Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Căng thẳng Hàn-Nhật có dấu hiệu hạ nhiệt

2019-08-10

Tin tức

ⓒKBS News

Ngoài ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình, Nhật Bản vẫn chưa chỉ định thêm mặt hàng thuộc diện bị siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong khi đó, xuất hiện một tín hiệu tích cực là Tokyo đã phê chuẩn xuất khẩu một trong ba mặt hàng vật liệu trên sang Seoul, sau hơn một tháng bắt đầu siết chặt quy chế từ ngày 4/7. Theo đó, một số kiến nhận định mâu thuẫn Hàn-Nhật đang phần nào bớt căng thẳng hơn, trong khi các doanh nghiệp liên quan vừa kỳ vọng, lại vừa hết sức cảnh giác.

 

Quy tắc thi hành quy chế xuất khẩu

Chính phủ Nhật Bản ngày 7/8 đã đăng công báo luật sửa đổi có nội dung loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi xuất khẩu, đồng thời công bố Hướng dẫn thi hành cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay, Tokyo vẫn chưa chỉ định thêm mặt hàng nào khác thuộc diện bị siết chặt quy chế xuất khẩu sang Seoul. Có nghĩa là Nhật Bản chưa thực thithêm biện pháp nào khiến tình hình trở nên xấu hơn.

 

Bên cạnh đó, Tokyo vẫn duy trì chế độ “Cấp phép toàn diện đặc biệt” trong vòng ba năm đối với 857 mặt hàng phi nhạy cảm trong tổng số 1.120 mặt hàng vật tư chiến lược của nước này. Theo chế độ trên, doanh nghiệp xuất khẩu nếu được Chính phủ cấp chứng nhận “Chương trình tuân thủ tự nguyện” (CP) về quản lý xuất khẩu, thì sẽ được miễn quy trình “cấp phép riêng biệt”, có thể được “cấp phép toàn diện” trong thời hạn ba năm. Nói một cách đơn giản hơn, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc giao dịch với doanh nghiệp của Nhật Bản được nhận chứng nhận này, thì vẫn có thể được “cấp phép toàn diện” trong thời hạn ba năm, tương tự như khi Seoul vẫn nằm trong “Danh sách trắng” của Tokyo. Tất nhiên, số lượng mặt hàng được “cấp phép toàn diện đặc biệt” sẽ ít hơn, với quy trình cũng phức tạp hơn so với trước đây.


Nhật Bản cấp phép xuất khẩu

Trong bối cảnh đó, truyền thông đưa tin Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép xuất khẩu một trong số ba mặt hàng vật liệu thuộc diện bị siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc từ ngày 4/7. Về phần mình, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 8/8 cho biết, một ngày trước đó, Tokyo đã lần đầu cấp phép xuất khẩu mặt hàng chất cản tia cực tím sang Seoul. Hồi đầu tháng 7, Nhật Bản tuyên bố siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu thiết yếu trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Trong hơn một tháng qua, chưa có mặt hàng nào trong số ba vật liệu trên được xuất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Tokyo cũng xác nhận đã cấp phép xuất khẩu khí ăn mòn cho một nhà máy sản xuất chíp bán dẫn của hãng điện tử Samsung ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Trước đó, dư luận hết sức quan tâm tới việc Nhật Bản đăng thông báo hướng dẫn thi hành cụ thể, để xem xét các mặt hàng được bổ sung, để nắm rõ mức độ thiệt hại đối với ngành công nghiệp trong nước. Một điểm tích cực là lần này, Tokyo đã không chỉ định thêm mặt hàng nào, và vẫn duy trì chế độ “cấp phép toàn diện đặc biệt”. Vậy nên, ngoài lĩnh vực chíp bán dẫn và màn hình, không có thêm ngành nào khác hứng chịu thiệt hại từ quy chế mới của Nhật Bản. Việc Tokyo bắt đầu cấp phép với một trong số ba mặt hàng bị siết quy chế xuất khẩu cũng là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể an tâm rằng quy mô thiệt hại của các doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ dừng ở đây. Một quan chức Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên cho rằng chưa thể coi Nhật Bản đã kìm lại các bước đi trả đũa kinh tế với Hàn Quốc. Chính phủ và doanh nghiệp vẫn cần phải hết sức cảnh giác với các động thái tiếp theo của Tokyo.

 

Trong khi đó, chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia ngày 8/8, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh các động thái trả đũa của Nhật Bản không mang lại lợi ích nào cho người dân cũng như nền kinh tế của hai đất nước, đồng thời hối thúc Tokyo nhanh chóng rút lại các biện pháp phi lý của mình.

Lựa chọn của ban biên tập