Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Jang Sa-ik

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-02-13

Âm điệu ngàn xưa


Con đường đưa ông Jang Sa-ik trở thành ca sĩ

Ở Hàn Quốc có một người muốn sang trang cuộc đời bằng việc cho ra mắt một đĩa nhạc ở tuổi 47. Đó chính là ca sĩ Jang Sa-ik. Trước đó ông đã từng bôn ba, kinh qua 15 ngành nghề, công việc khác nhau như tiếp thị bán đồ gia dụng tại chỗ, bán hoa quả ngoài đường, kinh doanh phòng đọc sách…và công việc cuối cùng ông làm trước khi hoạt động nghệ thuật là nhân viên của một trung tâm bảo dưỡng ô tô. Trong số khách hàng đến sửa xe có một người là quản lý của ca sĩ Seo Tae-ji, người đã thổi một làn gió mới vào làng nhạc Hàn Quốc, khi là người đầu tiên giới thiệu thể loại “rap”. Hôm đó, anh ta đang lo lắng vì không tìm được người thổi kèn bầu Taepyeongso đệm cho ca khúc Hayeoga của nhóm Seo Tae-ji và boys. Thấy vậy, Jang Sa-ik liền nói rằng mình biết thổi kèn bầu Taepyeongso và đã được tham gia vào một số buổi công diễn của nhóm nhạc này. Không lâu sau, ông phải thôi việc ở trung tâm bảo dưỡng ô tô. Tổng kết lại tất cả những công việc đã trải nghiệm, suy ngẫm về những việc mình có thể làm và mình muốn làm, cuối cùng ông nhận thấy rằng đó chính là việc thổi kèn bầu Taepyeongso. Jang Sa-ik đã tìm đến đoàn nghệ thuật truyền thống 4 loại nhạc cụ gõ Lee Gwang-su Samulnoripae, đề đạt ý nguyện rằng không trả tiền cho ông cũng được, miễn là cho ông được tham gia hoạt động nghệ thuật với đoàn. Rất may mắn là sau đó, ông đã đoạt giải trong cuộc thi nghệ thuật truyền thống ở Jeonju và được công nhận trình độ nghệ thuật. Nhưng năng lực tiềm ẩn thực thụ của ông chỉ được thể hiện qua một bài hát trong một bữa liên hoan sau buổi công diễn. Sau khi nghe Jang Sa-ik hát, nghệ sĩ Piano Im Dong-chang đã đề nghị ông cùng tham gia biểu diễn. Từ đó, người Hàn Quốc gọi ông là Soriggun, tức người nghệ sĩ hát những ca khúc mang sắc thái truyền thống của dân tộc Hàn. Là ca sĩ nhưng so với tên gọi Gasu (ca sĩ thời hiện đại) thì tên gọi Soriggun là phù hợp nhất với nghệ sĩ Jang Sa-ik. 


Hoạt động nghệ thuật của ca sĩ Jang Sa-ik

Ca khúc Sigoljang(Chợ quê) do nghệ sĩ Jang Sa-ik trình diễn phác họa hình ảnh một cụ già cặm cụi với vô số những túi rau mẹt lá bầy xung quanh ở chốn chợ quê. Bà ra chợ bán hàng hơn hết là để được gặp gỡ, nói chuyện và giao lưu với người qua kẻ lại. Khúc ca có đoạn:

Vì muốn gặp người qua kẻ lại, bà ra đứng chợ quê 

Mớ rau tự trồng, nắm lá hái về từ trên núi

Bầy xung quanh tựa bức phác họa bằng bút chì

Hoàng hôn lặn cùng bờ vai bà nhỏ bé…

“Cụ ơi! Hôm nay bán được nhiều không?”

“Uhm!... Cũng vầy vậy thôi mà …”


Sau buổi công diễn đầu tiên, lần đầu tiên trong đời, nghệ sĩ Jang Sa-ik thực sự cảm thấy hạnh phúc. Cảm giác biết ơn những người đã tạo nên mình hôm nay ào ạt dâng trào. Nghệ sĩ Jang Sa-ik không chỉ cảm thấy biết ơn cha mẹ, anh chị em, bạn bè, mà còn cảm thấy biết ơn ngay cả những người đã sa thải ông, những người đã khiến ông phải bươn chải gian nan trên suốt chặng đường đời đã qua. Ngẫm lại mới thấy thật biết ơn và thực sự vui mừng. Kể câu chuyện một mình nỗ lực vượt lên mọi khó khăn chông gai của cuộc đời, câu hát của nghệ sĩ Jang Sa-ik lúc chậm rãi điềm tĩnh, lúc lại cháy bỏng tâm can đến tột độ, làm người nghe thổn thức như đang nghe chính câu chuyện cuộc đời mình vậy. 


Đa phần người Hàn Quốc đều yêu thích bài hát Jjilleggot (Hoa tầm xuân) của nghệ sĩ Jang Sa-ik. Bài hát có câu “Hương hoa tầm xuân quá não nề ~”. Đây là bài hát ông sáng tác trong thời điểm gian khó nhất của cuộc đời, trước khi trở thành ca sĩ. Một lần, ông nhận thấy một mùi hương lạ lẫm ngào ngạt trong gió xuân. Nhìn xung quanh chỉ thấy mỗi vài khóm hồng đỏ. Phải mất một hồi lâu, Jang Sa-ik mới phát hiện ra rằng đó là hương hoa tầm xuân đang nở rộ trong một góc khuất. Nhìn khóm tầm xuân trắng thấp lè tè nở hoa mà không dám sánh cùng với những khóm hồng. Ông bỗng thấy chạnh lòng và cảm giác khóm tầm xuân kia thật giống với cuộc đời mình, nên càng xót xa hơn. Nào ngờ, bài hát thuở đó sau này đã thành bài hát tiêu biểu của nghệ sĩ lừng danh Jang Sa-ik. Ngày nay, khá nhiều người trong chúng ta cảm thấy mệt mỏi với gánh nặng cuộc đời. Học sinh có nỗi khổ của học sinh, người lớn có nỗi khổ của người lớn. Nhưng chúng ta hãy vững vàng dấn từng bước, từng bước vượt lên những khó khăn vất vả này, mọi trải nghiệm trong đời đều sẽ trở thành những viên gạch xây dựng nên cuộc đời của chúng ta và giúp chúng ta tỏa sáng sau này. 


* Ca khúc Sigoljang (Chợ quê) / Jang Sa-ik 

* Ca khúc Samsiki (Sam-sik ơi) / Jang Sa-ik

* Ca khúc Heoheobada (Biển mênh mông) / Jang Sa-ik

Lựa chọn của ban biên tập