Màn trình diễn mới lạ của các ca sĩ mới, trong đó chủ yếu là các nữ ca sĩ xinh đẹp, đã hớp hồn khán giả. Họ đã khoe được sự gợi cảm nhờ trang phục sặc sỡ có phần hở hang. Ở Bắc Triều Tiên, phụ nữ hiếm khi để tóc mái ngang và thường có lông mày cong và dày. Trong khi đó, các ca sĩ mới này lại có lông mày mỏng và ngang, dù chỉ mới vài năm trước, đây vẫn còn được coi là cách trang điểm của miền Nam và là đối tượng bị kiểm soát ở miền Bắc. Có thể thấy, phong cách trang điểm này giờ đây có vẻ đã dễ dàng được chấp nhận ở nước này. Về trang phục sân khấu, các nữ ca sĩ mới của Bắc Triều Tiên đã thể hiện sự phá cách khi lộ một phần trên của cơ thể, thổi luồng sinh khí mới vào các phần trình diễn trên sân khấu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế và việc đóng cửa biên giới do đại dịch khiến kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn, miền Bắc đã tổ chức buổi biểu diễn này nhằm xua tan sự ngờ vực của người dân vào giới chính trị và chuyển hướng sự chú ý của mọi người.

 

Tháng 4 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã công bố bộ phim mới với tựa đề “Một ngày một đêm”. Đây là bộ phim nghệ thuật đầu tiên của nước này sau 6 năm kể từ khi miền Bắc phát hành bộ phim “Bằng tốt nghiệp” năm 2016. “Một ngày một đêm” dựa trên câu chuyện có thật về bà Ra Myong-hee, một nữ cựu chiến binh và y tá quân đội, người đã phát hiện và vạch trần âm mưu phản bội đất nước của một quan chức cấp cao. Sau buổi xem thử tác phẩm này, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã phát sóng video giới thiệu bộ phim và bộ phim này cũng được phát hành trên toàn quốc đúng vào tuần ra mắt phim điện ảnh nhân dịp Tết Thái Dương kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Việc miền Bắc quảng bá một bộ phim với quy mô lớn như vậy được cho là khá bất thường.

 

Video giới thiệu bộ phim được biên tập khá tinh tế. Ở phần mở đầu, video mô tả các nhân vật nam và nữ chính ở trạng thái đứng yên bằng kỹ thuật “Time Slice”. Đây là kỹ thuật đóng băng khung hình bằng cách sử dụng nhiều máy ảnh chụp đối tượng đồng thời từ nhiều góc độ khác nhau và sử dụng máy tính để kết nối các bức ảnh nhằm tạo ra các cảnh quay chuyển động. Ngoài ra, việc sử dụng hai khía cạnh tương phản, như dừng hình và chuyển động, ánh sáng và bóng tối, nhạc nền vui vẻ và hiệu ứng âm thanh hồi hộp, đã góp phần khơi dậy sự tò mò của người xem.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên thể hiện sự tự tin với chất lượng của bộ phim “Một ngày một đêm” khi cho rằng cốt lõi, chủ đề, cách phân bố cục và định dạng chi tiết của tác phẩm này đã được hoàn thiện để tạo nên một kiệt tác, cho thấy một sự “cách tân” cả về hình thức lẫn nội dung. Một điểm đáng chú ý khác chính là vai chính của phim lại do một nữ diễn viên tân binh đảm nhận.

 

Hiện tại vẫn chưa có thông tin về nữ diễn viên mới đảm nhận vai nữ chính Ra Myong-ju của bộ phim. Nếu các cơ quan truyền thông đối nội và đối ngoại của Bắc Triều Tiên không giới thiệu thì rất khó để có được thông tin về các đạo diễn, diễn viên hoặc biên kịch của nước này, vì vậy cần phải đợi một thời gian cho đến khi miền Bắc công khai các thông tin liên quan. Các diễn viên gạo cội của Bắc Triều Tiên thường có lối diễn xuất điển hình và theo công thức nên không thể trở thành biểu tượng của sự đổi mới. Đặc biệt là những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng được công chúng biết đến thường có hình tượng đặc trưng riêng đã được xây dựng trong các bộ phim trước đó. Ngược lại, các tân binh không có hình ảnh bị trùng lặp với các bộ phim trước đây, tạo nên một hình ảnh mới phù hợp với chủ đề của phim.

