Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực với Bắc Triều Tiên

2019-12-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/12 phát biểu Washington có thể sử dụng biện pháp quân sự với Bắc Triều Tiên. Ngay lập tức, miền Bắc đáp trả bằng tuyên bố sẽ hành động tương ứng nếu Mỹ sử dụng vũ lực với nước này. Trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều vẫn đang bế tắc, khẩu chiến giữa hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Khẩu chiến Mỹ-Triều

Trong chuyến thăm London (Anh) dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Trump để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Ông Trump còn gọi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là “Gã tên lửa” (Rocketman). Cụm từ này đã từng được ông Trump sử dụng khi căng thẳng Mỹ-Triều leo thang trong quá khứ. Lãnh đạo Nhà Trắng còn khoe khoang rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đã được nâng lên đáng kể sau khi ông nhậm chức Tổng thống. Mặc dù Mỹ hy vọng không phải dùng tới biện pháp quân sự, nhưng Washington sẽ không còn lựa chọn nào khác thấy nếu thấy đây là giải pháp cần thiết.

 

Ngay sau đó, ngày 4/12, Bắc Triều Tiên ra tuyên bố dưới danh nghĩa Tổng tham mưu trưởng quân đội Pak Jong-chon, cảnh báo nếu Mỹ sử dụng vũ lực với Bình Nhưỡng dưới bất cứ hình thức nào, thì nước này cũng sẽ nhanh chóng hành động tương. Ngày 5/12, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Mỹ. Bà Choe nhấn mạnh nếu đây là lời nói bộc phát thì không sao, nhưng nếu là động thái khiêu khích đã được Tổng thống Mỹ lên kế hoạch từ trước nhắm vào Bắc Triều Tiên, thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác.

 

Ý nghĩa

Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên sau khi Bắc Triều Tiên liên tiếp có những phát ngôn gây sức ép với Washington. Trước đó, miền Bắc nhiều lần đơn phương đề cập tới thời hạn cuối năm nay của đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều. Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ xem xét thái độ của Mỹ để lựa chọn “món quà Giáng sinh” cho nước này, để ngỏ khả năng tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu Mỹ không thay đổi quan điểm.

 

Đặc biệt, gần đây Bắc Triều Tiên còn đề cập tới “hướng đi mới”. Ngày 3/12, Chủ tịch Kim Jong-un đã cùng các quan chức cấp cao trong quân đội cưỡi ngựa lên thăm núi Baekdu. Chủ tịch miền Bắc thường lui tới nơi này mỗi khi chuẩn bị đưa ra một quyết định quan trọng. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm báo hiệu miền Bắc sắp sửa có sự thay đổi lớn về quân đội, chuyển sang đường lối đối đầu cứng rắn với Mỹ.

 

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Mỹ đề cập tới khả năng sử dụng vũ lực mang hàm ý cảnh cáo Bình Nhưỡng không được vượt quá giới hạn, và sẽ tới lúc Bộ Quốc phòng Mỹ thay Bộ ngoại giao giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Như vậy, cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đều đang đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự.


Triển vọng

Dù khẩu chiến gay gắt, nhưng hai nước Mỹ-Triều vẫn ngầm thể hiện hy vọng nối lại đối thoại. Cụ thể, Tổng thống Donald Trump vẫn nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong-un, và miền Bắc cũng có những thông điệp tương tự. Hiện tại, cả hai nước Mỹ-Triều đều mong mỏi nhanh chóng đạt tiến triển đối thoại. Do đã tự đặt ra thời hạn là cuối năm, nên Bắc Triều Tiên không thể để thời hạn này trôi qua vô ích. Trong khi đó, Tổng thống Trump đang đối mặt với cuộc luận tội trong nước nên rất cần đạt được một tiến triển mang tính bước ngoặt trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Mặc dù căng thẳng Mỹ-Triều ngày càng leo thang, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng đây có thể là dấu hiệu hai nước sắp nối lại đối thoại. Tuy nhiên, trong trường hợp Bắc Triều Tiên và Mỹ không đạt được bước đột phá nào, thì tình hình bán đảo Hàn Quốc sẽ ngày càng mù mịt, có thể rơi vào nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Lựa chọn của ban biên tập