Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ảnh hưởng từ Brexit tới nền kinh tế Hàn Quốc

2020-02-01

Tin tức

ⓒYONHAP News

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã trở thành sự thật. Dư luận đang hết sức quan tâm tới những tác động của Brexit tới nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu của Hàn Quốc. Mặc dù tiến trình Brexit có thể trở thành một yếu tố tiêu cực, gia tăng bất ổn trong môi trường thương mại, nhưng hiện tại Hàn Quốc đã thiết lập được các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng, nên dự kiến tác động của Brexit tới xuất khẩu chỉ ở mức hạn chế.

 

Brexit

Nước Anh rời khỏi EU nghĩa là từ nay, London sẽ đi một con đường độc lập với EU ở khía cạnh thương mại, những hiệp định thương mại ký kết với EU trước đó sẽ không áp dụng với Anh. Nói cách khác, sự kiện này mang tính chất xây dựng lại biên giới, hàng rào thuế quan giữa Anh và Liên minh châu Âu. Những hàng hóa từng được thông quan nhanh chóng trước đây sẽ bị vướng bởi hàng rào thuế quan, dẫn tới tình trạng hàng hóa “xếp hàng dài”.

 

Trước đây, hàng hóa Hàn Quốc từng di chuyển tự do từ Anh sang các nước châu Âu. Nhưng bây giờ, hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Anh là riêng Anh, sang EU riêng EU, mọi thứ sẽ được tách biệt. Hàng hóa sẽ phải đi theo các đường riêng, trải qua các quy trình khác nhau, tốn nhiều thời gian hơn, gia tăng chi phí về kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực thương mại. So với trước đây, tiến trình này không tránh khỏi ảnh hưởng mạnh tới trật tự thương mại và kinh tế của Hàn Quốc và toàn thế giới.

 

Đối phó với Brexit bằng FTA Hàn-Anh

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà quan hệ giữa Hàn Quốc và Anh sẽ thay đổi ngay lập tức. Trước tiên, vẫn còn thời gian thực hiện Brexit từ nay tới cuối năm. Thứ hai, Hàn Quốc và Anh đã nhất trí lập biện pháp đối phó.

 

Anh và EU thiết lập thời hạn thực hiện Brexit là cuối năm 2020. Từ nay tới lúc đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-EU vẫn có thể được áp dụng trong xuất nhập khẩu hàng hóa với Anh. Ngoài ra, Anh và EU có thể thảo luận để kéo dài thêm thời gian thực hiện Brexit. Khi đó, thời gian áp dụng FTA Hàn-Anh cũng có thể kéo dài theo.

 

Hiện tại, Hàn Quốc và Anh đã nhất trí đưa FTA Hàn-Anh có hiệu lực ngay sau khi thời hạn thực hiện Brexit kết thúc. Sau khi London quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, hai nước đã bắt tay ngay vào đàm phán FTA, sau đó đạt được thỏa thuận vào tháng 6 năm ngoái, ký kết hiệp định tháng 8, và hoàn tất quy trình phê chuẩn tại Quốc hội vào tháng 10 cùng năm. Thời hạn hiệu lực của hiệp định dự kiến là ngày 1 tháng 1 năm 2021. Tuy nhiên, nếu thời gian thực hiện Brexit được kéo dài thì thời hạn hiệu lực sẽ chậm hơn.

 

FTA Hàn-Anh áp dụng ưu đãi thuế quan tương tự FTA Hàn-EU. Theo đó, hàng rào thuế quan với tất cả các mặt hàng công nghiệp vẫn được xóa bỏ. Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sang Anh các mặt hàng chính như phụ tùng ô tô mà không bị đánh thuế. Về vấn đề xuất xứ hàng hóa, Hàn Quốc vẫn có thể sử dụng nguyên vật liệu tại khu vực EU để sản xuất hàng hoá mà vẫn được công nhận xuất xứ trong khu vực với thời hạn ba năm. Xuất khẩu hàng hóa tới Anh thông qua EU vẫn được công nhận là vận chuyển trực tiếp. Như vậy, vẫn chưa có sự thay đổi đặc biệt nào ngay lập tức về thương mại giữa Hàn Quốc và Anh.

 

Triển vọng và vấn đề

Chính phủ Hàn Quốc cho biết dù tiến trình Brexit chính thức diễn ra, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn được duy trì thông qua FTA Hàn-Anh. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình đàm phán giữa Anh và EU, rà soát tổng hợp mức độ ảnh hưởng để chủ động đối phó. Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) nhận định do có sự thay đổi về thông quan, tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận, nên sẽ có thể xảy ra một vài hỗn loạn. Do vậy, Chính phủ cần kiểm tra kỹ những ảnh hưởng tới doanh nghiệp, theo dõi xu hướng đàm phán Anh-EU, đàm phán cải thiện FTA với Anh, không để chi phí của doanh nghiệp gia tăng do tiến trình Brexit.

Lựa chọn của ban biên tập