 

Ngoài phim điện ảnh và các sân khấu biểu diễn, những gương mặt mới còn xuất hiện trong lĩnh vực phim truyền hình tại Bắc Triều Tiên. Một bộ phim truyền hình mới kết thúc gần đây mang tên “Lượt bóng cuối cùng” kể lại cuộc đời của nữ hoàng bóng bàn Bắc Triều Tiên Pak Yung-sun, người đã giành huy chương vàng tại Giải vô địch bóng bàn thế giới 1975 được tổ chức ở thành phố Kolkata, Ấn Độ. Vai nữ chính của bộ phim cũng do một nữ diễn viên tân binh Ri Hyo-sim đảm nhận. Vì nền điện ảnh miền Bắc luôn đánh giá cao kinh nghiệm và sự nghiệp diễn xuất, việc một nữ diễn viên mới được giao cho vai chính là vô cùng hiếm thấy.

 

Trong bộ phim “Lượt bóng cuối cùng”, vai Pak Yung-sun do hai diễn viên nữ đảm nhận. Vận động viên bóng bàn 14 tuổi Jang Eui-kyong, hiện đang là học sinh Trường thể dục thanh thiếu niên Bình Nhưỡng, đảm nhận vai nữ chính lúc nhỏ, còn nữ diễn viên 22 tuổi Ri Hyo-sim, hiện đang là sinh viên Đại học sân khấu điện ảnh Bình Nhưỡng, đảm nhận vai nữ chính khi trưởng thành. Diễn viên Ri Hyo-sim chưa từng chơi bóng bàn trước đó nên đã được đào tạo tại một đoàn thể thao chuyên nghiệp. Đồng thời, mặc dù là người thuận tay phải, cô đã nỗ lực học các kỹ thuật chơi thuận tay trái sao cho giống với nguyên mẫu nhân vật. Bộ phim khắc họa quá trình vận động viên 19 tuổi Pak Yung-sun đảo ngược tình thế, thành công tại vòng tứ kết Giải vô địch bóng bàn thế giới và cuối cùng giành huy chương vàng. Các nữ diễn viên đầy kinh nghiệm khó có thể vào vai một vận động viên 19 tuổi nên cần phải có một nữ diễn viên mới đảm nhận vai này nhằm truyền tải câu chuyện cảm động về một vận động viên trẻ tuổi giành chức vô địch thế giới. Đó là lý do tại sao đội ngũ sản xuất đã chọn một nữ diễn viên tân binh đầy sức trẻ và nhiệt huyết sẵn sàng tập luyện chăm chỉ cho vai diễn.

 

Nền điện ảnh Bắc Triều Tiên đã từng xuất hiện những nữ diễn viên xuất sắc trong từng thời kỳ, trong đó phải kể đến bà Mun Ye-bong. Sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản, bà Mun Ye-bong đã tới Bắc Triều Tiên và từng tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim, bao gồm cả bộ phim kịch đầu tiên của nước này mang tên “Quê hương tôi”. Bà Mun đóng một vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho ngành công nghiệp điện ảnh miền Bắc. Khi nhắc đến nền phim ảnh Bắc Triều Tiên thì không thể bỏ qua nữ diễn viên Oh Mi-ran, người nhận được sự yêu mến của cố Chủ tịch Kim Jong-il nhờ khả năng thể hiện cảm xúc một cách tinh tế. Bà lấy được lòng công chúng nhờ vai nữ chính Song Rim trong bộ phim “Hoa cát cánh” năm 1987 và giành được giải thưởng “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ nhất cùng năm.

 

Nhiều diễn viên mới đã xuất hiện trong nền điện ảnh của Bắc Triều Tiên, vốn bị thống trị bởi các ngôi sao giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn, nhờ vai chính trong bộ phim “Chuyện nhà tôi” năm 2016, nữ diễn viên Paek Sol-mi đã nhận được sự chú ý lớn. Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim “Chuyện nhà tôi” kể về một cô gái trẻ chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở đã chăm sóc hai anh em mồ côi nhà hàng xóm. Có thông tin cho biết đạo diễn của bộ phim là Ri Yoon-ho đã rất chú trọng việc lựa chọn nữ diễn viên chính. Theo đạo diễn Ri, ông đã chọn ra khoảng 20 nữ diễn viên có tính cách, sở thích và ngoại hình tương tự với nguyên mẫu nhân vật chính để tìm ra Paek Sol-mi cho vai nữ chính.

