Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

BOK giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,25%

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-10-21

© YONHAP News

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm


Trong bối cảnh đáng lo ngại về gia tăng suy thoái kinh tế, ngày 16/10, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức 1,25%, thấp nhất trong hai năm qua, cũng là lần cắt giảm thứ hai trong năm sau lần đầu tiên vào tháng 7. Trước đó, tháng 6 năm 2016, BOK đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức 1,25% rồi lần lượt tăng 0,25% hai lần vào tháng 11 năm 2017 và tháng 11 năm ngoái. Quyết định này dựa trên sự lo ngại nền kinh tế quốc gia đang tăng trưởng chậm lại. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Tiến sĩ Kim Wan-joong từ Viện nghiên cứu tài chính Hana phân tích về diễn biến xung quanh quyết định điều chỉnh lãi suất của BOK. 


Do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế Hàn Quốc, việc cắt giảm lãi suất được xem là không thể tránh khỏi. BOK từng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2019 là 2,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của năm nay có nguy cơ giảm xuống còn 2%. Tệ hơn nữa, giá tiêu dùng đã ghi nhận con số tiêu cực gần đây, dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát. Vì vậy, đã có nhiều lời kêu gọi Chính phủ áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ tích cực hơn.


Dấu hỏi về tính hiệu quả của biện pháp cắt giảm lãi suất


Trong cuộc họp báo ngày 16/10, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol cho biết nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không dễ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 2,2% như dự báo hồi tháng 7, do suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài và ngành công nghiệp bán dẫn không mấy sáng sủa. Bên cạnh đó, tiêu dùng tháng 9 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo nguy cơ giảm phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về tác động của cắt giảm lãi suất. Ông Kim Wan-joong lý giải. 


Các nhà phân tích đang đặt dấu chấm hỏi về tính hiệu quả của việc cắt giảm lãi suất, viện dẫn tới các vấn đề cố hữu của nền kinh tế Hàn Quốc như phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, và chịu ảnh hưởng mạnh từ sự biến động của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nếu kinh tế toàn cầu trì trệ, khó có thể trông đợi cắt giảm lãi suất sẽ giúp cải thiện tiêu dùng và đầu tư. Bên ngoài, Hàn Quốc đang chịu tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng không thực sự cảm nhận được tác động của cắt giảm lãi suất trước tình trạng lãi suất thấp kéo dài, và một số cảnh báo về “bẫy thanh khoản” (liquidity trap). Để việc cắt giảm lãi suất thực sự hiệu quả, Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách tài khóa mở rộng, tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính. Chính phủ cũng nên giảm bớt các quy định để cải cách cơ cấu công nghiệp.


Tác động của cắt giảm lãi suất đến thị trường bất động sản 


Mục đích của cắt giảm lãi suất là kích thích việc bơm thêm tiền vào thị trường. Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc của nền kinh tế Hàn Quốc, rất khó kích thích tiêu dùng và đầu tư chỉ nhờ cắt giảm lãi suất. Dù lãi suất giảm, song nếu các bất ổn kinh tế kéo dài, doanh nghiệp sẽ không đầu tư, và cá nhân vẫn chi tiêu ít hơn. Thêm vào đó, lãi suất thấp có khả năng làm tăng nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản. Tiến sĩ Kim Wan-joong nhận định.


Lãi suất cơ bản dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian, nên có nhiều suy đoán cho rằng tiền sẽ đổ nhiều hơn vào thị trường bất động sản khiến giá nhà đất tăng trở lại. Tuy nhiên, do các quy định chặt chẽ, rất khó mua nhà dựa vào các khoản vay từ Chính phủ. Do đó, tôi không nghĩ sẽ có một lượng tiền khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản sau lần giảm lãi suất này. Nhiều chuyên gia dự đoán hệ thống giá trần với căn hộ trả trước sẽ khiến thị trường căn hộ mới co lại. Giá nhà đất đang chịu áp lực tăng giá do nhu cầu tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Seoul, gia tăng. Dù thanh khoản trên thị trường khá dồi dào do lãi suất giảm, song không dễ để tìm ra một lĩnh vực đầu tư phù hợp trong bối cảnh hiện nay.


Khả năng Hàn Quốc hạ lãi suất xuống 0%?


Người ta thường tin rằng cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vay, dẫn đến nhu cầu bất động sản tăng, đẩy giá nhà tăng theo. Tuy nhiên, lãi suất ở Hàn Quốc vẫn ở mức thấp trong một thời gian dài, và Chính phủ vẫn duy trì các quy định cho vay chặt chẽ. Do đó, rất ít khả năng lãi suất giảm sẽ khiến lượng tiền đổ nhiều hơn vào thị trường bất động sản. Xét tới việc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, BOK có thể tiếp tục hạ lãi suất một lần nữa. Tuy nhiên, quan trọng là mức giảm bao nhiêu. Một số dự đoán cho rằng tỷ lệ lãi suất có thể hạ xuống dưới 1% để giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế. Ông Kim Wan-joong đánh giá. 


Khác với Mỹ hoặc Anh, đồng tiền của Hàn Quốc không phải là đơn vị tiền tệ giao dịch quốc tế. Nói cách khác, dù Seoul cắt giảm lãi suất xuống mức thấp cũng chưa chắc mang lại hiệu quả, và mức này vẫn có thể cao hơn lãi suất của các nền kinh tế lớn. Do đó, BOK không thể hạ lãi suất cơ bản một cách triệt để dù có thể cắt giảm bổ sung. Tôi cho rằng Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ hạ lãi suất tối đa từ một đến hai lần, do hoài nghi về tác động của chính sách này cùng vấn đề cơ cấu kinh tế và tài chính cũng như nguy cơ dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường. BOK sẽ không cắt giảm lãi suất đến mức âm, biện pháp mà ngân hàng trung ương Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) từng áp dụng, nhưng cũng có khả năng cắt giảm xuống còn 0%. 


Nếu cắt giảm một lần nữa, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 1%, mức thấp kỷ lục. Rõ ràng, quyết định lãi suất của Ngân hang trung ương Hàn Quốc trong tương lai sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập