Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Báo cáo kết quả nghiên cứu Hàn-Trung-Nhật về bụi nhỏ

2019-11-23

Tin tức

ⓒKBS News

Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (NIER) thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 20/11 công bố báo cáo sơ lược kết quả "Nghiên cứu chung quốc tế về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa khu vực Đông Bắc Á". Theo nghiên cứu này, một nửa lượng bụi siêu nhỏ PM 2.5 (các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm) tại Hàn Quốc phát sinh do các yếu tố trong nước, 32% bay đến từ Trung Quốc.

 

Kết quả nghiên cứu

Báo cáo trên phân tích những yếu tố gây phát sinh bụi siêu nhỏ tại các thành phố lớn của ba quốc gia, ở Hàn Quốc là Seoul, Busan và Daejeon. Theo đó, 51% bụi nhỏ tại Hàn Quốc phát sinh do các yếu tố trong nước, 49% do các yếu tố bên ngoài. Trong đó, 32% là do ảnh hưởng từ Trung Quốc, 2% từ Nhật Bản, còn lại là ảnh hưởng từ Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, và các nước Đông Nam Á.

 

6 thành phố lớn thuộc đối tượng phân tích của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Thanh Đảo, Thẩm Dương, và Đại Liên. Trong đó, 91% lượng bụi siêu nhỏ tại Trung Quốc phát sinh do yếu tố trong nước, 2% do ảnh hưởng từ Hàn Quốc và 1% từ Nhật Bản. Ba thành phố Nhật Bản được đưa vào đối tượng nghiên cứu là Tokyo, Osaka, và Fukuoka. Kết quả là 55% lượng bụi siêu nhỏ tại Nhật Bản phát sinh do các yếu tố trong nước, 25% từ Trung Quốc và 8% từ Hàn Quốc.

 

Các nhà khoa học của ba nước đã tiến hành theo dõi từ năm 2000 đến 2017 và nhận thấy nồng độ bụi nhỏ (PM 10), bụi siêu nhỏ, lưu huỳnh điôxít, nitơ ôxít trong không khí ở cả ba nước đều giảm trong khoảng thời gian này. Đặc biệt, nếu so với năm 2015, nồng độ bụi siêu nhỏ bình quân năm ngoái của Hàn Quốc đã giảm 12%, Trung Quốc giảm 22%. Với Nhật Bản, nồng độ bụi siêu nhỏ năm 2017 đã giảm 12 % so với năm 2015.

 

Quá trình nghiên cứu

Các chuyên gia của ba nước Hàn-Trung-Nhật xúc tiến nghiên cứu chung về bụi nhỏ từ năm 2000 và đến năm nay lần đầu phát hành thành báo cáo. Ban đầu, báo cáo được dự kiến phát hành vào năm ngoái, nhưng do mâu thuẫn ý kiến với Trung Quốc nên thời điểm phát hành đã bị lùi lại. Khi đó, Bắc Kinh cho rằng từ năm 2013, nước này đã triển khai chính sách giảm bụi nhỏ trên diện rộng, giúp giảm được đáng kể lượng vật chất gây ô nhiễm không khí. Do vậy, kết quả nghiên cứu cần phản ánh cả những số liệu mới nhất. Sau đó, nhóm nghiên cứu Hàn-Nhật đã tích cực thuyết phục phía Trung Quốc. Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc Cho Myung-rae và Bộ trưởng Môi trường sinh thái Trung Quốc Lý Cán Kiệt đã nhất trí phát hành báo cáo nghiên cứu chung này trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Hàn-Trung-Nhật.

 

Số liệu công bố trong báo cáo này là số liệu bình quân tính theo năm, dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ba nước. Trên thực tế, nếu chia thành từng thời điểm cụ thể, thì tháng 12 tới tháng 3 là khoảng thời gian nồng bộ bụi nhỏ ở mức cao nhất. Trong khoảng thời gian này, mức độ ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể lên tới 70%. Do vậy, một số ý kiến chỉ trích báo cáo này mang đậm màu sắc chính trị, nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc đối với vấn nạn bụi nhỏ khu vực Đông Bắc Á.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra

Bất chấp một số hạn chế, có thể coi báo cáo này là xuất phát điểm cho hợp tác Hàn-Trung-Nhật trong đối phó với bụi nhỏ. Đặc biệt, việc Trung Quốc đồng ý công bố báo cáo cho thấy nước này sẽ chia sẻ trách nhiệm với các nước về vấn đề bụi nhỏ trong khu vực. Giám đốc Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Chang Yoon-seok đánh giá việc Trung Quốc thừa nhận đã gây ảnh hưởng tới 30% nồng độ bụi nhỏ tại Hàn Quốc mang ý nghĩa rất lớn. Báo cáo này sẽ là tài liệu khoa học quý giá cho hợp tác giữa các quốc gia nhằm cải thiện chất lượng không khí Đông Bắc Á. Các chuyên gia đánh giá không thể xem nhẹ những yếu tố ảnh hưởng từ các nước khác như Bắc Triều Tiên hay Mông Cổ. Do vậy, ngoài hợp tác Hàn-Trung-Nhật, Chính phủ phải tích cực tham gia cơ chế hợp tác với các quốc gia láng giềng nhằm nâng cao tối đa hiệu quả giảm bụi nhỏ.

Lựa chọn của ban biên tập