Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Thủ tướng Hàn-Nhật hội đàm mở ra hy vọng giải quyết căng thẳng song phương

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-10-28

© YONHAP News

Quan hệ Hàn-Nhật khủng hoảng sau khi Tokyo siết chặt hạn chế xuất khẩu


Đã hơn 100 ngày kể từ khi Nhật Bản bắt đầu siết chặt quy định xuất khẩu vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Mặc dù các biện pháp này không gây hậu quả quá nghiêm trọng cho Seoul, song căng thẳng và sự bất định của quan hệ Hàn-Nhật vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, dư luận đổ dồn sự chú ý vào cuộc gặp mới nhất giữa Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhân dịp ông Lee tham dự lễ đăng cơ của Nhật hoàng ngày 24/10, kéo theo hy vọng giảm căng thẳng giữa hai nước. Đây là cuộc đối thoại cấp cao nhất giữa hai nước từ sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến vào tháng 10 năm ngoái. Ban đầu, cuộc gặp giữa hai Thủ tướng được mô tả là “cuộc nói chuyện”, nhưng sau đó đã chuyển thành “cuộc họp”. Đôi bên đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác trong cuộc họp kéo dài 21 phút thay vì 10 phút như lịch trình ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước chỉ tái khẳng định lập trường của nhau là Seoul và Tokyo cần giữ đúng cam kết giữa đôi bên, và đề cập tới Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965. Điều này cho thấy hai nước vẫn còn khoảng cách lớn về lập trường quan điểm. Mặc dù vậy, cuộc gặp vẫn được coi là động lực để hai nước tái khởi động các cuộc đối thoại đang bị đình trệ. Giáo sư Kim Gwang-seok từ khoa Nghiên cứu quốc tế, hệ sau Đại học, trường Đại học Hanyang, phân tích bối cảnh và ý nghĩa đằng sau cuộc gặp gần đây của hai nhà lãnh đạo.


Quan hệ Hàn-Nhật đã đóng băng nhanh chóng từ tháng 7 sau động thái trả đũa kinh tế của Tokyo là siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình. Hàn Quốc đã gửi đặc phái viên cấp cao đến Nhật Bản, nỗ lực tìm kiếm biện pháp phù hợp để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, Tokyo đã đi quá xa khi loại Seoul ra khỏi “Danh sách Trắng” các quốc gia hưởng ưu đãi xuất khẩu của nước này vào ngày 28/8. Đáp lại, Seoul cũng chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, đưa căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm.


Hàn Quốc đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản


Xung đột ngoại giao giữa Seoul và Tokyo đã lan sang lĩnh vực kinh tế, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Kim Gwang-seok lý giải. 


Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc đã làm co hẹp tâm lý kinh doanh tại Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc mở rộng đầu tư. Seoul đã và đang chuẩn bị các biện pháp đối phó với việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Cụ thể, Chính phủ đã chọn ra 159 loại vật liệu công nghiệp chịu quản lý đặc biệt và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp thay thế trong và ngoài nước. Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ cấp nhà nước cho các doanh nghiệp bị đội chi phí do thay thế nhà cung cấp. Nói tóm lại, Seoul đang nỗ lực để giảm nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng. 


Doanh nghiệp Nhật Bản cũng chịu gánh nặng lớn


Từ tháng 7 đến ngày 9/10, Nhật Bản chỉ cho phép 7 lô hàng vật liệu công nghiệp bị hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc. Chỉ số chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) ngay lập tức giảm hơn 4% cho thấy phản ứng tiêu cực của các doanh nghiệp và thị trường Hàn Quốc. Không ngồi yên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chuyển sang tự sản xuất các bộ phận và nguyên liệu vốn phụ thuộc chủ yếu vào Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ chi hơn 1,8 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ sản xuất các bộ phận, vật liệu và thiết bị nội địa. Các quy chế xuất khẩu của Tokyo đang thúc đẩy Seoul sản xuất các nguyên liệu và phụ tùng công nghiệp quan trọng nhờ chuỗi cung ứng nội địa. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về việc gián đoạn sản xuất khi nguyên liệu dự trữ trong kho cạn kiệt. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định. 


“Hai thập kỷ mất mát” của Nhật Bản đang có nguy cơ biến thành “ba thập kỷ mất mát”. Theo báo cáo tháng 10 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,5% vào năm 2020. Điều này cho thấy nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục gặp thách thức. Sau đòn trả đũa kinh tế của Tokyo, người dân Hàn Quốc đã tẩy chay các sản phẩm và du lịch Nhật Bản. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản hiện đang tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc các nhà cung cấp trong nước. Vì vậy, Tokyo gặp khó khăn vì đã mất đi một đối tác lớn như Seoul. 


Tương lai quan hệ hai nước sau cuộc hội đàm?


Xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc đã giảm 10,8% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản cùng thời điểm chỉ giảm 4,2%. Do chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang diễn ra tại Hàn Quốc, xuất khẩu của Tokyo sang Seoul đã giảm mạnh trong hai tháng qua, với thặng dư thương mại giảm 25,5%. Thêm vào đó, Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc ước tính Nhật Bản đã thiệt hại 300 triệu USD doanh thu du lịch trong tháng 7 và tháng 8 do khách du lịch Hàn Quốc đến nước này giảm mạnh trong những tháng mùa hè. Trong bối cảnh hiện nay, dư luận đang rất chú ý xem mối quan hệ hai nước có thể tiến triển sau cuộc gặp của hai Thủ tướng hay không. Ông Kim Gwang-seok đánh giá. 


Tôi hình dung ra viễn cảnh Tokyo yêu cầu Seoul nối lại Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, đồng thời có thể gợi ý giảm căng thẳng về các vấn đề lịch sử và chính trị. Về phần mình, Hàn Quốc có thể yêu cầu Nhật Bản rút lại quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” và các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Hai nước có thể từng bước chia sẻ quan điểm để tìm kiếm thỏa hiệp. Tất nhiên, hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận trong “một sớm một chiều” do xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nếu thỏa hiệp tiến triển, ít nhất xung đột giữa hai nước sẽ không trở nên trầm trọng hơn. 


Điều đáng mừng trong cuộc gặp ngày 24/10, Thủ tướng Hàn-Nhật đã nhất trí tiếp tục trao đổi để giải quyết mâu thuẫn. Seoul và Tokyo cần nỗ lực khôi phục mối quan hệ và tìm kiếm lối thoát trước khi tình hình trở nên quá muộn. 

Lựa chọn của ban biên tập