Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Công ty Rainbow Robotics, cha đẻ của rô-bốt hình người nổi tiếng thế giới HUBO

#Doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế Hàn Quốc l 2018-10-08

ⓒ Rainbow Robotics

Rainbow Robotics chế tạo rô-bốt hình người HUBO


Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu về công ty Rainbow Robotics, doanh nghiệp sản xuất rô-bốt nổi tiếng tại Hàn Quốc, cha đẻ của rô-bốt hình người đầu tiên tại Hàn Quốc mang tên HUBO. Sau đây, Giám đốc Lee Jung-ho sẽ giới thiệu về công ty của mình. 


Rainbow Robotics là công ty spin-off, tiền thân của công ty là Trung tâm nghiên cứu rô-bốt hình người (HRRC) thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Công ty spin-off được hiểu là công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh.Được xem là nhà sản xuất rô-bốt hình người đầu tiên tại Hàn Quốc. Công ty chúng tôi đã phát triển nền tảng rô-bốt hình người, có thể ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Trên quan điểm của một kỹ sư phát triển rô-bốt, rô-bốt hình người là sự kết hợp đỉnh cao của tất cả công nghệ rô-bốt hiện có. Chúng tôi đã đi tiên phong tại Hàn Quốc trong việc nghiên cứu về công nghệ này từ năm 1999, và là công ty duy nhất tại Hàn Quốc phát triển lĩnh vực này. 


HUBO giành chiến thắng tại cuộc thi rô-bốt DARPA của Mỹ


Năm 2000, Honda, một công ty Nhật Bản đã khiến thế giới kinh ngạc khi cho ra mắt rô-bốt hình người đầu tiên với tên gọi Asimo, một công nghệ rô-bốt được cho là không thể thực hiện được vào thời điểm đó. Đây là kết quả sau 15 năm nghiên cứu và khoản vốn đầu tư lên tới 265 triệu USD. Tuy nhiên, công nghệ rô-bốt hình người đã không còn là của riêng Nhật Bản, khi Trung tâm nghiên cứu rô-bốt hình người của Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đứng đầu là Giáo sư Oh Jun-ho, đã cho ra mắt thành công rô-bốt hình người HUBO vào năm 2004. Thời điểm ban đầu, HUBO cao 130 cm và nặng 55 kg. Với mỗi bước chân dài 35 cm, chú rô-bốt này có thể bước 65 bước/phút, đạt tốc độ 1,25 km/giờ. Kể từ đó, hiệu năng của HUBO vẫn liên tục được cải thiện. Năm 2011, Giáo sư Oh Jun-ho và Tiến sĩ Lee Jung-ho đã thành lập doanh nghiệp mạo hiểm Rainbow Robotics để thương mại hóa và hướng đến quốc tế hóa rô-bốt HUBO. Doanh nghiệp này tập trung chủ yếu vào phát triển nền tảng rô-bốt hình người, và đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu vào năm 2015, khi HUBO giành giải nhất tại Cuộc thi rô-bốt DARPA (DARPA Robotics Challenge) – một cuộc thi về công nghệ rô-bốt uy tín cho hoạt động phòng chống thảm họa, thiên tai được tổ chức tại Mỹ. Ông Lee Jung-ho giải thích.


Cuộc thi này bao gồm 8 nhiệm vụ khác nhau. Các rô-bốt được đặt trên một chiếc xe và phải tự mình lái xe, như tăng tốc, chuyển hướng, và đạp phanh. Khi xuống xe, rô-bốt phải mở cửa vào một tòa nhà, thực hiện nhiệm vụ mở van, và sử dụng một chiếc khoan để khoan vào tường. Các rô-bốt sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ và vượt qua các con đường có nhiều chướng ngại vật, đi qua địa hình không bằng phẳng, và leo cầu thang. Kết thúc cuộc thi, chỉ có ba đội hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ là công ty chúng tôi, Trung tâm nghiên cứu về công nghệ nhận dạng con người và máy móc (IHMC) ở Florida, dự án nghiên cứu được Chính phủ Mỹ hỗ trợ, và nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ. Trong đó, chúng tôi đã vinh dự giành ngôi vị quán quân, khi rô-bốt của chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất. 


ⓒ Rainbow Robotics

Nỗ lực thương mại hóa rô-bốt HUBO


Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) là một Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2013, DARPA đã phát động cuộc thi về rô-bốt, với giả định các rô-bốt được giao nhiệm vụ thay thế con người, xâm nhập khu vực chịu thảm họa hạt nhân để đóng một van của ống làm mát bị rò rỉ, sau khi nhận thấy có sự giới hạn của rô-bốt trong quá trình xử lý thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ đến từ 24 đội chơi hàng đầu thế giới như Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), công ty rô-bốt hàng đầu thế giới IHMC Robotics, phòng nghiên cứu rô-bốt của Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), trường Đại học CMU của Mỹ, chú rô-bốt HUBO của Rainbow Robotics đã không chỉ đến cuộc thi với tinh thần cọ sát, mà còn xuất sắc giành được vị trí quán quân, sau khi hoàn thành 8 nhiệm vụ chỉ trong vòng 44 phút 28 giây. Giám đốc Lee Jung-ho chia sẻ. 


Cuộc thi này có mối tương quan với triết lý kinh doanh của công ty chúng tôi. Chúng tôi không hứng thú với việc tích hợp các công nghệ có sẵn trên thế giới, chỉnh sửa một chút vì mục đích thương mại. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng tự mình phát triển mọi thứ và tạo ra chú rô-bốt của riêng mình. Khi lần đầu tiên giới thiệu rô-bốt HUBO, chúng tôi chưa nắm bắt hai công nghệ là bộ giảm tốc và bộ truyền động. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng tôi đã phát triển những công nghệ của riêng mình, và giúp các rô-bốt của mình nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Cho đến nay, chúng tôi đã đi vào mọi ngõ ngách trong quá trình thiết kế rô-bốt, từ bộ phận nhỏ nhất đến thuật toán tổng thể.  


Tham vọng trở thành doanh nghiệp rô-bốt hàng đầu Hàn Quốc, phát triển nhiều loại rô-bốt khác nhau


Rô-bốt HUBO thi đấu trong cuộc thi DARPA có chiều cao 170 cm, nặng 70 kg và bước chân dài 40 cm. Rô-bốt này có thể biến đổi, giống như người máy trong phim Transformer (Rô-bốt đại chiến), và di chuyển trên bánh xe. Để phát triển được một rô-bốt như vậy, Rainbow Robotics đã liên tục cải tiến công nghệ, trải qua vô số các thiết kế, thậm chí phải đổi mới hoàn toàn hệ thống điều khiển của rô-bốt. Nếu như tại Hàn Quốc, HUBO chỉ được sử dụng ở Đại học quốc gia Seoul và Bảo tàng khoa học quốc gia, thì chú rô-bốt này rất được ưa thích tại Mỹ. Nhiều trường đại học ở Mỹ, như Viện công nghệ Massachusetts (MIT), trường Đại học công nghệ Georgia, và Đại học Ohio, cũng như các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google và Phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ (ANRL) đang sử dụng sản phẩm của Rainbow Robotics. Đầu năm nay, HUBO đã được vinh dự mang ngọn đuốc Olympic tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Sức mạnh công nghệ đã làm nên tên tuổi của Rainbow Robotics – doanh nghiệp tiên phong tạo ra rô-bốt hình người HUBO tại Hàn Quốc, và Rainbow Robotics đang nỗ lực để đa dạng hóa các loại rô-bốt. Giám đốc Lee Jung-ho chia sẻ thêm.


Hiện nay, có nhiều tổ chức, công ty tại Hàn Quốc đang sản xuất rô-bốt dịch vụ. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này đều phải nhập khẩu công nghệ chủ chốt hoặc sử dụng các linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, chúng tôi đang sản xuất các loại rô-bốt này với 100% công nghệ của riêng mình. Chúng tôi cũng đang sản xuất rô-bốt y tế. Chúng tôi đang làm việc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc để phát triển rô-bốt có thể được sử dụng ở các phòng khám da liễu như tẩy nốt ruồi, hình xăm, hay chữa bệnh vàng da. Chúng tôi cũng đang chế tạo nhiều rô-bốt dịch vụ mà bạn có thể bắt gặp tại nhiều nơi khác nhau vào đầu năm tới. Tôi hy vọng Rainbow Robotics sẽ trở thành một công ty sản xuất rô-bôt có thể đại diện cho Hàn Quốc, tự tin mang công nghệ nguyên gốc “Made in Korea” ra thế giới. 


Rainbow Robotics đang dẫn đầu sự phát triển công nghệ rô-bốt bằng việc tạo ra các loại rô-bốt khác nhau sau thành công với rô-bốt HUBO, như các rô-bốt dịch vụ, hỗ trợ con người trong các dây chuyền sản xuất, y tế, dịch vụ, đủ khả năng tạo ra những cốc cà phê latte nghệ thuật thay vì chỉ hoạt động như một cỗ máy thông thường. Với năng lực công nghệ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, công ty hứa hẹn sẽ mang lại tầm nhìn mới trong lĩnh vực rô-bốt trên toàn cầu.

Lựa chọn của ban biên tập