Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Phản đối Nhật Bản dừng trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

2019-08-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau khi chính giới Nhật Bản gây sức ép khiến Ban tổ chức Triển lãm "Aichi Triennale 2019” ngày 4/8 phải ra quyết định dừng trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, một biểu tượng cho các nạn nhân bị cưỡng ép nô lệ tình dục thời chiến, làn sóng chụp ảnh theo tư thế của bức tượng để đăng lên mạng xã hội đang lan rộng trên toàn cầu, nhằm phản đối hành vi phi lý của Tokyo.


Dừng trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

Triển lãm "Aichi Triennale 2019” được coi là một lễ hội nghệ thuật quốc tế có quy mô lớn nhất Nhật Bản, được tổ chức ba năm một lần tại tỉnh Aichi. Trong sự kiện năm nay, Ban tổ chức đã mở một gian triển lãm với chủ đề “Phía sau Tự do ngôn luận?” (After Freedom of Expression?), trong đó trưng bày bức tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn nhân bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II. Vậy nhưng, bức tượng này đã hứng chịu sức ép toàn diện từ Chính phủ Nhật Bản ngay từ ngày đầu khai mạc hôm 1/8, cũng như sự phản đối kịch liệt của các thế lực bảo thủ nước này. Ba ngày sau lễ khai mạc, Tỉnh trưởng tỉnh Aichi Hideaki Omura, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức triển lãm, đã thông báo ngừng trưng bày bức tượng, đóng cửa cả gian triển lãm trên. Cho tới trước ngày bị đóng cửa, gian triển lãm đã thu hút rất nhiều du khách ghé thăm.

 

Tranh cãi và phản đối

Việc Nhật Bản dừng trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình” đã làm dấy lên sự phản đối gay gắt, không chỉ tại Hàn Quốc, mà còn trong giới văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản. Các tác giả Hàn Quốc tham gia triển lãm đã quyết định rút tác phẩm tham gia, nhằm thể hiện lập trường phản đối. Các tác giả cho rằng Ban tổ chức đang lấy cớ là vấn đề an toàn để ngừng trưng bày một tác phẩm “động chạm” tới Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe và các thế lực bảo thủ tại Nhật Bản. Hành động này đã làm tổn hại quyền tự do ngôn luận, là một bước lùi của chủ nghĩa dân chủ Nhật Bản. Trong khi đó, 72 tác giả tham gia sự kiện cũng đã ra tuyên bố, lên án mạnh mẽ hành vi can thiệp thô bạo, gây sức ép của Chính phủ Nhật Bản. Chưa hết, nhiều nghệ sĩ, nhà hoạt động nữ quyền quốc tế đã tự đóng vai “Thiếu nữ Hòa bình”, chụp ảnh theo tư thế của bức tượng và đăng lên mạng xã hội. Bức tượng này phác họa hình một thiếu nữ trẻ mặc trang phục truyền thống Hanbok trong tư thế ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, bên cạnh là một chiếc ghế bỏ trống.

 

Đặc biệt, truyền thông Nhật Bản cũng chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ và các thế lực bảo thủ của nước này, yêu cầu tiếp tục trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”.

 

Ý nghĩa

Việc dừng trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình” cho thấy Chính phủ Nhật Bản không chỉ trả đũa về mặt kinh tế với Hàn Quốc, mà còn đang lấn sang cả lĩnh vực văn hóa, sau phán quyết Tòa án tối cao Hàn Quốc vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Tokyo thậm chí còn chà đạp lên quyền tự do ngôn luận, nền tảng của chủ nghĩa dân chủ. Bất cứ ai nhìn vào đều có thể thấy đây là một hành vi tuyệt đối không thể chấp nhận của Nhật Bản. Có thể nói rằng Tokyo đang tự bêu rếu chính mình với cộng đồng quốc tế qua những hành vi trả đũa phi lýchống Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập