Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng thống phát biểu trước Quốc hội

2019-10-26

Tin tức

ⓒKBS News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/10 đã có bài phát biểu trước Quốc hội, giải trình về dự thảo ngân sách năm tài khóa 2020, kêu gọi Quốc hội phối hợp thông qua nhanh dự thảo. Đồng thời, Tổng thống cũng đề ra tầm nhìn điều hành quốc gia trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Những từ khoá trong bài phát biểu của Tổng thống là “công bằng”, “đổi mới”, “bao trùm” và “hòa bình”. Ông Moon cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xúc tiến cải cách.


Nội dung chính

Liên quan tới dự thảo ngân sách năm 2020, Tổng thống nhấn mạnh vai trò của tài chính. Ông nêu rõ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang khiến nền kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng. Nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc lớn vào thương mại, cũng đang ở tình thế nghiêm trọng. Việc mở rộng ngân sách năm sau không phải là một lựa chọn mà là điều bắt buộc. Tổng thống phân tích ngân sách phải đóng vai trò như một “đập chắn sóng” giúp giảm nhẹ các cú sốc từ bên ngoài, vừa phải tiếp thêm nguồn lực cho nền kinh tế quốc gia.

 

Quy mô dự thảo ngân sách năm sau mà Chính phủ trình lên Quốc hội là 513.500 tỷ won (438 tỷ USD), tăng 9,3% so với năm nay, cao gấp đôi triển vọng tăng trưởng kinh tế danh nghĩa là 3,8%. Trong bài phát biểu, Tổng thống bác bỏ một số ý kiến lo ngại về nền tảng kinh tế Hàn Quốc. Ông Moon khẳng định với quy mô ngân sách năm sau như trên, tỷ lệ nợ quốc gia của Hàn Quốc trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng không vượt quá 40%, vẫn ở mức thấp so với tỷ lệ bình quân 110% của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong báo cáo gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá Hàn Quốc, Đức, Hà Lan là những quốc gia có tiềm lực tài chính đầy đủ để mở rộng chi tiêu ngân sách, đối phó với các vấn đề của nền kinh tế.

 

Cải cách vì công bằng, đổi mới, bao trùm, hòa bình

Điều dư luận quan tâm hơn cả là việc Tổng thống đề ra tầm nhìn điều hành quốc gia trong nửa cuối nhiệm kỳ. Tới tháng 11 này, ông Moon đã đi hết nửa chặng đường cầm quyền. Trong bài phát biểu, Tổng thống đặc biệt nhấn mạnh vấn đề công bằng xã hội. Ông đánh giá trong thời gian qua, Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe những ý kiến đa dạng từ người dân, và sẽ tiếp tục cải cách quyết liệt hơn nữa vì công bằng xã hội. Công bằng phải trở thành nền tảng của xã hội thì mới có thể đạt được các mục tiêu khác về đổi mới, bao trùm, hòa bình. Từ “công bằng” đã được Tổng thống đề cập tới 27 lần. Điều này cho thấy đây sẽ là một thước đo quan trọng trong quá trình điều hành quốc gia của Tổng thống Moon trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Trong đó, Tổng thống đặt trọng tâm vào cải cách giáo dục và Viện Kiểm sát, hai lĩnh vực được cho là liên quan tới các nghi ngờ xoay quanh cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Đồng thời, Tổng thống nêu quyết tâm cải cách các cơ quan quyền lực để xây dựng xã hội công bằng cho người dân.

 

Phản ứng và triển vọng

Bài phát biểu trước Quốc hội của Tổng thống sau khi ông Cho Kuk xin từ chức Bộ trưởng Tư pháp được dư luận hết sức quan tâm. Trước đó, bất chấp hàng loạt nghi ngờ xoay quanh các thành viên gia đình ông Cho và sự phản đối quyết liệt của phe đối lập, Tổng thống vẫn quyết định bổ nhiệm ông này làm Bộ trưởng Tư pháp. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên, Tổng thống không trực tiếp đề cập tới vụ bê bối của ông Cho, chỉ nhấn mạnh công bằng xã hội và cải cách Viện Kiểm sát.

 

Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành vỗ tay hoan nghênh nội dung phát biểu của Tổng thống, trong khi các đảng đối lập bảo thủ thì giơ hai tay làm ký hiệu hình chữ X để tỏ ý phản đối. Tổng thống đề cập tới việc “lắng nghe”, “kiểm điểm” về ý kiến, yêu cầu của người dân, bày tỏ hy vọng hội đàm với Chủ tịch các đảng, khởi động cơ chế thảo luận thường trực về công tác điều hành quốc gia giữa Chính phủ và chính giới như đã cam kết, nhấn mạnh về một nền chính trị hợp tác. Tuy nhiên, đảng Hàn Quốc tự do, đảng đối lập lớn nhất Quốc hội, lại chỉ trích đây là một bài phát biểu đầy tuyệt vọng. Đặc biệt, đảng này cho rằng việc Tổng thống xúc tiến thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng là để thiết lập một cơ quan bảo vệ cho chính quyền đương nhiệm. Do đó, cục diện chính giới Hàn Quốc thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục trạng thái đối đầu căng thẳng.

Lựa chọn của ban biên tập