Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

SOS Lab – nhà phát triển cảm biến LiDAR lai (hybrid) cho xe tự lái

#Doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế Hàn Quốc l 2019-11-11

© SOS Lab

Nhận Giải thưởng sản phẩm mới xuất sắc nhất tại KES 2019. Khởi nguồn từ Viện khoa học và công nghệ Gwangju (GIST)


Trong những tuần qua, chúng ta đã tìm hiểu một số doanh nghiệp triển vọng đã tỏa sáng tại Triển lãm điện tử Hàn Quốc (KES) 2019, và vinh dự nhận Giải thưởng sáng tạo KES (KES Innovation Award). Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu doanh nghiệp cuối cùng trong chuỗi nội dung này. Đó là SOS Lab, nhà sản xuất cảm biến LiDAR lai cho xe tự lái, chủ nhân giải thưởng Sản phẩm mới xuất sắc nhất (Best New Product). Trong công nghệ xe tự lái, máy tính cần nhận dạng điều kiện đường sá và môi trường xung quanh một cách hoàn hảo. Thiết bị quan trọng thực hiện nhiệm vụ này gọi là LiDAR, cảm biến phát hiện, đo khoảng cách dựa trên ánh sáng. Đây là hệ thống phát hiện các vật ở môi trường xung quanh, sau đó phác thảo bản đồ 3D (3D map) sử dụng các chùm tia laser có bước sóng ánh sáng ngắn. LiDAR có thể xây dựng một bản đồ 3D dễ hiểu với máy tính. Đặc biệt, thiết bị này có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, và còn được ví von như “con mắt” của xe tự lái. Hầu hết các mẫu cảm biến LiDAR trên thị trường đều dựa vào kiến trúc quay động cơ. Chúng không thích hợp cho xe tự lái vì khó đảm bảo chất lượng sau nhiều năm. Trong khi đó, cảm biến LiDAR trạng thái rắn (solid-state) của SOS Lab dựa trên công nghệ bán dẫn, đảm bảo độ bền, độ nén và có giá cạnh tranh so với các loại LiDAR truyền thống. Giám đốc Jeong Ji-seong của SOS Lab chia sẻ về lịch sử của công ty. 


Công ty được thành lập tháng 6 năm 2016 bởi 4 nghiên cứu sinh với hơn 15 năm nghiên cứu về công nghệ LiDAR tại Viện khoa học và công nghệ Gwangju (GIST). Năm ngoái, công ty đã nhận được khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 6 triệu USD. Chúng tôi hiện có 45 nhà nghiên cứu, trong đó có 12 tiến sĩ. Tôi cho rằng SOS Lab là nhà phát triển LiDAR lớn nhất Hàn Quốc. Khi làm việc tại GIST, tôi đã tham gia một số nhóm nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp để phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, khi sản phẩm được thương mại hóa, thì người nghiên cứu lại không được tham gia sản xuất. Chính vì lý do này, chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu nên đồng thời phát triển và sản xuất công nghệ của mình. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng thị trường các phương tiện tự lái sẽ rộng mở hơn trong tương lai gần. Vì vậy, chúng tôi quyết định bắt đầu kinh doanh riêng. 


Một tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực LiDAR lai 


SOS Lab đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ các phương tiện truyền thông quốc tế tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2019, triển lãm công nghệ thông tin và điện tử lớn nhất thế giới. Nhà nghiên cứu thị trường LEDinside đã gọi SOS Lab là một trong bốn công ty hàng đầu về LiDAR gây tiếng vang lớn tại Triển lãm CES năm nay, cùng ba tên tuổi lớn khác là Velodyne, Quanergy và Innoviz. Vậy bí mật đằng sau thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc này là gì? Giám đốc Jeong Ji-seong tiết lộ.


Để tăng độ chính xác của bản đồ, LiDAR cần tăng số lượng laser. Cảm biến LiDAR mới nhất của công ty Velodyne (Mỹ) đã sử dụng 128 chùm tia laser để tăng độ phân giải, yếu tố cực kỳ quan trọng của việc định vị và an toàn trong xe tự lái. Tuy nhiên, nhờ công nghệ quét lai (hybrid), sản phẩm của chúng tôi có thể tạo hiệu ứng tương tự 40 hoặc 80 chùm laser với chỉ một nguồn laser. Đây là điểm mạnh của chúng tôi. Hiện nay, các mẫu LiDAR trên thị trường rất đắt đỏ, lên tới 9.000 USD cho một cảm biến. Để được sử dụng rộng rãi trên xe, giá thành sản phẩm nên hạ xuống dưới 450 USD/cảm biến. Nhà sản xuất bắt buộc phải thay đổi kết cấu để giải quyết vấn đề này. Đó cũng là điều cần thiết để đơn giản hóa quá trình sản xuất. LiDAR quét lai của chúng tôi có thể là giải pháp cho vấn đề trên. 


