Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nghệ sĩ Kim Su-cheol và giao lưu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-07-15

Âm điệu ngàn xưa


Giao lưu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Hầu hết những người theo học âm nhạc truyền thống Hàn Quốc từ nhỏ là do yêu thích, nhưng cũng không ít người gắn bó với con đường này vì sứ mệnh. Họ tâm niệm rằng âm nhạc truyền thống là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử, nếu thế hệ sau buông tay thì sẽ đứt mạch bảo tồn di sản quý giá này. Nhiều người cũng cho rằng âm nhạc truyền thống là dòng nghệ thuật lý thú đến vậy, sao người đời ít ai biết tới. Không ít các nghệ sĩ dù phải vất vả vật lộn với đời sống nhưng vẫn không ngừng cố gắng hoạt động để tuyên truyền, quảng bá âm nhạc truyền thống tới đông đảo công chúng. Giờ đây, âm nhạc truyền thống và các dòng âm nhạc khác không còn rào cản nghiêm ngặt như xưa. Nhạc cụ truyền thống đã được khai thác để hòa tấu các bản nhạc cổ điển phương Tây. Dân ca Minyo và nhạc Jazz đã không ít lần hòa âm trên sân khấu. Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống cũng bắt đầu lấn sân sang âm nhạc đại chúng. Tuy nhiên, số lượng người đam mê âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc vẫn còn giới hạn, nên giới chuyên gia đang tìm tòi các cách thức khiến âm nhạc truyền thống hấp dẫn và dễ tiếp cận với khán thính giả hơn. 

Trong các nhân vật nổi tiếng của dòng âm nhạc đại chúng, tiêu biểu là nghệ sĩ Kim Su-cheol. Người đời gọi ông là người khổng lồ nhỏ bé trong làng âm nhạc đại chúng những năm 1980. Đang nổi như cồn với các ca khúc “Bông hoa chưa kịp nở”, “Phải dứt bước ra đi”, Kim Su-cheol lại chuyển sang học âm nhạc truyền thống, tính tới nay đã hơn 40 năm. Ông có khả năng sáng tác và diễn tấu âm nhạc hiện đại mang âm hưởng truyền thống. 


Những bước thăng trầm của nghệ sĩ Kim Su-cheol trong dòng chảy âm nhạc truyền thống

Nghệ sĩ Kim Su-cheol được đánh giá là một nhạc gia sáng giá có thể diễn tấu các nhạc phẩm kết hợp âm nhạc hiện đại và âm hưởng, nhạc khí truyền thống tại các lễ hội lớn nhỏ hoặc sự kiện lớn như Đại hội thể thao châu Á 1986, Thế vận hội Olympic 1988. Ba năm đầu tiên theo học âm nhạc truyền thống, ông Kim Su-cheol hễ nghe nhạc Sanjo là lại buồn ngủ. Có lẽ đây là khoảng thời gian để nghệ sĩ guitar Kim Su-cheol tiếp nhận và cảm thụ âm nhạc truyền thống dân tộc. Năm 1987, ông ra mắt đĩa nhạc truyền thống đầu tiên. Đây cũng chính là đĩa nhạc dành cho các vũ điệu truyền thống đầu tiên của Hàn Quốc. Tới năm 1989, Kim Su-cheol phát hành đĩa nhạc truyền thống Hwangcheongil (Đường tới suối vàng) bằng tiền cá nhân để tưởng niệm người cha quá cố, nhưng chỉ bán được hơn 100 đĩa và bị trả lại hàng loạt. Việc này đã phần nào phản ánh mức độ đại chúng hóa âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc thời điểm đó. Trước bối cảnh thị trường âm nhạc truyền thống ảm đạm như vậy, nghệ sĩ Kim Su-cheol không những không bỏ cuộc, mà vẫn liên tục sáng tác các nhạc phẩm mang âm hưởng truyền thống cho các điệu múa, nhạc nền cho phim truyền hình, phim truyện và phim tài liệu. Trong số này có thể kể tới nhạc phim Seopyeonje. Tại thời điểm công chiếu phim, đĩa nhạc của nghệ sĩ Kim Su-cheol đã bán được hơn một triệu bản, là đĩa nhạc truyền thống đầu tiên có lãi của ông. 

Năm 2002, Kim Su-cheol đã phát hành đĩa nhạc Sanjo cho đàn guitar, trong đó có nhạc phẩm dành cho đêm khai mạc Giải Vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản đăng cai, khúc nhạc Sanjo cho đàn tranh 12 dây Gayageum và guitar, khúc hòa tấu dành cho trống phong yêu Janggu và đàn guitar dòng Sanjo, hòa tấu sáo trúc ngang lớn Daegeum và đàn guitar dòng Sanjo, và độc tấu guitar dòng Sanjo. Vốn dĩ Sanjo là dòng âm nhạc diễn tấu ngẫu hứng theo các giai diệu Jinyangjo, Jungmori, Jungjungmori và Jajinmori. Âm nhạc Sanjo cho đàn guitar của nghệ sĩ Kim Su-cheol không dập khuôn theo giai điệu Sanjo truyền thống, nhưng cũng là lối âm nhạc ngẫu hứng và đặc trưng của âm nhạc truyền thống thể hiện bằng cây đàn guitar. Đã ngoài 60 tuổi nhưng nghệ sĩ Kim Su-cheol vẫn hăng hái hoạt động nghệ thuật và sáng tác các nhạc phẩm quảng bá rộng rãi âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tới khán thính giả thế giới. Một trong những nhạc phẩm ông tâm đắc nhất là Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh). Nghe nói khi sáng tác nhạc phẩm này, Kim Su-cheol đã bỏ rượu, thuốc lá và toàn tâm cầu nguyện. Tới bây giờ, nghệ sĩ Kim Su-cheol vẫn ấp ủ tâm nguyện sáng tác chuỗi âm nhạc cuộc đời. Hy vọng giấc mơ của nghệ sĩ Kim Su-cheol sẽ thành hiện thực, và âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc sẽ ngày càng có sức lan tỏa. 


* Nhạc phẩm “Ggoteui Donghwa” (Truyện cổ tích các loài hoa) / Kim Su-cheol, Park Yong-ho (sáo trúc nhỏ Sogeum)

* Nhạc phẩm Cheonnyeonhak (Hạc nghìn năm) trong phim Seopyeonje / Park Yong-ho (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Trích đoạn Jeonjangeseo (Trên chiến trận) trong nhạc phẩm “Palmandaejanggyeong” (Bát vạn đại trường kinh) / Kim Su-cheol

Lựa chọn của ban biên tập