Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Một năm sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội

2020-02-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 27/2 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hội đàm tại Hà Nội, nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Trước đó, bầu không khí đối thoại Mỹ-Triều đã được nhen nhóm nhân sự kiện Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên sau thất bại của hội đàm Hà Nội, bầu không khí hòa giải Mỹ-Triều đã “bốc hơi”, quan hệ liên Triều cũng rơi vào trạng thái đóng băng.

 

Thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội

Cuộc hội đàm tại Hà Nội tháng 2 năm ngoái là cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước, nối tiếp cuộc gặp đầu tiên vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore. Khi đó, dư luận quốc tế kỳ vọng lãnh đạo hai bên sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên và bước đi tương ứng của Mỹ. Tuy nhiên, hội nghị đã chấm dứt mà không đạt được thỏa thuận nào. Kết cục này đã được dự đoán từ trước. Phía Mỹ chủ trương phải đạt được một thỏa thuận lớn, phi hạt nhân hóa hoàn toàn, còn Bắc Triều Tiên lại yêu cầu Washington dỡ bỏ cấm vận trước với nước này. Trước hội nghị, Washington và Bình Nhưỡng đã tổ chức đàm phán cấp chuyên viên và cấp cao, nhưng không thu hẹp được bất đồng ý kiến. Rốt cuộc, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Bắc Triều Tiên dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân bí mật khác ngoài cơ sở Yongbyun, trong khi Chủ tịch Kim Jong-un chỉ chủ trương phá dỡ cơ sở Yongbyun, và đổi lại, Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, không có bên nào chấp thuận yêu cầu của đối phương. Giới phân tích chỉ ra rằng phương pháp đàm phán theo kiểu “Top-Down”, tức từ cấp lãnh đạo thượng đỉnh xuống cấp chuyên viên, còn nhiều mặt hạn chế.

 

Một năm không tiến triển

Sau thất bại của hội đàm Hà Nội, Bắc Triều Tiên đơn phương đưa ra thời hạn đàm phán với Mỹ là tới cuối năm 2019, yêu cầu Washington đề xuất một “cách tính toán mới”. Tháng 6 năm ngoái, lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã có cuộc hội đàm tại Bàn Môn Điếm nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Tổng thống Donald Trump. Nhưng cuộc gặp này chỉ dừng lại ở một sự kiện mang tính biểu tượng. Tháng 10 cùng năm, Mỹ và Bắc Triều Tiên tổ chức hội đàm cấp chuyên viên tại Stockholm, Thụy Điển, nhưng tiếp tục không đạt được nhất trí.

 

Sau đó, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt động thái khiêu khích nhằm gây sức ép với Mỹ, như phóng tên lửa tầm ngắn, thực hiện một vụ “thử nghiệm trọng đại”, được phỏng đoán là thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên khi đó, Tổng thống Donald Trump đang mải tập trung vào các vấn đề nội bộ như đối phó với vụ luận tội của phe đối lập, chuẩn bị cho chiến dịch tái đắc cử, mối uy hiếp từ Iran, nên vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên không còn được ưu tiên. Trong một năm qua, Bắc Triều Tiên cũng tỏ ra lạnh nhạt với đối thoại liên Triều, quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc gần như đóng băng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hầu như không có cơ hội phát huy vai trò trung gian trong đối thoại phi hạt nhân hóa.

 

Một năm sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Washington và Bình Nhưỡng quay về trạng thái đối đầu như trước, không hề có thêm tiến triển nào mới trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

 

Triển vọng

Dự kiến quan hệ Mỹ-Triều sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng hiện nay trong thời gian ngắn. Ngay từ đầu năm 2020, dịch corona-19 đã càn quét toàn thế giới. Mỹ cũng đã chính thức bước vào cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống. Cả ba nước Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ đều không có “tâm trí” để tập trung cho vấn đề hạt nhân miền Bắc. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng cục diện sẽ thay đổi trong nửa cuối năm nay nếu dịch corona-19 được kiểm soát sớm, Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 trở thành nhân tố mới tương tự Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc năm 2018.

 

Chính phủ Hàn Quốc đang thể hiện quyết tâm xúc tiến các dự án hợp tác liên Triều, như tuyến du lịch khách lẻ tới miền Bắc, kết nối đường sắt, đường bộ liên Triều, nhằm tìm ra bước đột phá cho đối thoại xuyên biên giới. Một điểm tích cực là mặc dù Bắc Triều Tiên cảnh báo sẽ phóng vũ khí trong năm mới, nhưng tới thời điểm hiện tại, nước này vẫn đang tỏ ra khá im ắng. Trong khi đó, Mỹ cũng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với miền Bắc. Trước đó, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố sẽ “đột phá toàn diện” khỏi cục diện cấm vận của cộng đồng quốc tế với nước này, đối phó với khả năng sẽ bị cấm vận kéo dài. Dù có nhiều động thái khiêu khích, nhưng nước này vẫn chưa vượt qua “giới hạn cuối cùng” mà Mỹ đưa ra, đó là phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như chưa bày tỏ phản đối các dự án hợp tác liên Triều mà Chính phủ Hàn Quốc đang xúc tiến. Tuy nhiên, chỉ khi nào cục diện tranh cử Tổng thống Mỹ được hé lộ, thế giới mới có thể kỳ vọng về tiến triển trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập