Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cam kết khôi phục quan hệ liên Triều

2020-08-06

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đang có những nỗ lực tích cực để cải thiện mối quan hệ liên Triều bị đình trệ. Sau khi được Tổng thống Moon Jae-in phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Thống nhất ngày 27/7 vừa qua, ông Lee đã bắt đầu ngay nhiệm kỳ mà không cần lễ nhậm chức. Khi còn là Đại diện đảng Dân chủ đồng hành tại Quốc hội, ông Lee đã chứng minh được năng lực đẩy nhanh thực thi các chính sách và dẫn dắt đảng cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử. Trong thời gian qua, ông được nhiều lần nhắc đến là ứng cử viên nặng ký cho chức Bộ trưởng Thống nhất để nối lại các dự án liên Triều vốn đang bị đình chỉ. Tiến sĩ Oh Gyeong-seob tại Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc giới thiệu thêm về tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc.


Tân Bộ trưởng Lee In-young từng là Đại diện của đảng Dân chủ đồng hành tại Quốc hội từ tháng 5/2019 đến tháng 5/2020. Ông từng là Chủ tịch của Ủy ban Ngoại giao và thống nhất và Ủy ban đặc biệt về hợp tác kinh tế liên Triều tại Quốc hội khóa XX. Nghị sĩ bốn khóa Lee In-young đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên và thống nhất kể từ hồi là sinh viên. Năm 1987, ông là Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Korea, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng đại biểu sinh viên toàn quốc – nhóm sinh viên đại học lớn nhất Hàn Quốc tại thời điểm đó. Giờ đây, với tư cách là Bộ trưởng Thống nhất, ông bày tỏ cam kết mạnh mẽ của mình trong việc cải thiện các mối quan hệ xuyên biên giới, nuôi hy vọng tác động làm đối thoại liên Triều được êm đẹp hơn.


Sau khi bổ nhiệm ông Lee In-young, quá trình hợp tác liên Triều mà Chính phủ Moon Jae-in liên tục nhấn mạnh đã bắt đầu tăng tốc. Ông Lee bày tỏ ý định nối lại ngay các cuộc trao đổi nhân đạo liên Triều, khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của ông là khôi phục đối thoại với miền Bắc. Trong một tin tức liên quan, Bộ Thống nhất ngày 31/7 cho biết đã phê duyệt kế hoạch của Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế liên Triều về cung cấp vật tư trị giá khoảng 670.000 USD cho Bắc Triều Tiên trong công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19. Các mặt hàng bao gồm chất khử trùng, quần áo bảo hộ và bộ dụng cụ thử nghiệm. Đây là lô viện trợ đầu tiên được phê chuẩn để chuyển sang miền Bắc kể từ khi ông Lee In-young lên chức Bộ trưởng.


Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế liên Triều đã đề nghị Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc miễn trừ để có thể gửi vật tư kiểm dịch, máy chụp ảnh nhiệt cho các trường học, bến cảng và bệnh viện ở tỉnh Bắc Pyongan. Tân Bộ trưởng Lee đã phê duyệt lô hàng, nhưng Chính phủ không tiết lộ ai sẽ nhận nó. Vẫn còn phải xem liệu Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận lô hàng của Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế liên Triều hay không. Bằng việc phê duyệt, ông Lee cho thấy rõ Seoul cam kết đối thoại với Bình Nhưỡng.


Hoạt động bên ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức của ông Lee In-young là đến thăm ga Jejin trên bờ biển phía Đông thuộc tỉnh Gangwon, cực Bắc Hàn Quốc hôm 31/7. Tại đây, ông đã đề cập đến khả năng nối lại chương trình du lịch núi Geumgang dưới hình thức tour du lịch cá nhân riêng lẻ. Ngày hôm sau, ông tham dự một sự kiện đi bộ ở huyện Yangyang cũng thuộc tỉnh Gangwon. Như vậy, ông đã dành cuối tuần đầu tiên với tư cách là tân Bộ trưởng Thống nhất ở tỉnh Gangwon gần biên giới liên Triều.

