Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

“Chiến tranh lạnh mới” Mỹ-Trung xoay quanh COVID-19

2020-05-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19 đang ngày càng leo thang. Mỹ gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc về mọi mặt, từ thương mại, công nghệ, tài chính cho tới cả chính trị, quân sự. Trung Quốc cũng đáp trả quyết liệt, đẩy quan hệ giữa hai nước rơi vào căng thẳng không khác gì thời kỳ chiến tranh lạnh. Việc này đã đặt Hàn Quốc đứng trước một ngã rẽ quan trọng, phải đưa ra lựa chọn khéo léo với chiến lược kỹ lưỡng từ ngoại giao, an ninh đến kinh tế.

 

“Chiến tranh lạnh mới”

Mâu thuẫn Mỹ-Trung đang nghiêm trọng tới mức được gọi là “chiến tranh lạnh mới”. Mỹ đã đưa ra hai lập luận để quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19. Trước tiên, virus COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc. Thứ hai, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc đã cố ý che giấu thông tin, gây thiệt hại khổng lồ cho toàn thế giới. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ còn gây sức ép với cả Tổ chức y tế thế giới (WHO). Tổng thống Donald Trump cảnh báo nếu trong vòng 30 ngày, WHO không có cải tiến gì thiết thực thì Mỹ sẽ cắt vĩnh viễn nguồn viện trợ cho tổ chức này. Ông Trump thậm chí còn để ngỏ khả năng “cắt đứt mọi mối quan hệ” với Bắc Kinh. Theo Washington, Trung Quốc phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì đã để virus COVID-19 lây lan rộng ra toàn cầu. WHO cũng là “đồng phạm” vì đứng về phe Trung Quốc, không có biện pháp thích hợp khi dịch bệnh bùng phát.

 

Mỹ gây sức ép toàn diện với Trung Quốc

Trên thực tế, Mỹ đã tái khởi động “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Ví dụ tiêu biểu là việc Washington mở rộng lệnh cấm với hãng Huawei, doanh nghiệp thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc. Ban đầu, Mỹ chỉ cấm Huawei cung cấp chíp bán dẫn cho các doanh nghiệp nước này. Nhưng đến nay, Washington cấm doanh nghiệp này cung cấp chíp bán dẫn cho cả các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng đang mở rộng “chiến tuyến” sang cả lĩnh vực đầu tư, tài chính, như yêu cầu tiêu chuẩn kế toán khắt khe hơn nhiều đối với các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Truyền thông quốc tế còn đưa tin Mỹ đang có ý tưởng thành lập một “chuỗi kinh tế thân Mỹ” mang tên “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” (Economic Prosperity Network) để đối đầu với chính sách “Vành đai con đường” (Nhất đới nhất lộ) của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Washington vẫn tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh về mặt quân sự. Tàu chiến của hải quân Mỹ đang tiến hành tác chiến “tự do hàng hải” tại eo biển Đài Loan, thị uy sức mạnh quân sự như điều động máy bay trinh sát, di chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay. Mỹ còn tích cực hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh bà Thái Anh Văn tái đắc cử vị trí nhà lãnh đạo tối cao tại nước này. Washington còn gia tăng sức ép về cả vấn đề nhân quyền tại các khu tự trị của Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, nhằm làm lung lay nền móng của chính sách “Một Trung Quốc”. Nhiều ý kiến đang lo ngại về tình huống xấu nhất là xảy ra xung đột quân sự giữa Washington và Bắc Kinh.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Dù không phải do mâu thuẫn về COVID-19 đi chăng nữa thì từ trước đó, Mỹ cũng đã tìm mọi cách để kìm hãm Trung Quốc. Tình hình dịch COVID-19 hiện nay đang là “báo động đỏ” với chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Lãnh đạo Nhà Trắng vấp phải luồng chỉ trích gay gắt do thất bại trong đối phó với COVID-19, để dịch bệnh lây lan nghiêm trọng trong nước. Trong khi đó, đại dịch cũng đã tác động không nhỏ tới vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hệ thống chi phối của đảng Cộng sản Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế khi tăng trưởng âm trong quý I, gây trở ngại lớn tới con đường tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Tập Cận Bình. Trong bối cảnh này, cả Mỹ và Trung Quốc đều khó có thể dễ dàng nhượng bộ. Về phần mình, Hàn Quốc không tránh khỏi rơi vào thế khó xử do có mối quan hệ mật thiết với cả hai nước. Seoul có thể sẽ đối mặt với tình huống bất khả kháng là phải lựa chọn một trong hai bên, dẫn đến thiệt hại lớn về xuất khẩu. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác tiêu thụ và cung cấp hàng hóa quan trọng của Hàn Quốc. Trung Quốc từng trả đũa Hàn Quốc sau khi Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ. Riêng các vấn đề về ngoại giao, an ninh đã hết sức nghiêm trọng, sớm muộn sẽ tác động mạnh tới cả lĩnh vực thương mại. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải lên chiến lược khéo léo, kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

Lựa chọn của ban biên tập