Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính phủ công bố gói hỗ trợ khẩn cấp” cho các hộ gia đình do dịch COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-04-06

ⓒ YONHAP News

Gói hỗ trợ thiên tai khẩn cấp quy mô 7.100 tỷ won 


Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ theo hình thức “Gói hỗ trợ khẩn cấp” cho người dân để đối phó với những khó khăn kinh tế do dịch COVID-19, một động thái chưa từng có tiền lệ. Tuần này, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, sẽ phân tích liệu gói hỗ trợ khẩn cấp có giúp thúc đẩy tiêu dùng trì trệ trong nước hay không.


Trong phiên họp thứ ba của Hội đồng kinh tế khẩn cấp do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì tuần trước, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1 triệu won (807 USD) cho mỗi hộ gia đình 4 thành viên trở lên với nhóm 70% hộ gia đình thu nhập thấp (theo thứ tự từ trên xuống trên tổng số hộ gia đình cả nước). Mức hỗ trợ sẽ giảm đối với các hộ gia đình ít thành viên hơn, cụ thể là 400.000 won (323 USD) với gia đình một thành viên, 600.000 won (484 USD) với gia đình hai thành viên, và 800.000 won (646 USD) với gia đình ba thành viên. Hình thức hỗ trợ là phiếu mua hàng và tiền điện tử có kỳ hạn. Dịch COVID-19 đã buộc Chính phủ phải hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân. Đây là lần đầu tiên Chính phủ phải phát hành tiền mặt, phản ánh khủng hoảng nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Chính phủ lý giải ba mục đích của gói hỗ trợ khẩn cấp là hỗ trợ sinh kế cộng đồng, kích thích tiêu dùng và an ủi người dân. 


Nhiều nước hỗ trợ tiền mặt cho người dân trước dịch COVID-19


Theo kế hoạch do Chính phủ công bố ngày 30/3, 70% hộ gia đình trên toàn quốc (hơn 36 triệu người) sẽ được hưởng viện trợ tổng quy mô 9.100 tỷ won (7,4 tỷ USD). Trên thực tế, Hàn Quốc không phải nước duy nhất hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Nhiều nước trên thế giới đang có động thái tương tự, như một phần nỗ lực đối phó với sụp đổ kinh tế do dịch COVID-19 bùng phát. Trong tháng 2, Hong Kong đã hứa cung cấp cho mỗi cư dân thường trú trên 18 tuổi khoản hỗ trợ 10.000 HKD (khoảng 1.290 USD). Ngày 12/3, Chính phủ Australia tiết lộ kế hoạch cung cấp 750 AUD (450 USD) cho người dân có thu nhập thấp. Tại Mỹ, nơi có số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng chóng mặt, Tổng thống Donald Trump đã ký gói cứu trợ khổng lồ 2.200 tỷ USD, theo đó mỗi người trưởng thành sẽ được nhận 1.200 USD. Ông Trump còn kêu gọi thêm 2.000 tỷ USD để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng quốc gia. Nếu dự luật được thông qua, Mỹ sẽ đổ 4.300 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng, gần bằng ngân sách liên bang hàng năm của nước này (4.800 tỷ USD). Tương tự, Nhật Bản cũng có kế hoạch công bố các biện pháp kinh tế khẩn cấp, bao gồm cả chi tiêu tiền mặt trong tháng này. 


Hiệu quả kinh tế của các khoản hỗ trợ tài chính của Chính phủ?


Trước tốc độ lây nhiễm chóng mặt của COVID-19, các quốc gia đã áp đặt hạn chế di chuyển để ngăn chặn virus lây lan. Kinh tế thu hẹp đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến biến động rộng khắp chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, dịch bệnh đã gây tổn thất nặng nề cho Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Các ngành công nghiệp du lịch, hàng không, vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp; còn các đơn vị sản xuất ô tô, màn hình hiển thị, smartphone đang chịu gián đoạn do một loạt các nhà máy phải đóng cửa. Trung bình 9 trên 10 doanh nghiệp cá thể sụt giảm về doanh số, 30% cửa hàng tạm thời phải đóng cửa do lượng khách giảm. Câu hỏi đặt ra là liệu hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ có giải quyết được khủng hoảng do dịch COVID-19 hay không. Ông Lee In-chul lý giải. 


