Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul

2019-07-27

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) diễn ra vào ngày 24/7, đại diện Hàn Quốc nhấn mạnh biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu của Nhật Bản với Hàn Quốc đã vi phạm quy định của WTO, đề xuất Tokyo đối thoại một cách công khai về vấn đề này. Trước đó, Nhật Bản cũng đã đơn phương đăng công báo sửa đổi Sắc lệnh quản lý thương mại xuất khẩu, có nội dung loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” gồm các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu, và kết thúc thu thập ý kiến về nội dung sửa đổi vào ngày 24/7.

 

Cuộc chiến ngoại giao tại WTO

Tại cuộc họp của Đại hội đồng WTO, đại diện Hàn Quốc khẳng định động thái trả đũa của Nhật Bản vi phạm rõ ràng quy định của Tổ chức thương mại thế giới, không hề liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. Qua đây, Seoul muốn gây sức ép với Tokyo tiến hành đối thoại giải quyết mâu thuẫn.

 

Trưởng phòng Chiến lược trật tự thương mại mới thuộc Bộ Công nghiệp thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Kim Seung-ho nhấn mạnh chính bởi các động thái trả đũa thương mại mang mục đích chính trị trong quá khứ đã dẫn tới sự ra đời của hệ thống thương mại đa phương ngày nay. Biện pháp trả đũa của Nhật Bản cuối cùng sẽ gây thiệt hại tới nhiều người tiêu dùng vô can. Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc đã không nêu ra căn cứ pháp lý cụ thể cho thấy Nhật Bản đã vi phạm quy định nào của WTO. Điều này được phân tích là nhằm để Tokyo không thể chuẩn bị chiến lược đối phó trước với Seoul trong quá trình khởi kiện sau này. Đại diện Kim nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì lập trường giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Trong cuộc họp tiếp theo của Đại hội đồng WTO được nối lại vào chiều cùng ngày, đại diện Hàn Quốc đã yêu cầu Đại sứ Nhật Bản tại Geneva Junichi Ihara chấp thuận đối thoại, nhưng quan chức này đã tránh đưa ra câu trả lời cụ thể. Tokyo lập luận rằng việc nước này siết chặt quy chế xuất khẩu là bởi lý do an ninh quốc gia, không phù hợp để thảo luận tại WTO. Đại sứ Nhật Bản cho rằng thương mại tự do không hề cho phép việc giao dịch không kiểm soát đối với các mặt hàng hoặc công nghệ nhạy cảm, có thể bị sử dụng vào mục đích quân sự. Trong cuộc họp này, không có bất kỳ nước thành viên WTO nào khác, kể cả Mỹ, nêu ra ý kiến, mà chỉ có cuộc “khẩu chiến” giữa hai nước Hàn-Nhật.

 

Tokyo kết thúc thời hạn thu thập ý kiến về sửa đổi Sắc lệnh quản lý thương mại xuất khẩu

Mặt khác, ngày 24/7 là thời hạn cuối cùng Chính phủ Nhật Bản thu thập ý kiến về dự thảo sửa đổi Sắc lệnh quản lý thương mại xuất khẩu. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày cho biết Seoul đã gửi thư bày tỏ quan điểm chính thức về dự thảo sửa đổi của Tokyo. Trong thư, Chính phủ Hàn Quốc tập trung nhấn mạnh về sự vô lý trong lập luận của Nhật Bản khi cho rằng Seoul thiếu quản lý nghiêm ngặt các vật tư chiến lược, lấy lý do hai bên không tổ chức thảo luận về vấn đề kiểm soát xuất khẩu để loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng”. Thư cũng nêu rõ rằng động thái của Tokyo đã vi phạm tinh thần và các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới. Được biết, phần lớn ý kiến mà Chính phủ Nhật Bản thu thập được đều tán thành việc loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng”. Sau quy trình thu thập ý kiến, dự thảo trên sẽ được xúc tiến thông qua tại cuộc họp Nội các, và có khả năng được thực thi từ trung tuần tháng 8. Ước tính, sẽ có khoảng 1.100 mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng của dự thảo sửa đổi này.

 

Chuyến thăm Hàn Quốc và vai trò trung gian của Cố vấn an ninh Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ có thể “can thiệp” vào mâu thuẫn Hàn-Nhật nếu đây là điều hai đồng minh mong muốn. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hàn-Nhật leo thang, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã có chuyến thăm Hàn Quốc, gặp gỡ Đại diện tại Quốc hội của đảng đối lập Hàn Quốc tự do Na Kyung-won, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong, Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa. Cố vấn Bolton đã liên tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Giờ đây, dư luận đang hướng sự chú ý tới các bước đi tiếp theo của Mỹ liên quan tới mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật, bên cạnh động thái khiêu khích trên biển Đông của máy bay quân sự Nga và Trung Quốc và tiến trình đối thoại hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập