Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

GDP Hàn Quốc quý II giảm 3,3% do COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-08-03

ⓒ YONHAP News

Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh nhất trong 22 năm qua


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã giảm 3,3% trong quý II, mức giảm sâu nhất trong 22 năm kể từ quý I/1998 (-6,8%). Nối tiếp mức giảm 1,3% trong quý I, kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong quý II là một dấu hiệu tích cực. Nhưng đáng tiếc là các nền kinh tế lớn khác lại không được như vậy. GDP của Nhật Bản dự kiến giảm 8-9% trong quý II, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone được dự báo co hẹp gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 30/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý II của nước này giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử. 


Tín hiệu tích cực từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử


Kinh tế toàn cầu co hẹp là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất yếu kém của kinh tế Hàn Quốc, giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 16,6% trong quý II, mức giảm lớn nhất trong 56 năm qua. Tỷ trọng xuất khẩu đóng góp cho GDP giảm 4,1%. Nếu không tính đến xuất khẩu, kinh tế Hàn Quốc trong quý II tăng trưởng 0,8%. Tuy nhiên, Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như ô tô, điện thoại thông minh, tàu thủy, chíp bán dẫn. Doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế giảm mạnh đã khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm theo. Tuy nhiên, ngân sách bổ sung và gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tránh để nền kinh tế lao dốc hơn nữa. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun từ Viện nghiên cứu kinh tế LG phân tích. 


Hiện nay, kinh tế Hàn Quốc đang đứng ở vị trí khá tốt. Người dân đã nhận thức sâu sắc về mối nguy hiểm của bệnh dịch, nghiêm chỉnh tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của Chính phủ bao gồm cả các biện pháp cách ly xã hội. Những phản ứng nhanh chóng, hiệu quả và số ca nhiễm giảm đã góp phần cải thiện tiêu dùng nội địa. Chi tiêu Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nền kinh tế. 


Liệu kinh tế Hàn Quốc có phục hồi sau khi chạm đáy?


Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại kinh tế Hàn Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý III sau khi chạm đáy trong quý II, nhận định hiện tượng các quốc gia đóng cửa kinh tế do virus sẽ không còn tiếp diễn, và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý II sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc. Ông Bae Min-geun cho biết. 


Đa số ý kiến cho rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ khởi sắc trong quý III và quý IV năm nay. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm trái chiều về tốc độ phục hồi, bởi Hàn Quốc là nước phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, nhưng thị trường Mỹ và châu Âu đang hồi phục chậm hơn so với bề ngoài. Đáng lo ngại hơn, nhiều ý kiến lo lắng về một làn sóng tiếp theo của COVID-19. Do đó, chi tiêu Chính phủ là không đủ để đảm bảo phục hồi kinh tế. Tôi đồng ý với nhận định tình hình sẽ sáng sủa hơn trong quý III, nhưng không chắc kinh tế có thực sự cải thiện hay không.


Hiệu quả chính sách của Chính phủ tới phục hồi kinh tế?


Khủng hoảng thường mở ra những cơ hội mới. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng đây là thời điểm thích hợp cho phục hồi kinh tế dựa vào dấu hiệu khởi sắc của một số chỉ số như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu. Ông cam kết Chính phủ sẽ cùng các nhà xuất khẩu trong nước giải quyết những khó khăn đang phải đối mặt, cung cấp các biện pháp hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục các chuyến hàng đi nước ngoài. Tổng thống Moon cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng cường đầu tư thông qua Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc. Tuy nhiên, không rõ các biện pháp của Chính phủ sẽ có hiệu quả như thế nào. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun cho biết.


Trong nửa đầu năm nay, Chính phủ đã cải thiện điều kiện thanh khoản trên thị trường tài chính, chi tiêu ngân sách để bù đắp tổn thất của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Những biện pháp này có thể phát huy hiệu quả tạm thời, nhưng đặt ra nhiều nghi ngờ về tính lâu dài. Chính phủ dự đoán chi tiêu tài chính sẽ mạnh mẽ hơn, và nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư trong nửa cuối năm nay. Chi tiêu chính phủ chắc chắn có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng các chính sách khuyến khích đầu tư, bao gồm Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc, cần sự tham gia của khối tư nhân để đạt được hiệu quả như mong muốn. Câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có sẵn sàng đầu tư hay không.


Biện pháp của Chính phủ để phục hồi kinh tế?


Hàn Quốc chắc chắn phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng. Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng -0,2% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế Hàn Quốc phải đạt tăng trưởng 3% trong quý III và quý IV. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch COVID-19, BOK và Chính phủ chú ý đến hai yếu tố. Đầu tiên là các quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp đóng cửa kinh tế dù virus vẫn tiếp tục lây lan. Thứ hai là sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Với hai yếu tố này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể cải thiện bất chấp sự co hẹp mạnh hơn dự kiến trong quý II. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun nhận định.  


So với các quốc gia khác, điều kiện tài chính của Hàn Quốc là khá tốt, và Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp tài khóa mở rộng. Tuy nhiên, quan trọng là phải đảm bảo tính lành mạnh tài chính. Trong nửa đầu năm nay, Chính phủ đã bận rộn đối phó với đại dịch COVID-19 với các biện pháp cấp bách. Nhưng đại dịch khó lắng xuống trong một sớm một chiều, nên Chính phủ cần đưa ra các chính sách dài hạn. Các doanh nghiệp, hộ gia đình đang trong điều kiện không thuận lợi nên khó lòng mở hầu bao, tỷ lệ tiết kiệm đang gia tăng đi kèm với xu hướng tiêu dùng giảm. 


Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do dịch COVID-19, chúng ta không nên quá lạc quan hay bi quan về điều kiện kinh tế, thay vào đó cần chuẩn bị các biện pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế, xem xét các yếu tố có thể dự đoán. Vẫn cần thời gian để kiểm chứng liệu kinh tế Hàn Quốc có thực sự phục hồi theo hình chữ V sau khi chạm đáy trong quý II. 

Lựa chọn của ban biên tập