Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chuyện Rằm tháng 8 trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-09-11

Âm điệu ngàn xưa


Trông trăng nhớ cha

Để giúp cha thoát khỏi cảnh mù loà, nàng Sim Cheong trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) đã quyết định quên sinh, reo mình xuống biển Indangsu. Thật may mắn, nhờ Ngọc Hoàng Thượng đế phù hộ, Sim Cheong đã thoát nạn, kết hôn với Thiên tử và trở thành Hoàng hậu. Dù thân phận đổi thay, sống trong nhung lụa, nhưng nàng vẫn luôn đau đáu nghĩ về người cha già yếu, không người chăm sóc nơi quê nhà, cộng thêm nỗi buồn đau vì nghĩ rằng con gái đã qua đời… Ngước nhìn bầu trời thu trong tâm trạng rối bời, thấy đàn ngỗng trời nối đuôi nhau bay lượn trên không trung, nàng thầm ước mình cũng có đôi cánh để bay về ngay bên cha. Nhưng với thân phận là Mẫu nghi thiên hạ trong cung cấm, không thể tự do ra ngoài thành, Sim Cheong chỉ còn biết than thở một mình. Trích đoạn Chuwolmanjeong (Thu nguyệt mãn đình) trong trường ca có đoạn:

Ánh trăng thu tràn ngập khoảng sân, len lỏi qua bức mành san hô

Một con ngỗng trời mắt lệ nhòa, sải cánh trên bầu trời sáng dịu ánh trăng


Đây là trích đoạn được nhiều người yêu thích. Những dòng thư đẫm lệ viết xong, cũng là lúc bóng hình đàn ngỗng trời không còn dấu tích. Sim Cheong chỉ còn biết nức nở dưới trăng thu trong nỗi nhớ cha khôn nguôi. 


Mùa thu tiết trời mát mẻ. Lúa chĩu bông, cây trái đầy cành, như đền đáp cho nỗi nhọc nhằn của người nông dân trong những ngày nắng cháy lưng, mồ hôi nhễ nhại. Tiết thu khiến lòng người cũng trở nên thư thái, mãn nguyện, hạnh phúc tràn trề. Chẳng thế mà người Hàn Quốc có câu rằng “Không cần hơn, cũng chẳng cần kém, chỉ cần đầy đặn như trăng Rằm tháng Tám”. Ngắm ánh trăng Rằm, lòng người bỗng trở nên thư thái, nhưng cũng khiến cho kẻ tha hương thêm nhớ bậc sinh thành, người thân và quê hương, bản quán. Sống gần nhau, có lúc vui khi buồn, lúc thỏa mãn, khi lại thầm trách cứ. Vậy mà lúc xa nhau, lâu lâu không nhận được tin tức của nhau, thì lại thấy nhớ và đôi khi còn ân hận rằng giá mà khi đó mình đã đối xử tốt hơn với người ta thì giờ đâu đến nỗi không phải canh cánh như thế này. Ngày nay, cho dù chúng ta có điện thoại di động, có internet, nhưng sự nuối tiếc vì không được ở cùng người thân trong những thời khắc quý giá, cũng chẳng khác mấy nỗi nhớ cha da diết của nàng Sim Cheong khi xưa. Thời nay, đường phố sáng đèn thâu đêm, có mấy ai để ý tới ánh trăng hay các vì sao trên bầu trời. Trăng Rằm tháng Tám là Mặt trăng to, đầy và rạng rỡ nhất trong năm. Hy vọng quý vị và các bạn sẽ dành lấy một vài phút ngắm trăng và gửi lòng biết ơn tới những người mình yêu quý, nhất là các đấng sinh thành


Chia s, nét đp văn hóa truyn thng Hàn Quc

Lễ tết không phải là dịp phong lưu viên mãn với tất cả mọi người. Đặc biệt, với những người nghèo khó, gia cảnh bần hàn thì có lẽ lễ tết còn khiến cho họ thêm tủi, thêm nặng gánh cuộc đời. Ví như trong lúc nhà nhà tất bật, người thì giã gạo, kẻ thì làm bánh để chuẩn bị đón Tết Trung thu, thì hũ gạo nhà người em Heungbo trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), lại hoàn toàn trống rỗng. Dù gì thì cũng là ngày tết nhất, không nỡ để đàn con đói, thế nên vợ chồng nhà người em Heungbo đã hái bầu trên nóc nhà xuống, tính nạo lấy ruột cầm cự cơn đói cho bọn trẻ. Vợ chồng người em Heungbo vừa tủi lại vừa mừng. Cũng may là xuân vừa rồi, đàn chim én đã tha hạt bầu về cho họ, và cũng thật cảm ơn là giàn bầu cho trái to núc ních. Vợ chồng Heungbo chắc mẩm, chí ít thì lũ trẻ cũng được một bữa no. Nhưng khi trái bầu vừa được cắt làm đôi, thì từ ruột quả bầu nào là rương thóc, rương tiền đầy ắp, không ngừng tuôn ra. Vợ chồng người em Heungbo mừng rỡ nhảy múa, gọi bà con nghèo trong xóm đến chia cho tiền, chia cho thóc và rằng trước đây nhờ có sự giúp đỡ đùm bọc của bà con lối xóm mà họ mới sống được tới ngày hôm nay. Giờ đây, khi vận may mỉm cười, vợ chồng nghe không quên ân nghĩa xưa mà chia ngọt xẻ bùi cùng bà con lối xóm. Người Việt Nam có câu “Ở hiền gặp lành”, nên có lẽ là dù nghèo đói hay giàu sang, vì vợ chồng gia đình người em Heungbo luôn chia sẻ với đời, thì nay mới được “phát lộc phát tài” như vậy. 


* Trích đoạn Chuwolmanjeong (Thu nguyệt mãn đình) / Seong Chang-sun

Chương 2 Dalmaji (Đón trăng), trong nhc phm Dalmuri (Vng hào quang cMt trăng) / Jeong Dae-seok (đàn tranh 6 dây Geomungo)

* Trích đoạn “Cưa bầu” trong trong trưng ca hát k chuyn Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Anh Suk-seon và Nam Sang-il 

Lựa chọn của ban biên tập