Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bi quan về nền kinh tế

2019-08-31

Tin tức

ⓒYONHAP News

Trong tháng 8, chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp (BSI) Tòan ngành công nghiệp đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) thậm chí đạt mức thấp nhất trong vòng hai năm 7 tháng. Chỉ số niềm tin kinh doanh (ESI), nếu loại bỏ yếu tố biến động theo mùa, cũng đạt mức thấp kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Tòan cầu 2009.


Chỉ số lòng tin doanh nghiệp

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 29/8 công bố chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp (BSI) tháng 8. Theo đó, chỉ số BSI Tòan ngành công nghiệp đạt 69 điểm, giảm 4 điểm so với tháng trước. Như vậy, chỉ số BSI lại tiếp tục rơi khỏi ngưỡng 70 điểm, 6 tháng sau lần đạt 69 điểm hồi tháng 2 năm nay. BSI là chỉ số cho thấy nhận định của doanh nghiệp về nền kinh tế. Nếu chỉ số này dưới 100 điểm, có nghĩa là số doanh nghiệp nhận định bi quan về nền kinh tế, nhiều hơn số doanh nghiệp nhận định lạc quan.

 

Xét theo từng ngành, BSI của các doanh nghiệp chế tạo đạt 68 điểm, giảm 5 điểm, các doanh nghiệp phi chế tạo đạt 70 điểm, giảm 2 điểm. Đặc biệt, trong ngành chế tạo, chỉ số BSI của các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp chíp bán dẫn, đạt 72 điểm, giảm tới 11 điểm so với một tháng trước. Điều này cho thấy việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước.

 

BOK cho biết số doanh nghiệp nhận định bi quan về nền kinh tế có sự gia tăng, do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất linh kiện vừa và nhỏ ngày càng trở nên quyết liệt hơn, trong bối cảnh nhu cầu trong và ngoài nước sụt giảm. Ngoài ra, còn phải kể tới ảnh hưởng từ việc Tokyo tăng cường trả đũa kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, chỉ số BSI về triển vọng Tòan ngành công nghiệp trong tháng 9 lại tăng 1 điểm, thể hiện sự kỳ vọng phần nào của doanh nghiệp rằng nền kinh tế sẽ cải thiện hơn.

 

Tâm lý tiêu dùng xấu đi

Trong báo cáo “Xu hướng tiêu dùng tháng 8/2019”, do BOK công bố ngày 27/8, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) đạt 92,5 điểm, giảm 3,4 điểm so với một tháng trước. CCSI có mức tiêu chuẩn là 100 điểm, theo mức bình quân từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 12 năm 2018. Chỉ số này vượt ngưỡng 100 điểm cho thấy tâm lý tiêu dùng lạc quan. Trong trường hợp ngược lại là bi quan, có nghĩa là tín hiệu cho thấy tiêu dùng sẽ bị co hẹp. Chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp đã giảm 4 tháng liên tiếp, sau khi tăng lên mức 101,6 điểm tháng 4 năm nay. Mức điểm trong tháng 8 là mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017 (92,4 điểm).

 

Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI) về triển vọng tình hình chi tiêu, cho thấy nhận thức của người tiêu dùng về thực trạng tài chính hộ gia đình, đạt 89 điểm, giảm 3 điểm. Như vậy, cả 6 hạng mục cấu thành chỉ số CSI đều giảm so với tháng trước. BOK phân tích việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giá cổ phiếu giảm do sự đình trệ xuất khẩu và tỷ giá hối đoái tăng, đã tác động làm giảm chỉ số CSI.

 

Chỉ số niềm tin kinh doanh

Theo đó, chỉ số niềm tin kinh doanh (ESI), gộp chỉ số lòng tin của doanh nghiệp và chỉ số lòng tin người tiêu dùng (CSI), đạt 88,4 điểm, giảm 0,8 điểm. Đây là chỉ số ESI thấp nhất trong vòng hơn 6 năm qua, kể từ mức 87,9 điểm tháng 11 năm 2012. Nếu loại bỏ ảnh hưởng của các yếu tố biến thiên, như biến động theo mùa, thì chỉ số ESI tháng này đạt 89,7 điểm, giảm 0,6 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua, sau mức 87,2 điểm tháng 5 năm 2009, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính Tòan cầu.

 

Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc ngày 29/8 đã xây dựng xong dự thảo ngân sách năm 2020 với quy mô 513.500 tỷ won (423,1 tỷ USD), tăng 9,3% so với năm nay, gấp hơn hai lần dự báo tỷ lệ tăng trưởng danh nghĩa là 3,8%, nhằm đối phó với các yếu tố rủi ro có thể kéo nền kinh tế đi xuống. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki giải thích trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc phát huy tích cực vai trò của ngân sách sẽ giúp phục hồi lộ trình tăng trưởng trong dài hạn.

Lựa chọn của ban biên tập