Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung chưa có lối thoát

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-02-11

© YONHAP News

Lập trường quá khác biệt về vấn đề chiến lược của Trung Quốc


Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam, dư luận đã ngay lập tức đưa ra dự đoán nhân đây, ông Trump sẽ gặp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ lại cho biết chưa có kế hoạch gặp người đồng cấp Trung Quốc trong tháng này, dập tắt hy vọng về tương lai của thỏa thuận “đình chiến” thương mại 90 ngày giữa hai nước. Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đám phán thương mại cấp cao lần hai tại Washington trong hai ngày 30 và 31/1 sau cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng tại Bắc Kinh vào đầu tháng 1. Nếu như cuộc đàm phán lần thứ nhất được coi là thành công bước đầu khi hai bên đạt được một phần thỏa thuận, thì trong cuộc đàm phán mới nhất, mặc dù đạt được một số điểm thống nhất, hai bên vẫn thể hiện khác biệt tương đối về lập trường, đặc biệt là về vấn đề cải cách cấu trúc công nghiệp của Trung Quốc. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, sẽ phân tích triển vọng đàm phán thương mại giữa hai cường quốc này. 


Đại điện Văn phòng thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, người đảm trách vai trò trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ, cho biết hai nước đã đạt được bước tiến đáng kể. Song, ông này cũng bổ sung thêm rằng đôi bên vẫn chưa đi đến được một thỏa thuận cuối cùng. Cụ thể, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh cải cách các chính sách công nghiệp và thương mại, bao gồm cả chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025”. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách, mở cửa, và không chấp nhận thay đổi quá lớn theo yêu cầu từ phía Washington. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không dễ từ bỏ chiến lược phát triển dài hạn liên quan đến lợi ích quốc gia để đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ. 


Gặp gỡ Mỹ-Trung theo đề nghị của Bắc Kinh khó có thể diễn ra


Trong cuộc đàm phán tại Washington, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa nông nghiệp, năng lượng, cùng các nhu yếu phẩm từ Mỹ để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của đôi bên vẫn còn khác xa khi Washington tập trung vào các vấn đề cấu trúc, thì Bắc Kinh chỉ đơn thuần nhấn mạnh đến việc nhập khẩu thêm đậu nành từ Mỹ. Để tháo gỡ những nội dung này, Trung Quốc đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 2 nhưng khả năng hội đàm Mỹ-Trung trong bối cảnh hiện nay có thể nói là hầu như không có. Giám đốc Lee In-chul giải thích.


Trong Thông điệp liên bang hôm 5/2, Tổng thống Donald Trump nói ông không đổ lỗi cho Trung Quốc về việc thu lợi từ Mỹ, đồng thời cho biết cá nhân rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh Trung Quốc phải chấm dứt hành vi trộm cắp việc làm và tài sản của nước Mỹ. Ông Trump cũng nhắc lại lập trường sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận trước hạn chót 1/3. Trong bức thư tay Chủ tịch Tập Cận Bình gửi Tổng thống Trump, Bắc Kinh đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc gặp này có khả năng diễn ra hay không. Hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này. 


Áp lực chính trị trong nước đối với lãnh đạo Mỹ, Trung


Khác với dự đoán của dư luận, hai ngày sau khi đưa ra Thông điệp Liên bang 5/2, Tổng thống Mỹ cho biết chưa có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc trước ngày 1/3. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung thất bại, khi các phiên đàm phán vẫn tiếp tục được triển khai. Câu hỏi đặt ra hiện nay là khả năng Mỹ áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ sau 1/3. Ông Lee In-chul phân tích.


Tính đến nay, Mỹ đã áp thuế từ 10% đến 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, mức thuế Washington áp dụng là 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước đối tác. Đến tháng 9, một mức thuế mới 10% được đưa ra đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% kể từ tháng 1 năm nay, đồng thời sẽ đánh thuế bổ sung với 267 tỷ USD hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã đánh thuế với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, châm ngòi tình hình “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có thể nói, áp lực chính trị sẽ đè nặng lên vai nhà lãnh đạo hai nước trong bối cảnh một cuộc chiến thuế quan.


Tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đối sách của Hàn Quốc


Nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung thất bại, Mỹ sẽ đánh thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, là cú sốc làm chững lại đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đồng thời làm giảm mức ảnh hưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Còn nếu cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kéo dài thì chính ông Donald Trump sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh ông này đang có tham vọng tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Cùng lúc đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang được dự đoán gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu như Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) từng cảnh báo về các cuộc chiến tiền tệ và sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Giám đốc Lee In-chul đánh giá.


Suy cho cùng, việc Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận cuối cùng hay không phụ thuộc vào lãnh đạo hai nước. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước kết thúc sẽ là tin vui không chỉ với riêng hai nước này mà còn với cả nền kinh tế toàn cầu. Hiện đang có những kêu gọi điều tra cáo buộc ông Trump thông đồng với Nga nhằm can thiệp kết quả bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, việc Chính phủ liên bang Mỹ “đóng cửa” trong khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử cũng không phải việc tốt lành gì với ông chủ Nhà Trắng đang tràn đầy tham vọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Do đó, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ tập trung tìm kiếm những bước đột phá trong các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Washington đạt được một thỏa thuận thương mại lớn với Bắc Kinh, cuộc chiến cho ngôi vị bá chủ thế giới có thể còn kéo dài, một cuộc chiến giành vị thế đứng đầu về kinh tế và công nghệ mà ở đó vấn đề mất cân bằng thương mại thực chất chỉ là bề nổi. Do vậy, tôi cho rằng sẽ khó có một giải pháp đột phá cho tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. 


Hàn Quốc nên có biện pháp đối phó chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài như giảm phụ thuộc vào hai thị trường này và đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu. Washington và Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài để đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Trong bối cảnh đó, Seoul cần nỗ lực khai phá các thị trường xuất khẩu mới, thay đổi cấu trúc kinh tế để ứng phó tốt hơn với những biến động trên toàn cầu.

Lựa chọn của ban biên tập