Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tokyo chính thức loại Seoul ra khỏi “Danh sách trắng”

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-09-02

© YONHAP News

Hạn chế xuất khẩu đối với hầu hết các mặt hàng trừ gỗ và thực phẩm. Tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản


Ngày 28/8, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng”, gồm các quốc gia đối tác chiến lược của Tokyo được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu. Đây được xem như đòn trả đũa kinh tế thứ hai của Tokyo đối với Seoul, sau biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình hiển thị, gồm khí ăn mòn, chất cản màu và nhựa nhiệt dẻo từ hồi đầu tháng 7. 

Theo đó, có tới 1.120 mặt hàng được chỉ định là vật tư chiến lược, cần phải xin giấy phép của Chính phủ Tokyo trước khi xuất khẩu sang Seoul. Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản nếu muốn xuất khẩu các mặt hàng này sang Hàn Quốc sẽ phải xin giấy phép 6 tháng một lần, thay vì 3 năm một lần như trước đây. Thời gian thẩm định hồ sơ sẽ kéo dài 90 ngày, thay vì một tuần như đối với các quốc gia nằm trong Danh sách trắng. Ngay cả những vật tư phi chiến lược có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự cũng phải tuân theo hệ thống kiểm định mới. Vấn đề nằm ở chỗ việc phân loại vật tư chiến lược và phi chiến lược, cũng như quy trình phê duyệt hồ sơ xuất khẩu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dẫn giải riêng từ phía Tokyo. Dự kiến thủ tục nghiêm ngặt hơn sẽ giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Kim Gwang-seok, chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích về biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Tokyo và những tác động của nó tới nền kinh tế Hàn Quốc. 


Sau các quy định xuất khẩu mới của Tokyo đối với các lô hàng xuất khẩu sang Seoul, một số nhà sản xuất Hàn Quốc có thể bị giảm lợi nhuận, hoặc phải hoàn trả vốn đầu tư do cơ cấu chi phí sản xuất tăng. Với họ, vấn đề cấp bách hiện nay là tìm kiếm nguồn nhập vật liệu thay thế. Đây là một quá trình rất tốn kém. Biện pháp siết chặt xuất khẩu mở rộng sang các vật liệu hóa chất và máy móc công nghệ cao sẽ tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc như chíp bán dẫn, pin, ô tô và nền kinh tế hydro. 


Khả năng Tokyo tiếp tục mở rộng các biện pháp trả đũa?


Theo khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc đối với 1.000 doanh nghiệp lớn trong nước, trung bình những người được hỏi dự đoán biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo sẽ khiến doanh thu của họ giảm 2,8%, và lợi nhuận kinh doanh giảm 1,9%. Hàn Quốc hiện đang phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản ở các mặt hàng máy móc chính xác sử dụng trong quá trình sản xuất ô tô và tàu, như sợi các-bon để sản xuất bình đựng khí hydro cho xe ô tô chạy bằng pin nhiên liệu, và vật liệu công nghệ cao. Nếu gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các vật liệu này từ Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn sản xuất. Các chuyên gia trong ngành đang chú ý xem liệu Tokyo có thể áp dụng các biện pháp trả đũa bổ sung. Ông Kim Gwang-seok lý giải. 


Nhật Bản có thể trả đũa Hàn Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Sau khi Seoul quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, Tokyo có thể xếp Hàn Quốc là một nước có khả năng gây chiến. Nhật Bản có thể khiến căng thẳng leo thang hơn nữa thông qua các cuộc tập trận quân sự xung quanh đảo Dokdo, nơi hai nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Về mặt kinh tế, Tokyo có thể mở rộng các mục tiêu kiểm soát xuất khẩu sang nhiều nguyên liệu hơn, hoặc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Seoul, tương tự cách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực thi đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Nhật Bản cũng có thể làm phức tạp hóa thủ tục chuyển tiền để ngăn cản các công ty Hàn-Nhật giao dịch, hoặc tăng cường các tiêu chuẩn cấp thị thực để giảm trao đổi nhân lực giữa doanh nghiệp hai nước. 


Hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể là cơ hội cho Hàn Quốc


Tokyo có thể đang nghe ngóng phản ứng của Seoul và điều chỉnh mức độ trả đũa. Để đối phó với tình hình, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách tự chủ về mặt công nghệ, và đặc biệt chú ý đến 159 mặt hàng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biện pháp siết chặt xuất khẩu của Tokyo. Chính phủ cũng sẽ chi hơn 5.000 tỷ won (4 tỷ USD) để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp vật liệu nội địa trong vòng ba năm, kể từ năm 2020. Với các biện pháp này, Hàn Quốc hy vọng có thể biến những bất lợi hiện nay thành lợi thế. Ông Kim Gwang-seok khuyến nghị. 


Về trung và dài hạn, Hàn Quốc cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, ngoài Nhật Bản, để giảm sự phụ thuộc thương mại vào một quốc gia cụ thể. Hiện tại, ngành công nghiệp chế tạo là ngành dễ bị tổn thương nhất bởi biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo. Do đó, một sự cải thiện cơ cấu trong ngành sẽ củng cố nền tảng cơ bản của nền kinh tế Hàn Quốc. Về lâu dài, cuộc khủng hoảng có thể biến thành cơ hội cho Hàn Quốc, đặc biệt là khi Chính phủ đang thúc đẩy sản xuất và nội địa hóa các linh kiện, vật liệu và thiết bị.


Thiệt hại cho chính nền kinh tế Nhật Bản


Các biện pháp của Chính phủ không thể giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều. Nhưng nếu Hàn Quốc cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vật liệu từ Nhật Bản và tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, đó sẽ là cơ hội cho ngành sản xuất nội địa đạt một bước tiến mới. Ngoài ra, Seoul cũng có thể giảm bớt nhập siêu từ Tokyo lên tới 24 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó vật liệu, linh kiện và thiết bị chiếm tới 93%. Hàn Quốc có thể đảo ngược xu hướng, tự cung tự cấp trong lĩnh vực công nghệ cao. Giáo sư Kim Gwang-seok đánh giá. 


Hiện nay, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng sản xuất trong các ngành công nghiệp của Hàn Quốc, nhưng cũng làm giảm xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc. Lượng du khách giữa hai nước cũng sẽ giảm. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn Hàn Quốc vì Tokyo đang đạt thặng dư thương mại với Seoul. Thặng dư thương mại thu hẹp đáng kể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản và các doanh nghiệp nước này sẽ mất đi một thị trường xuất khẩu khổng lồ. Trên thực tế, Nhật Bản đang ở giai đoạn khó khăn hơn Hàn Quốc. Sau hai thập kỷ mất mát, Tokyo có thể sẽ phải hứng chịu thêm một thập kỷ suy thoái. Trong khi những người theo dõi ngành công nghiệp cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Seoul vẫn ở mức 2%, thì Tokyo đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm. 


Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau để đối phó với nguy cơ Nhật Bản có thể kéo dài các biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu. Đồng thời, Seoul cũng bảy tỏ lập trường mạnh mẽ trong đối thoại với Tokyo. Càng kéo dài các hạn chế xuất khẩu, thiệt hại cho hai nền kinh tế càng lớn. Đối thoại hẳn là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp. Hai nước nên ngồi lại đàm phán, nỗ lực bình thường hóa quan hệ song phương.

Lựa chọn của ban biên tập