Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc thúc đẩy “Nền kinh tế hydro”

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-02-18

© YONHAP News

Xe chạy hydro, tương lai của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc


Khái niệm “Nền kinh tế hydro” đang nổi lên tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Vào tháng trước, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố "Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế hydro", nhấn mạnh “nền kinh tế hydro” là một động lực tăng trưởng mới, với mục tiêu đưa Hàn Quốc đứng hàng đầu thế giới về thị phần xe ô tô chạy bằng hydro và pin nhiên liệu hydro. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Kim Pil-soo, Giáo sư Khoa kỹ thuật ô tô, trường Đại học Daelim sẽ phân tích về bối cảnh đằng sau khái niệm “nền kinh tế hydro”. 


Ô tô chạy bằng hydro được coi là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Nhiên liệu hydro là nguồn năng lượng vô tận, và ô tô chạy hydro không sinh ra khí thải độc hại. Chính phủ hy vọng sẽ thúc đẩy những phương tiện giao thông không gây ô nhiễm môi trường như một động lực tăng trưởng trong tương lai. Dù là một trong các ngành công nghiệp chủ chốt tại Hàn Quốc, nhưng ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đang ở trong tình trạng “một cao và ba thấp”, mô tả thực trạng chi phí cao, sản xuất thấp, hiệu quả thấp và lợi nhuận thấp. Với kế hoạch thúc đẩy ô tô hydro, Chính phủ đặt mục tiêu hồi sinh ngành công nghiệp ô tô trong nước vốn đang gặp khó khăn. May mắn là Hàn Quốc đang sở hữu công nghệ xe hydro đẳng cấp thế giới. Dù sẽ mất nhiều thời gian, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, Hàn Quốc hoàn toàn có thể đi tiên phong trên thị trường toàn cầu trong lĩnh vực này.


Lợi thế của nền kinh tế hydro?


Từng là nhà sản xuất ô tô thứ 5 thế giới vào năm 2015, Hàn Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 vào năm ngoái, khi là nước duy nhất trong 10 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu ô tô ghi nhận tăng trưởng âm trong ba năm liên tiếp. Đằng sau sự sụt giảm này là các yếu tố cả bên trong và bên ngoài như việc đóng cửa nhà máy ô tô GM Hàn Quốc tại Gunsan (tỉnh Bắc Jeolla) vào tháng 2 năm ngoái, khiến sản lượng giảm, trong khi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm, cùng với nhu cầu mua ô tô tại Trung Quốc và Mỹ suy giảm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vẫn có một vũ khí mạnh, đó là ô tô chạy bằng hydro. Đặc biệt, Công ty ô tô Hyundai đang sở hữu công nghệ pin nhiên liệu hydro tốt nhất thế giới. Bắt đầu phát triển ô tô hydro vào năm 1998, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc này đã vận hành thử nghiệm trong Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2006 tại Đức. Hyundai là nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới sản xuất hàng loạt xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào năm 2013. Ngoài công nghệ, còn có lý do khác khiến Hàn Quốc đang chú ý đến ô tô hydro. 


Nhật Bản đi trước trong nền kinh tế hydro 


Hydro là một nguyên tố phong phú trong vũ trụ, chiếm tới 75% khối lượng của tất cả nguyên tố, và là nguồn năng lượng sạch, không thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, để thúc đẩy việc sử dụng ô tô hydro, một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng cơ sở hạ tầng như các trạm tiếp nhiên liệu hydro. Ngoài ra, một thách thức khác là vấn đề giá nhiên liệu. Hiện tại, một chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro có thể đi được 700 km khi được nạp đầy, và thậm chí mô hình cải tiến trong tương lai được cho là có thể chạy tới 1000 km. Ô tô hydro chắc chắn sẽ là xu thế chủ yếu trong tương lai với những lợi thế nổi bật. Không có gì quá ngạc nhiên khi nhiều nước tiên tiến đang cạnh tranh khốc liệt để đi tiên phong trong kỷ nguyên của phương tiện chạy hydro. Trong đó, Nhật Bản là một trong những đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực này. Giáo sư Kim Pil-soo giải thích.


Nhật Bản có hai dòng xe sedan cỡ nhỏ chạy bằng hydro là Mirai của hãng Toyota và Clarity của hãng Honda, trong khi Hàn Quốc có dòng xe thể thao Nexo SUV của hãng Hyundai. Các mẫu xe sedan cỡ nhỏ này của Nhật Bản có tính cạnh tranh rất cao. Ngoài ra, trong khi Hàn Quốc hiện mới chỉ có 13 trạm tiếp nhiên liện hydro thì Nhật Bản đang có tới 120 trạm, và có kế hoạch xây dựng thêm 100 trạm. Điều này chứng tỏ Tokyo đã xác định mục tiêu dẫn đầu trên thị trường này, và đổ rất nhiều tiền của vào cơ sở hạ tầng. Rõ ràng, Nhật Bản tỏ ra tích cực và chủ động hơn Hàn Quốc khi đã bãi bỏ nhiều quy chế liên quan để thúc đẩy lĩnh vực này, trong đó có quy định về xây dựng các trạm nhiên liện hydro. Hàn Quốc cần phải cảnh giác trước những bước đi táo bạo từ quốc gia láng giềng trên thị trường phương tiện hydro.  


“Khung thử nghiệm pháp lý” đối với các trạm nhiên liệu hydro


Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành một xã hội hydro vào năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang để mắt tới nhiên liệu hydro trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, và Đức thì đã bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại cho tàu chạy hydro đầu tiên trên thế giới. Rõ ràng, Chính phủ các nước này đang tích cực hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hydro. Về phần mình, các doanh nghiệp Hàn Quốc như Công ty ô tô Hyundai và Công ty Doosan đang tỏ ra tích cực hơn Chính phủ trong việc chuẩn bị cho nền kinh tế hydro. Doosan là doanh nghiệp sở hữu công nghệ pin nhiên liệu hydro chuyên dụng cho các hộ gia đình và các tòa nhà. Từng bị chỉ trích vì tỏ ra khá thụ động trong việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến hydro, Chính phủ Hàn Quốc hiện đang có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua. Ông Kim Pil-soo phân tích.


Ngành công nghiệp hydro sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ việc bãi bỏ một số quy định của Chính phủ, trong đó có nhiều quy định liên quan đến các trạm nhiên liệu hydro. Một số lĩnh vực hiện nay đang đặt dưới sự quản lý chồng chéo của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, cơ chế “Khung thử nghiệm pháp lý” (Regulatory sandbox) sẽ giúp giảm bớt một số quy định không hiệu quả, bất hợp lý, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh việc ra mắt sản phẩm hoặc công nghệ mới. Chính phủ cần thúc đẩy hệ thống này trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hydro hơn nữa để Hàn Quốc có thể đứng ngang hàng với những nước tiên tiến.


Xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách thúc đẩy nền kinh tế hydro


Ngày 11/2, Chính phủ đã phê duyệt quyết định miễn trừ các quy định cho việc lắp đặt các trạm nhiên liệu hydro, một trong những dự án đầu tiên của cơ chế “Khung thử nghiệm pháp lý”. Chính phủ cũng dự kiến phân bổ 42 tỷ won (khoảng 38 triệu USD) ngân sách năm nay để thúc đẩy nền kinh tế hydro, và con số này sẽ tăng lên 100 tỷ won (khoảng 90 triệu USD) trong 2020. Ngoài ra, Chính phủ còn có kế hoạch đầu tư 60 tỷ won (54 triệu USD) để phát triển công nghệ liên quan đến sản xuất và lưu trữ hydro trong năm tới. Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Giáo sư Kim Pil-soo đánh giá. 


Điều quan trọng nhất là cần phải tạo ra môi trường thử nghiệm cho các phương tiện chạy hydro tại Hàn Quốc. Con số 13 trạm nhiên liệu hydro trên cả nước là quá nhỏ. Chính phủ có kế hoạch xây dựng thêm 44 trạm và cung cấp 4.400 xe chạy nhiên liệu hydro trong năm nay. Trên hết, Chính phủ cần phải gỡ bỏ những rào cản pháp lý để xây dựng một xã hội hydro. Hàn Quốc đã đi sau các nước tiên tiến trên nhiều lĩnh vực trong 4, 5 thập niên qua. Tuy nhiên, các phương tiện chạy hydro có thể là cơ hội lớn giúp Hàn Quốc chuyển mình thành người tiên phong trên thị trường toàn cầu. Ngoài xe chạy bằng hydro, Chính phủ cũng cần thúc đẩy xe điện và xe hybrid là dòng xe chạy bằng cả xăng và điện như là những động lực tăng trưởng trước mắt và trung hạn, tạo ra sự cân bằng trong ngành công nghiệp ô tô. 


Hiện tại, Hàn Quốc có kế hoạch tăng số lượng xe nhiên liệu hydro từ 2.000 hiện nay lên 6,2 triệu chiếc vào năm 2040, và lắp đặt 1.200 trạm nhiên liệu hydro vào cùng thời điểm. Hy vọng những nỗ lực này của Chính phủ sẽ giúp tăng tốc lộ trình xây dựng một nền kinh tế hydro.

Lựa chọn của ban biên tập