Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Máy bay quân sự Nga-Trung xâm phạm không phận Hàn Quốc

2019-07-27

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 23/7, các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã liên tiếp xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc (KADIZ), thậm chí một số máy bay đã xâm phạm vào không phận gần đảo Dokdo. Ngay lập tức, quân đội Hàn Quốc đã huy động máy bay chiến đấu của Không quân, tiến hành bắn cảnh cáo. Vậy nhưng, Nga và Trung Quốc lại “vừa ăn cắp vừa la làng”, bác bỏ toàn bộ vụ việc, thậm chí còn cho rằng máy bay của Không quân Hàn Quốc đã đe dọa máy bay của các nước này.

 

Hành vi vi phạm

Vào lúc 6 giờ 44 phút sáng cùng ngày, hai máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng phòng Hàn Quốc từ phía Tây Bắc đảo Ieo, sau đó bay tiếp sang Vùng nhận dạng phòng không Nhật Bản (JADIZ). Các máy bay này bay lên phía Bắc, gặp hai máy bay ném bom TU-95 và một máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga tại phía Bắc ranh giới quân sự liên Triều trên biển Đông vào lúc 8 giờ 33 phút, rồi lại tiếp tục bay xuống phía Nam, một lần nữa tiến vào Vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc. Đặc biệt, máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga đã hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc ở gần đảo Dokdo, với thời gian bay xâm phạm kéo dài 7 phút. Không quân Hàn Quốc đã điều động khẩn cấp 18 máy bay chiến đấu, như máy bay chiến đấu F-15K và KF-16, tiến hành các biện pháp ngăn chặn. Trong lần xâm phạm thứ hai, máy bay A-50 của Nga chỉ chịu rời đi khi quân đội bắn cảnh cáo. Trước đó, máy bay chiến đấu của Không quân Hàn Quốc đã hơn 20 lần phát tín hiệu cảnh cáo đối với máy bay ném bom của Trung Quốc và hơn 10 lần với các máy bay của Nga, nhưng không được đáp lại. Trên đường quay trở về, các máy bay xâm phạm nói trên lại tiếp tục bay qua Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản cũng đã điều động máy bay chiến đấu để đối phó với hành vi xâm phạm. Có thời điểm, trên bầu trời khu vực xuất hiện tới 30 máy bay quân sự của 4 nước, tình thế hết sức nguy hiểm.

 

Biện pháp đối phó của Hàn Quốc và phản ứng của Nga và Trung Quốc

Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã truyền đạt thông điệp phản đối mạnh mẽ về vụ việc đến Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev. Thông điệp nêu rõ Seoul coi vụ việc lần này là hết sức nghiêm trọng, đề nghị Chính phủ Nga có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, tránh tái diễn hành vi tương tự. Một mặt, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu mời Đại sứ Trung Quốc tại Seoul Khâu Quốc Hồng tới để bày tỏ lập trường phản đối. Ngày 24/7, Phủ Tổng thống cho biết Phó Tùy viên Quân sự Đại sứ quán Nga tại Seoul đã bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc, cho rằng có thể do lỗi kỹ thuật mà máy bay quân sự của Nga đã tiến vào khu vực không được lên kế hoạch. Vậy nhưng sau đó, phía Nga lại đưa ra lập trường hoàn toàn khác. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã lần đầu tiến hành tuần tra chung trên không tầm xa với Không quân Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các máy bay quân sự của hai nước đã tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế liên quan, không hề xâm phạm không phận của nước khác. Thậm chí, Nga còn chỉ trích các phi công lái máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã cản trở đường bay, đe dọa sự an toàn của các máy bay quân sự nước này, hành động thiếu chuyên nghiệp và gây ra tình thế nguy hiểm. Trong khi đó, Trung Quốc thì lập luận rằng Vùng nhận dạng phòng không không phải là không phận của một quốc gia, nên có thể bay tự do. Về phần mình, chính quyền Mỹ đã bày tỏ lập trường ủng hộ biện pháp đối phó của Hàn Quốc và Nhật Bản với hành vi xâm phạm không phận của Nga và Trung Quốc, tái khẳng định cam kết hỗ trợ phòng thủ cho các đồng minh của mình.

 

Bối cảnh và tác động

Việc Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung trên không được phân tích là mang nhiều ý đồ khác nhau, nhằm xuyên thủng lỗ hổng trong nền tảng phối hợp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật, vốn đang bị lung lay do mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật, đồng thời đối phó với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong năm nay, máy bay quân sự của Trung Quốc đã 25 lần và máy bay của Nga đã 13 lần xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Dự báo, tình hình khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới sẽ càng trở nên căng thẳng hơn, ảnh hưởng từ một loạt các vấn đề như mâu thuẫn Hàn-Nhật, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, các nước Nga-Trung-Triều tăng cường phối hợp và sự đối đầu giữa Mỹ Trung.

Lựa chọn của ban biên tập