© SOS Lab

Kế hoạch sản xuất hàng loạt của SOS Lab 


SOS Lab đã phát triển cảm biến LiDAR quét lai, kết hợp các ưu điểm của phương thức quét (scanning) với loại gương MEMS trạng thái rắn. Hệ thống cơ điện tử và công nghệ MEMS không quá tốn kém, giúp cảm biến nhỏ gọn, dễ dàng sản xuất hàng loạt hơn. Được điều khiển bởi một động cơ quay, cảm biến LiDAR lai cung cấp góc mở rộng. Thiết bị cũng nhỏ gọn, có thể dễ dàng đặt trên ô tô với thời gian bảo hành 15 năm và hành trình lên tới 300.000 km. Đặc biệt, thiết bị này có giá cả rất phải chăng. Giá LiDAR trong giai đoạn thử nghiệm lên tới 90.000 USD, nhưng hiện giờ đã hạ xuống còn 9.000 USD, tức là bằng một phần 10 giá thành trước đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô hy vọng giá LiDAR trong tương lai chỉ ở mức 100 USD, nhỏ hơn và vẫn giữ được hiệu suất cao. Đối mặt với thách thức này, sản phẩm LiDAR sáng tạo của SOS Lab dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình phổ biến công nghệ xe tự lái. Giám đốc Jeong Ji-seong chia sẻ thêm.


Chúng tôi đã thử nghiệm LiDAR trên phương tiện tại Hàn Quốc và sẽ thử nghiệm tại nước ngoài vào năm tới. Các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô phải cùng nhau nghiên cứu cách áp dụng sản phẩm vào ô tô. Tôi cho rằng quá trình này sẽ mất hai năm. Tức là chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm sau hai, ba năm tới. Ngoài LiDAR cho ô tô, chúng tôi đang sản xuất LiDAR cho mục đích công nghiệp. Chúng tôi đã phát triển sản phẩm thay thế cho các mặt hàng của Nhật Bản từ mùa hè năm ngoái. Các thiết bị này đang được kiểm tra chất lượng giai đoạn cuối. Nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ có thể sản xuất hàng loạt các cảm biến mới, cung cấp cho các nhà máy bán dẫn trong nước để thay thế các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Chúng tôi đang chờ đợi thành công của sản phẩm này.


Mục tiêu trở thành nhà cung cấp LiDAR toàn cầu 


SOS Lab đã được cấp bằng sáng chế cho cảm biến LiDAR quét lai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang phát triển các sản phẩm sử dụng cho tự động hóa nhà máy, rô-bốt tự động, máy bay không người lái, hệ thống an ninh phát hiện chướng ngại vật. Mục tiêu của công ty là trở thành nhà phát triển LiDAR nổi bật nhất thế giới. Ông Jeong Ji-seong nhận định.


Chúng tôi mong muốn sản xuất cảm biến LiDAR có giá cả phải chăng với số lượng lớn để sản phẩm này có thể lắp đặt trên tất cả các loại xe. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ công nghệ xe tự lái tiên tiến một cách kinh tế và đáng tin cậy. Công nghệ xe tự lái của chúng tôi hướng đến thị trường toàn cầu. Một thông tin đáng mừng là các công ty ô tô Hàn Quốc như Hyundai và Mando đã kêu gọi đầu tư hoặc hợp tác với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu. Do đó, nếu chúng tôi phát triển LiDAR chất lượng tốt nhất cho xe ô tô tự lái tại Hàn Quốc, chúng sẽ có thể được sử dụng trên thị trường toàn cầu. Không bằng lòng với thành quả đã đạt được, chúng tôi sẽ dồn nhiều tâm huyết để phát triển cảm biến LiDAR tốt nhất thế giới dành cho xe tự lái. 


Vượt qua giới hạn của các cảm biến LiDAR trước đây, SOS Lab đã đưa ra một mô hình cảm biến LiDAR mới. Doanh nghiệp được chờ đợi sẽ tiếp tục phát triển và trở thành nhà sản xuất LiDAR hàng đầu thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập