Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc xem xét nới lỏng quy chế quản lý ngân hàng trực tuyến

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-08-13

ⓒ YONHAP News

Quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp


Chính phủ Hàn Quốc đang cho thấy những dấu hiệu về khả năng nới lỏng các quy chế đối với ngân hàng trực tuyến. Tham dự một sự kiện về cải cách quy chế ngân hàng trực truyến vào hôm 7/8, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi cần phải cải cách quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp, coi đó như là một biện pháp chủ chốt, và là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chính sách kinh tế mới của Chính phủ. Mặc dù mới chỉ xuất hiện được khoảng một năm, các ngân hàng trực tuyến đã và đang thổi một luồng gió mới vào thị trường tài chính, cung cấp các dịch vụ giao dịch nhanh chóng, dễ dàng, và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Tuy nhiên, loại hình ngân hàng này vẫn gặp phải nhiều trở ngại, đặc biệt bị hạn chế phát triển bởi quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, nhà phân tích kinh tế Chung Chul-jin sẽ phân tích kỹ hơn về các quy chế ngăn cản sự phát triển các ngân hàng trực tuyến. 


Để thúc đẩy các ngân hàng trực tuyến và ngành công nghiệp kết hợp với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) phát triển, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) Choi Jong-gu đã nhấn mạnh đến nhu cầu nới lỏng các quy chế hiện hành, quy định vốn công nghiệp chỉ được phép sở hữu một lượng giới hạn cổ phần của các ngân hàng. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan giám sát tài chính (FSS) Yoon Suk-heun, một người ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp, gần đây cũng ngỏ ý về sự cần thiết trong việc xem xét lại các quy chế đối với ngân hàng trực tuyến. Cùng với đó, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp là quy chế cần được duy trì, nhưng cũng cần xem xét các lựa chọn khác nhằm tăng cường lợi ích của các ngân hàng trực tuyến, đồng thời mở đường cho loại hình doanh nghiệp tài chính này phát triển. Thông qua những phát ngôn của các nhà chức trách cho thấy khả năng Quốc hội sẽ nhanh chóng xây dựng đạo luật đặc biệt liên quan đến cải cách quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp, đặc biệt là đối với các ngân hàng trực tuyến là rất cao. 


Thành công bước đầu của ngân hàng trực tuyến sau một năm ra mắt 


Một trong những nguyên tắc cơ bản của ngành công nghiệp tài chính tại Hàn Quốc là hạn chế các doanh nghiệp phi tài chính nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng. Việc phân tách này nhằm ngăn chặn các công ty lớn lợi dụng quyền kiểm soát các ngân hàng để sử dụng vốn vào mục đích riêng. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang mạnh mẽ kêu gọi nới lỏng quy chế này đối với các ngân hàng trực tuyến cho đến cuối năm nay. Theo Chính phủ, nếu giới hạn nắm giữ cổ phần được nới lỏng sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, và các ngành công nghiệp liên quan như công nghệ kết hợp tài chính (fintech), đồng thời tạo thêm nhiều việc làm để hình thành nên một chu trình tuần hoàn lành mạnh trong nền kinh tế. Nguyên nhân Chính phủ kỳ vọng vào ngân hàng trực tuyến là nhờ những thành công bước đầu của nó. Ông Chung Chul-jin giải thích. 


Từ “cơn sốt” diễn tả đúng nhất về thành công của các ngân hàng trực tuyến, loại hình ngân hàng thu hút được nhiều người sử dụng bởi các dịch vụ đơn giản và nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, ngân hàng K đã thu hút được 700.000 khách hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Kakao thậm chí còn đạt được con số ấn tượng hơn, với 5,67 triệu khách hàng, nhờ vào ứng dụng nhắn tin và chat miễn phí Kakao Talk trên điện thoại thông minh phổ biến nhất tại Hàn Quốc hiện nay. Cụ thể, Ngân hàng K và Ngân hàng Kakao đã thu hút lượng tiền gửi lần lượt là hơn 1.090 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và gần 5.000 tỷ won (khoảng 4,45 tỷ USD), trong khi các khoản vay của hai ngân hàng này tương ứng là 850 tỷ won (khoảng 750 triệu USD) và 4.600 tỷ won (khoảng 4,08 tỷ USD). Tính đến cuối tháng 6, riêng Ngân hàng Kakao đã có tổng số tiền gửi và các khoản vay lên tới hơn 10.000 tỷ won (gần 9 tỷ USD). Nhìn vào những con số này, có thể nói hai ngân hàng trên đã hoạt động khá tốt trong năm qua. 


Lo ngại về việc sử dụng ngân hàng như vốn sở hữu tư nhân


Các khách hàng của Ngân hàng K và Ngân hàng Kakao có thể dễ dàng đăng nhập mà không cần thực hiện các thủ tục xác thực tài chính, đồng thời họ có thể vay tiền mà không cần tới các chi nhánh giao dịch, với khoản phí và lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại khác. Bên cạnh đó, các thao tác này đều có thể thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh. Điều này lý giải tại sao các ngân hàng trực tuyến lại nhanh chóng thu hút được nhiều khách hàng kể từ khi ra mắt vào năm ngoái. Điều này cũng lan rộng đến các ngân hàng truyền thống, khiến họ cũng áp dụng hệ thống đăng nhập đơn giản và chi phí giao dịch thấp. Tuy nhiên, thành công của các ngân hàng trực tuyến chỉ được xem như “cơn bão trong tách trà”, chưa thực sự tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong ngành công nghiệp này. Đó là bởi quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng với lĩnh vực phi tài chính không cho phép doanh nghiệp nắm giữ trên 10% cổ phần tại các ngân hàng, với quyền cổ đông của họ chỉ được phép chiếm tối đa là 4% cổ phần. Các ngân hàng trực tuyến đều cho rằng họ không thể huy động thêm vốn ngay cả khi có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngân hàng K, ngân hàng trực tuyến đầu tiên tại Hàn Quốc, đã phải ngừng bán các gói cho vay vì không thể huy động vốn đúng hạn. Cổ đông lớn nhất của Ngân hàng K và Ngân hàng Kakao lần lượt là Tập đoàn viễn thông KT và Công ty Kakao cho rằng họ rất khó phát hành cổ phiếu để huy động vốn cho các ngân hàng này bởi họ chỉ có thể nắm giữ tối đa 10% cổ phần. Trước vấn đề này, các cơ quan tài chính đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật đặc biệt về việc nới lỏng các quy chế này đối với các ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại trước động thái nới lỏng quy chế này. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích rõ hơn. 


Những người ủng hộ bãi bỏ quy chế này viện dẫn các ví dụ từ Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, các nhóm dân sự và công đoàn trong lĩnh vực tài chính lại cho rằng môi trường tài chính tại Hàn Quốc rất khác so với môi trường ở hai quốc gia này. Cụ thể, các tổ chức phi chính phủ cho rằng cấu trúc của các tập đoàn Hàn Quốc vẫn không thay đổi, nơi gia đình tài phiệt sở hữu và kế thừa. Do đó, việc nới lỏng quy chế phân tách lĩnh vực công nghiệp và ngân hàng sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ ngân hàng trở thành kho vốn của doanh nghiệp lớn, nơi huy động vốn dễ dàng. Họ cho rằng hệ sinh thái và văn hóa kinh doanh của các tập đoàn lớn cần phải thay đổi trước khi các quy chế được nới lỏng. Họ cũng đưa ra gợi ý rằng các ngân hàng trực tuyến có thể huy động vốn từ các doanh nghiệp khác, thay vì từ các cổ đông lớn của họ. Nói tóm lại, theo bộ phận này, Chính phủ cần tiếp tục duy trì quy chế hiện hành để hạn chế các doanh nghiệp phi tài chính, nắm giữ cổ phẩn lớn tại các ngân hàng. 


Những thay đổi cần thiết cho các ngân hàng trực tuyến


Những người phản đối việc nới lỏng quy chế phân tách lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp cho rằng, khi cổ đông nắm quyền kiểm soát cao hơn thì ngân hàng càng sẽ trở thành như một nguồn vốn tư nhân. Họ chỉ ra rằng do bản chất của ngành công nghiệp, các ngân hàng trực tuyến không tạo ra nhiều việc làm, và cũng thất bại trong việc giới thiệu các dịch vụ tiên tiến sử dụng công nghệ với tài chính hay đánh giá tín dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo họ, nguyên tắc cơ bản về việc phân tách lĩnh vực phi tài chính với ngân hàng không nên bị gỡ bỏ chỉ để nhằm mục đích bù đắp cho việc quản lý yếu kém tại các ngân hàng trực tuyến, vốn đang cung cấp các dịch vụ tương tự như các ngân hàng thương mại hiện nay. Để tránh tác dụng phụ từ việc nới lỏng quy chế, các ngân hàng trực tuyến được khuyến khích tự đổi mới. Nhà phân tích Chung Chul-jin nhận định.


Các ngân hàng trực tuyến cho rằng họ khác với các ngân hàng truyền thống và viện dẫn tới các tiện ích như mở tài khoản trên smartphone mà không cần giao dịch mặt đối mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng này hoạt động khá giống với các ngân hàng thương mại truyền thống về phương diện kinh doanh. Do đó, nhiều người có thể đặt câu hỏi về tính hữu dụng của việc nới lỏng quy chế đối với các ngân hàng trực tuyến. Trước hết, các ngân hàng này cần thể hiện tối đa thế mạnh của mình. Chẳng hạn, họ có thể phân tích các khách hàng bằng công nghệ fintech, và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho những người có xếp hạng tín dụng thấp nhưng vẫn đủ khả năng trả lãi. Các ngân hàng trực tuyến có thể cho vay tín dụng với các công ty nhỏ và các công ty mạo hiểm triển vọng. Những nỗ lực này có thể thuyết phục dư luận về sự cần thiết phải nới lỏng các quy chế hiện hành đối với các ngân hàng trực tuyến. Xét cho cùng, quả bóng bây giờ lại trở về trong chân của các ngân hàng trực tuyến. Từ đó, ngân hàng trực tuyến có thể phát triển hơn nữa, tận dụng tối đa lợi ích từ việc bãi bỏ quy chế hiện hành.  

Lựa chọn của ban biên tập