 

Diễn viên Paek Sol-mi đã thu hút được sự chú ý ngay cả trước khi bộ phim ra mắt. Để diễn xuất tốt hơn, cô đã tới sống tại ngôi nhà của cô gái là nguyên mẫu của bộ phim cùng với những đứa con của cô gái đó. “Chuyện nhà tôi” đã giành giải “Phim hay nhất” và diễn viên Paek Sol-mi đã nhận được giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 15 năm 2016. Bộ phim sau đó đã tham dự Liên hoan phim quốc tế Matxcơva (Nga) và được trình chiếu tại Hàn Quốc vào năm 2018. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cô Paek đã có thể chạm tới ngưỡng cửa trở thành diễn viên toàn cầu.

 

Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, diễn viên Paek Sol-mi cho biết chính cô cũng rất ngạc nhiên trước sự nổi tiếng đột ngột của mình khi nhận được nhiều lời chào hỏi, gọi điện và thông báo chúc mừng. Có thể nói diễn viên Paek Sol-mi là trường hợp “một bước thành ngôi sao” chỉ nhờ vào tác phẩm ra mắt. Có ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa ngôi sao và người hâm mộ ở Bắc Triều Tiên có nhiều điểm khác biệt so với Hàn Quốc.

 

Có rất nhiều điểm khác biệt bất thành văn trong văn hóa hâm mộ của hai nước. Tất nhiên người hâm mộ Bắc Triều Tiên có thể gửi thư cho các ca sĩ, diễn viên yêu thích, nhưng ở miền Bắc khó có thể hình thành văn hóa cộng đồng người hâm mộ fandom. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bắt chước phong cách trang điểm và thời trang của những người nổi tiếng, vậy nên các ngôi sao ở Bắc Triều Tiên cũng có sức ảnh hưởng tương tự như trong xã hội tư bản. Người hâm mộ miền Bắc dán hình các diễn viên yêu thích lên tường, và lịch có hình ảnh của người nổi tiếng có thể ngay lập tức hết hàng. Không có gì lạ khi người dân đổ dồn sự quan tâm đến những gương mặt mới hoặc những bộ phim mới. Tuy không sản xuất chương trình tin tức giải trí như Hàn Quốc, truyền thông miền Bắc vẫn đưa tin về các tác phẩm sắp ra lò. Tin tức về các bài hát hoặc bộ phim mới có thể lan truyền nhanh chóng qua truyền miệng và thu hút sự quan tâm lớn.

 

Việc các nghệ sĩ mới lần lượt xuất hiện trong giới văn hóa nghệ thuật Bắc Triều Tiên, nơi vốn khó tìm được tài năng mới, được giải thích là để xoa dịu nhu cầu văn hóa giải trí của người dân trong bối cảnh nước này hạn chế nghiêm ngặt các sản phẩm video nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Có phân tích cho rằng việc sử dụng các nghệ sĩ tân binh sẽ có hiệu quả trong việc tạo ra các nội dung mới phù hợp với tiêu chuẩn của giới trẻ vốn đã quen thuộc với văn hóa bên ngoài.

 

Những nghệ sĩ tân binh có thể trở thành biểu tượng của sự cách tân với hình thức và nội dung mới, và không tốn nhiều chi phí như khi đầu tư vào công nghệ và thiết bị. Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nghệ thuật, nuôi dưỡng nhân tài và chuyển hướng sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem liệu những gương mặt mới có thực sự mang tới sự thay đổi rõ ràng trong chính sách văn hóa nghệ thuật của miền Bắc hay không. Nếu miền Bắc lặp lại cách làm cũ thì sẽ chỉ có hiệu quả tạm thời, nhưng nếu áp dụng một hình thức mới hoặc thay đổi thực sự thì đây sẽ là một yếu tố để thay đổi chính sách văn hóa của nước này.

Lựa chọn của ban biên tập