Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Dự báo thời điểm hồi phục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc

2020-06-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ngày 11/6 đã công bố kết quả khảo sát tiến hành với giám đốc Trung tâm nghiên cứu của 11 công ty chứng khoán trong nước. Trong 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe y sinh học, chíp bán dẫn, pin thứ cấp được nhận định có chiều hướng hướng hồi phục nhanh chóng. Các mặt hàng thép, dầu mỏ, máy móc thông thường được dự báo bắt đầu hồi phục nửa cuối năm 2021.

 

Kết quả khảo sát của FKI

Theo kết quả khảo sát, 24% ý kiến nhận định xuất khẩu mặt hàng chăm sóc sức khỏe y sinh học sẽ tăng trưởng và hồi phục nhanh nhất. Tiếp theo là pin thứ cấp (23,3%), chíp bán dẫn (22%), máy tính (10,7%) và thiết bị viễn thông không dây (8%). Ngược lại, các mặt hàng được dự báo hồi phục chậm nhất là thép (22%), chế phẩm dầu mỏ (15,3%), máy móc thông thường (13,3%), hóa dầu và dệt may (cùng có 9,3% ý kiến nhận định). Về phương án giải tỏa tình trạng đình trệ xuất khẩu, 45,4% ý kiến cho rằng Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp.

Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc phân tích kết quả khảo sát trên cho thấy trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực cạnh tranh, đặc biệt là về trình độ công nghệ, để khắc phục cuộc khủng hoảng xuất khẩu bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài, như đại dịch COVID-19 hay mâu thuẫn Mỹ-Trung. Ngoài ra, FKI nhấn mạnh Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, như nới lỏng quy chế, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày một lan rộng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, bất ổn thị trường xuất khẩu gia tăng do mạng lưới cung ứng toàn cầu đang bị tái cơ cấu.

Ngoài ra, 51,4% ý kiến chỉ ra rằng bất ổn từ đại dịch COVID-19 là yếu tố hàng đầu cản trở ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước, 15,2% chọn các yếu tố sụt giảm nhu cầu toàn cầu và mâu thuẫn xoay quanh tham vọng bá quyền giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

 

Thời điểm xuất khẩu hồi phục?

Lĩnh vực đáng chú ý nhất trong dự báo xuất khẩu thời kỳ hậu COVID-19 là chăm sóc sức khỏe y sinh học. 90% ý kiến cho rằng lĩnh vực này “đã bắt đầu hồi phục và tăng trưởng”. Trên thực tế, kết quả xuất khẩu 10 ngày đầu tháng 6 đã thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dược phẩm tăng tới 136,7% so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế, như kit chẩn đoán virus COVID-19, tăng mạnh sau khi đại dịch lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng tăng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. 60% ý kiến nhận định xuất khẩu pin thứ cấp sẽ hồi phục vào quý III. Với lĩnh vực chíp bán dẫn, một nửa ý kiến cho rằng xuất khẩu lĩnh vực này “đã bắt đầu hồi phục”, nửa còn lại chọn thời điểm hồi phục là “quý III năm nay”. 33% ý kiến dự báo thời điểm hồi phục xuất khẩu mặt hàng thép là nửa cuối năm 2021, 22,2% cho rằng mặt hàng này sẽ hồi phục sau năm 2022. Mặt hàng máy móc thông thường được dự báo hồi phục vào nửa cuối năm sau, chế phẩm dầu mỏ hồi phục nửa đầu năm 2021.

 

Kết quả xuất khẩu 10 ngày đầu tháng 6

Từ ngày 1-10/6, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 12,3 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này không phản ánh xuất khẩu đang trên đà hồi phục, mà là do số ngày làm việc trong 10 ngày đầu tháng 6 năm nay nhiều hơn 2 ngày so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu bình quân ngày là 1,54 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 10 ngày đầu tháng 6, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái là dược phẩm, chíp bán dẫn, thiết bị viễn thông không dây. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn 30% là chế phẩm dầu mỏ, ô tô con, phụ tùng ô tô. Kim ngạch nhập khẩu 10 ngày đầu tháng 6 đạt 13,6 tỷ USD, tăng 8,5%. Cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỷ USD.

Lựa chọn của ban biên tập