Khoản cứu trợ thiên tai khẩn cấp 9.100 tỷ won tương đương 0,5% GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm ngoái (1.913.000 tỷ won (1.550 tỷ USD)).  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki lý giải phiếu mua hàng sẽ khiến người dân chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trên thực tế, ngân sách bổ sung do Chính phủ kêu gọi là phiếu mua hàng cho các hộ gia đình thu nhập thấp, giảm bớt gánh nặng chi trả bảo hiểm xã hội. Các đối tượng này cũng đủ điều kiện nhận tiền từ gói hỗ trợ khẩn cấp, nên hiệu quả chi tiêu sẽ lớn hơn. Thông thường, hỗ trợ ngân sách 10.000 tỷ won (8,1 tỷ USD) sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 0,2%. Theo dự báo kinh tế của các cơ quan tài chính trong và ngoài nước, Hàn Quốc có thể tăng trưởng âm trong năm nay do thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19. Khi đó, gói cứu trợ khẩn cấp sẽ có tác động đáng kể trong việc kích thích nền kinh tế. 


Chìa khóa là việc gây quỹ cho các quỹ cứu trợ thiên tai 


Hỗ trợ tiền mặt được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình thu nhập thấp, hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Tiền hỗ trợ trước mắt sẽ có lợi cho các chủ cửa hàng nhỏ, hộ kinh doanh, sau đó chảy vào các doanh nghiệp lớn để tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế đạo đức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang lo ngại về tính lành mạnh tài chính. Giám đốc Lee In-chul cho biết.


Điều quan trọng là làm thế nào đảm bảo tài chính cần thiết cho gói hỗ trợ khẩn cấp. Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ gánh vác theo tỷ lệ 8:2. Chính phủ cho biết sẽ tiết kiệm chi tiêu ngân sách năm nay để trang trải một phần cho gói cứu trợ, nhưng phải phát hành thêm trái phiếu thì mới đủ. Chính phủ đã quyết định phát hành hơn 10.000 tỷ won (8,1 tỷ USD) trái phiếu Nhà nước để trang trải cho ngân sách bổ sung. Trái phiếu được coi là nợ quốc gia, và tỷ lệ nợ công so với GDP của Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt 40%. Rốt cuộc, nợ Chính phủ phải được trả bằng tiền thuế của chúng ta hoặc con cái của chúng ta. 


Gói hỗ trợ thiên tai khẩn cấp đầu tiên, thời gian là quan trọng 


Chính phủ sẽ lập dự luật ngân sách bổ sung thứ hai cho chương trình viện trợ. Tổng thống Moon Jae-in cho biết Chính phủ sẽ nhanh chóng đệ trình dự thảo để được Quốc hội phê chuẩn ngay sau cuộc Tổng tuyển cử 15/4. Tuy nhiên, nợ công của Hàn Quốc sẽ tăng thêm 820.000 tỷ won (670 tỷ USD) trong năm nay. Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc nên tập trung quản lý khủng hoảng hơn là sức khỏe tài chính. Ông Lee In-chul đánh giá.


Thế giới đang chuyển sang chế độ khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có. Gói khẩn cấp nên được thực hiện kịp thời vì đây là vấn đề sống còn. Tiền cứu trợ cần chuyển tới người dân ngay trong tháng 5. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, không ai dự đoán được khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc. Cũng không ai có thể đảm bảo chương trình kích thích một lần này đủ để giảm bớt gánh nặng tài chính của các hộ gia đình. Chính phủ cần xây dựng kế hoạch B, và thậm chí cả kế hoạch C. 


Tổng thống Moon Jae-in cho rằng không ai có thể dự đoán những vết sẹo từ dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sâu thế nào, và thời gian chữa lành sẹo kéo dài bao lâu. Hàn Quốc cần tập trung xúc tiến các quỹ cứu trợ kịp thời, phù hợp, và đưa ra các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Lựa chọn của ban biên tập