Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bài phát biểu của Tổng thống nhân dịp Quốc khánh

2019-08-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Trong bài phát biểu chào mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc 15/8, Tổng thống Moon Jae-in đã nêu bật từ khóa “một quốc gia không bị lung lay bởi bất cứ thế lực nào”, thể hiện quyết tâm vượt qua Nhật Bản về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, Tổng thống cũng khẳng định Seoul sẵn sàng “bắt tay” nếu Tokyo lựa chọn con đường đối thoại, hợp tác, và xây dựng vì một cộng đồng Đông Á thương mại công bằng và hợp tác.


Bài phát biểu của Tổng thống

Trong bài phát biểu tại lễ mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2019), được tổ chức tại Bảo tàng độc lập Cheonan (tỉnh Nam Chungcheong), Tổng thống Moon nhấn mạnh, nền kinh tế quốc gia vẫn chưa thực sự đủ mạnh. Đặc biệt, đất nước vẫn đang trong tình trạng bị chia cắt, nên vẫn chưa thể thực sự vững vàng, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Để xây dựng “một quốc gia không bị lung lay bởi bất thế lực nào”, Tổng thống đề ra ba mục tiêu là “cường quốc kinh tế có trách nhiệm”, “quốc gia cầu nối đi tiên phong về hòa bình và thịnh vượng”, hoàn thành công cuộc giải phóng thông qua xây dựng nền kinh tế hòa bình, thống nhất dân tộc.

 

Về quan hệ Hàn-Nhật, Tổng thống khẳng định hai nước cần phải tiếp tục hợp tác về an ninh, kinh tế. Seoul và Tokyo không thể chỉ nhìn vào quá khứ, mà cần phải vượt lên trên quá khứ, hướng tới tương lai. Qua đây, Tổng thống đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ song phương hướng tới tương lai. Trong quá khứ, Nhật Bản đã gieo nhiều nỗi bất hạnh cho các quốc gia láng giềng. Do đó, Hàn Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ cùng với các nước nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực Đông Á trong tương lai.


Ý nghĩa

Bài phát biểu của Tổng thống thu hút được sự quan tâm lớn, bởi nó được coi là “thước đo” xác định phương hướng đối phó của Chính phủ trong mâu thuẫn Hàn-Nhật. Ban đầu, một số ý kiến cho rằng có khả năng Tổng thống sẽ đưa ra thông điệp cứng rắn phản đối Tokyo, khiến căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, Tổng thống đã không đưa ra bất cứ thông điệp chỉ trích gay gắt nào, mà tập trung nhấn mạnh về đối thoại, hợp tác và quyết tâm vượt lên trên Nhật Bản về kinh tế. Thông điệp mà Tổng thống muốn truyền tải đó là nhân vụ việc lần này, cần thay đổi nền tảng kinh tế, nhảy vọt trở thành một cường quốc về kinh tế đứng trên Nhật Bản. Đây chính là một giải pháp căn bản và mang tính dài hạn, có thể khắc phục được vấn đề hiện nay. Tổng thống cho rằng cần thật sự sáng suốt, tránh đối phó một cách cảm tính, vạch trần sự vô lý trong quyết định của Nhật Bản, hối thúcTokyo điều chỉnh, theo đuổi giải quyết vấn đề theo hướng ngoại giao.

 

Một số ý kiến trong phe cầm quyền đang nhắc tới việc tẩy chay tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo vào năm sau, nhưng Tổng thống đã bác bỏ điều này. Tổng thống cho rằng Thế vận hội Tokyo cùng với Thế vận hội PyeongChang năm 2018 và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, là ba kỳ thế vận hội liên tiếp lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Á. Đây là một cơ hội tuyệt vời để mở ra con đường thịnh vượng chung cho khu vực. Tổng thống hy vọng Thế vận hội Tokyo sẽ mang lại hy vọng về tình hữu nghị và hợp tác khu vực.

 

Triển vọng

Như vậy, giờ đây “trái bóng” đã được chuyền cho Nhật Bản. Khi đề cập đến Thế vận hội Tokyo, Tổng thống đã gửi đi một thông điệp ý nghĩa tới Nhật Bản. Trong khi đó, tại Nhật Bản,gần đây đang dấy lên một số ý kiến chỉ trích Chính phủ nước này, cho rằng cần phải xem xét lại các biện pháp trả đũa với Hàn Quốc. Có thể nói, giờ đây, Tokyo cũng đã bắt đầu hứng chịu thiệt hại từ làn sóng tẩy chay của người dân Hàn Quốc. Do đó, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Seoul và Tokyo cần phải giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Đặc biêt, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tiến hành một đợt cải tổ Nội các dựa trên kết quả bầu cử Thượng viện hồi tháng 7, thay thế Đại sứ tại Hàn Quốc. Dự kiến, trong thời gian tới, bộ máy quan chức ngoại giao và Chính phủ Nhật Bản sẽ có sự thay đổi. Đây có thể trở thành cơ hội tốt để cải thiện cục diện quan hệ Hàn-Nhật.

Lựa chọn của ban biên tập