Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên cắt đứt các kênh liên lạc liên Triều

2020-06-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính quyền Bắc Triều Tiên ngày 9/6 đã cắt đứt hoàn toàn các kênh liên lạc giữa hai miền Nam-Bắc, viện lý do phản đối các tổ chức dân sự Hàn Quốc rải truyền đơn chống phá sang nước này. Miền Bắc còn gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” và đe dọa sẽ có các động thái tiếp theo như phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018. Về phần mình, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh hai miền cần duy trì các kênh liên lạc căn cứ theo thỏa thuận liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các nội dung nhất trí giữa hai bên, nỗ lực vì hòa bình và thịnh vượng của bán đảo Hàn Quốc.

 

Miền Bắc cắt đứt liên lạc với miền Nam

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9/6 đưa tin bắt đầu từ 12 giờ trưa cùng ngày, miền Bắc sẽ cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc, gồm đường dây Văn phòng liên lạc liên Triều, đường dây liên lạc quân sự liên Triều trên biển Đông và biển Tây, đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều, và đường dây nóng kết nối trực tiếp giữa trụ sở Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên và Phủ Tổng thống Hàn Quốc.

Một ngày trước đó, KCNA đưa tin Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol phát biểu trong một cuộc họp rằng phải chuyển đổi sang chính sách thù địch với miền Nam. KCNA cho biết giới chức lãnh đạo miền Bắc đã cân nhắc tất cả các kế hoạch trả đũa lại những tội lỗi của miền Nam, sau đó chỉ thị cắt toàn bộ các kênh liên lạc liên Triều. Trong ngày 9/6, Bắc Triều Tiên đồng loạt không trả lời cuộc gọi của Hàn Quốc qua các đường dây liên lạc giữa hai bên. Bộ Thống nhất đã thử gọi điện cho Bắc Triều Tiên vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa và chiều cùng ngày thông qua kênh Văn phòng liên lạc liên Triều, nhưng nước này đều không trả lời.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Bắc Triều Tiên cắt đứt liên lạc với miền Nam là để phản đối vụ việc tổ chức dân sự người tị nạn miền Bắc rải truyền đơn sang nước này. Ngày 4/6, miền Bắc đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền Kim Yo-jong, chỉ trích gay gắt hành vi rải truyền đơn. Bình Nhưỡng đe dọa sẽ đóng cửa Văn phòng liên lạc liên Triều, giải tỏa khu công nghiệp liên Triều Gaesung, phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018 nếu Chính phủ miền Nam không có biện pháp xử lý thích hợp. Vị thế của bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, đang ngày một nâng tầm. Gần đây, bà Kim liên tiếp có nhiều phát ngôn lên án gay gắt Chính phủ miền Nam, đe dọa quan hệ liên Triều. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên chỉ trích các vụ rải truyền đơn, nhưng lần này, Bình Nhưỡng đang phản ứng hoàn toàn khác so với quá khứ. Trước đây, miền Bắc chỉ tập trung chỉ trích tổ chức dân sự tiến hành rải truyền đơn, nhưng lần này lại nhắm thẳng vào Chính phủ Hàn Quốc, không tiếc lời lẽ lên án quyết liệt. Đặc biệt, ngay cả báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cũng liên tiếp đưa tin về vấn đề này và sử dụng cụm từ “người tị nạn Bắc Triều Tiên”, vốn là một cụm từ cấm kỵ từ trước tới nay. Xét bối cảnh trên, giới chuyên gia phân tích sự bất mãn của Bắc Triều Tiên về quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tháng 2 năm ngoái, cũng như mối lo sợ của nước này về những thay đổi trong cục diện thế giới do đại dịch COVID-19 đang lên tới tột đỉnh. Do đó, chính quyền Bắc Triều Tiên đang vừa ra sức củng cố đoàn kết nội bộ, vừa gia tăng sức ép tối đa với Chính phủ miền Nam.

 

Đối phó của Hàn Quốc và triển vọng

Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã tiến hành phân tích bối cảnh, thảo luận phương án đối phó với các động thái của Bắc Triều Tiên. Bộ Thống nhất cũng đang giải quyết cứng rắn, như xem xét tố giác và hủy giấy phép hoạt động của các tổ chức dân sự rải truyền đơn. Tuy nhiên, Chính phủ không khỏi đau đầu về phương án giải quyết, bởi nỗ lực ngăn chặn rải truyền đơn đang gây ra mâu thuẫn trong nước, còn nếu không đưa ra được phương án đối phó ổn thỏa thì có thể Bắc Triều Tiên sẽ có nước đi tiếp theo, như phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều. Theo thỏa thuận này, hai miền Nam-Bắc đã dừng các hành vi quân sự thù địch lẫn nhau. Nếu miền Bắc tuyên bố phá vỡ thỏa thuận thì có thể dẫn tới các vụ xung đột quân sự như trước. Văn phòng liên lạc liên Triều và thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9 vốn được coi là những thành tựu lớn nhất trong quan hệ liên Triều của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in. Động thái cắt đứt liên lạc của Bắc Triều Tiên đang đặt Văn phòng này, cũng như thỏa thuận quân sự liên Triều vào nguy cơ sụp đổ, có khả năng đẩy quan hệ liên Triều về trạng thái đối đầu căng thẳng như trước thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa đông PyeongChang tháng 2/2018.

Lựa chọn của ban biên tập