Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỷ niệm 40 năm Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5

2020-05-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 18/5 vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Phong trào vận động dân chủ Gwangju (18/5/1980-18/5/2020) tại quảng trường dân chủ 18/5, thành phố Gwangju. Sự kiện năm nay có quy mô nhỏ do dịch COVID-19, với sự tham gia của hơn 400 người, gồm các lãnh đạo chủ chốt trong Chính phủ, Chủ tịch các đảng cầm quyền và đối lập, đại diện và gia quyến những người có công trong phong trào Gwangju. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ làm sáng tỏ sự thật về hành vi bạo lực của quân đội giới nghiêm khi đàn áp phong trào dân chủ Gwangju, đồng thời nhấn mạnh con đường tha thứ và hòa giải luôn rộng mở với những ai dũng cảm thú nhận sự thật.

 

Lễ kỷ niệm

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc tổ chức lễ kỷ niệm phong trào Gwangju tại quảng trường dân chủ 18/5 kể từ khi chỉ định ngày 18/5 là ngày kỷ niệm quốc gia năm 1997. Quảng trường này từng là trụ sở tỉnh Nam Jeolla, trung tâm của phong trào đấu tranh dân chủ tại Gwangju khi đó. Trước đây, lễ kỷ niệm luôn diễn ra tại Nghĩa trang quốc gia Phong trào dân chủ 18/5 ở thành phố Gwangju.

 

Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay là “Thời thế trôi qua, lịch sử còn mãi”. Đây là lần thứ ba Tổng thống Moon Jae-in tham dự lễ kỷ niệm kể từ khi nhậm chức, sau hai lần năm 2018 và 2019. Buổi lễ mở màn với những thước phim lịch sử về phong trào Gwangju cách đây 40 năm. Sau đó là lễ chào cờ, giới thiệu về phong trào Gwangju, đọc thư, phát biểu tưởng niệm, các tiết mục văn nghệ kỷ niệm, và người tham gia hát đồng thanh "Bài ca diễu hành dành cho quý ngài" tưởng nhớ linh hồn của hai nhà hoạt động tích cực đã hy sinh trong phong trào. Kế hoạch ban đầu gồm nhiều sự kiện kỷ niệm đa dạng khác, nhưng các sự kiện này đều bị hủy, điều chỉnh hoặc rút gọn quy mô tổ chức do dịch COVID-19.

 

Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5

Ngày 9/5/1997, Chính phủ Hàn Quốc chỉ định ngày 18/5 là ngày kỷ niệm Phong trào vận động dân chủ Gwangju nhằm khắc ghi và kế thừa tinh thần dân chủ, nhân quyền và hòa bình của phong trào Gwangju nổ ra năm 1980, khi người dân từ chối thế lực quân sự mới và yêu cầu xây dựng nền dân chủ. Sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát năm 1979, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ độc tài kéo dài, người dân đã hết sức kỳ vọng về một nền dân chủ. Song niềm hy vọng này đã nhanh chóng bị dập tắt khi Tư lệnh tình báo Chun Doo-hwan, người đứng đầu nhóm điều tra vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee, thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời của Tổng thống Choi Kyu-ha ngày 12/12 cùng năm. Ngay sau khi lên cầm quyền, tướng Chun Doo-hwan đã ban bố tình trạng giới nghiêm. Tháng 5 năm 1980, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự mới nổ ra trên cả nước. Tại thành phố Gwangju, biểu tình hòa bình biến thành xung đột giữa quân đội giới nghiêm và người dân, gây thương vong lớn về người. Đã có lúc người dân chiếm cứ được thành phố Gwangju. Tuy nhiên, vào rạng sáng 27/5/1980, quân đội giới nghiêm đã tấn công và chiếm lại được trụ sở tỉnh Nam Jeolla, “căn cứ địa” của người biểu tình khi đó, kết thúc 10 ngày đối đầu nảy lửa.

Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 ban đầu bị Chính phủ Hàn Quốc coi là một vụ bạo động. Tới năm 1988, Quốc hội Hàn Quốc lần đầu tiên gọi tên sự kiện này là “phong trào vận động dân chủ Gwangju”. Năm 1995, Luật đặc biệt về Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 đã được lập ra. Căn cứ theo luật này, các cựu Tổng thống Hàn Quốc xuất thân từ chính quyền quân sự mới khi đó như Chun Doo-hwan, Roh Tae-woo bị Tòa án Hàn Quốc tuyên tội danh “nổi loạn và giết người vì mục đích nổi loạn”. Nghĩa trang dân chủ 18/5 được xây dựng năm 1997, là nơi an nghỉ của hơn 700 người có công đã hy sinh trong phong trào 18/5.

 

Ý nghĩa và yêu cầu làm sáng tỏ sự thật

Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 vừa là “bi kịch” lớn nhất trong lịch sử hiện đại, vừa là một dấu mốc quan trọng đối với chủ nghĩa dân chủ của Hàn Quốc. Mặc dù kết thúc trong thất bại nhưng tinh thần của phong trào vẫn còn mãi, đặt nền móng đầu tiên cho chủ nghĩa dân chủ Hàn Quốc ngày hôm nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự thật về phong trào chưa được làm sáng tỏ. Trong thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, giới học thuật, các tổ chức dân sự vẫn liên tục nhấn mạnh cần điều tra làm rõ sự thật. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết như sự can thiệp của quân đội Bắc Triều Tiên trong phong trào Gwangju vẫn chưa lắng xuống. Người dân kỳ vọng Ủy ban điều tra đặc biệt về Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 ra mắt gần đây sẽ vén bức màn sự thật chưa được tiết lộ về phong trào này.

Lựa chọn của ban biên tập