Trong một cuộc họp của Ủy ban Ngoại giao và thống nhất thuộc Quốc hội hôm 3/8, ông đã chủ động bác bỏ lập luận của các nghị sĩ phe đối lập về việc phản đối Chính phủ đẩy nhanh tiến trình sửa đổi pháp lý để thông qua Luật cấm rải truyền đơn sang Bắc Triều Tiên với lý do xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Theo tân Bộ Trưởng Lee, việc này nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho cư dân ở khu vực biên giới.


Miền Bắc đã yêu cầu miền Nam nối lại dự án khu công nghiệp Gaesung và chương trình du lịch núi Geumgang. Dư luận đang quan tâm đến cách tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế liên Triều ra sao.

Liên quan đến kế hoạch của Chính phủ về việc cấm rải truyền đơn sang lãnh thổ miền Bắc, ông Lee thừa nhận rằng các nhà hoạt động dân sự có thể biện minh cho việc này bằng quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, an toàn và tài sản của người dân địa phương ở khu vực biên giới và cản trở quan hệ liên Triều, nên cần xử lý vấn đề này một cách có hệ thống và hợp pháp. Liên quan đến việc này, cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ lo ngại việc cấm rải truyền đơn có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận cũng như hạn chế các hoạt động của các tổ chức người tị nạn Bắc Triều Tiên. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng nên cẩn trọng hơn khi lập pháp và thực thi lệnh cấm rải truyền đơn lên miền Bắc.


Ông Lee In-young dường như quyết tâm phá vỡ bế tắc trong quan hệ liên Triều bằng cách xoay chuyển trọng tâm từ Mỹ-Triều sang liên Triều do Bộ Thống nhất dẫn dắt.

Trong bối cảnh tân Bộ trưởng Lee liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đối thoại liên Triều và hợp tác xuyên biên giới, cần phải chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ đáp trả như thế nào. Giới phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên có thể đưa ra phản ứng tích cực, vì nước này không có ác cảm với ông Lee.


Ngày 14/7, một hãng truyền thông của Bắc Triều Tiên cho biết họ có nhiều kỳ vọng đối với tân Bộ trưởng Thống nhất Lee In-young và tân Cố vấn đặc biệt về vấn đề ngoại giao và an ninh Im Jong-seok của Hàn Quốc. Bài đăng cũng thể hiện nhiều quan tâm đến các động thái trong tương lai của hai quan chức này vì biết rằng cả hai đều chỉ trích nhóm làm việc Hàn-Mỹ.

Nhấn mạnh nhu cầu về các giải pháp sáng tạo để cải thiện mối quan hệ liên Triều, ông Lee đề xuất một cuộc trao đổi hàng hóa quy mô nhỏ trong giai đoạn đầu của hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Ví dụ, bia Daedonggang (sông Daedong) hoặc nước khoáng từ núi Geumgang của miền Bắc có thể đổi với gạo hoặc thuốc men của Hàn Quốc. Ông bày tỏ hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ bồi thường cho việc phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều bằng cách cung cấp đất để mở một văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng. Khi Bắc Triều Tiên bắt đầu có một số kỳ vọng về ông Lee, giới phân tích hy vọng hai miền có thể nối lại đối thoại.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng những nhận định của ông Lee về mối quan hệ liên Triều là khá phi thực tế. Trả lời báo giới sau chuyến viếng thăm Nghĩa trang quốc gia Seoul hôm 30/7, ông khẳng định những hy sinh vì hòa bình của những người lính trong chiến tranh có thể chính đáng và công bằng hơn. Khi được hỏi về cảm nhận về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27/7 đánh dấu kỷ niệm 67 năm ngày ký Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953) rằng an ninh và tương lai của miền Bắc được bảo đảm vĩnh viễn, nhờ vào khả năng răn đe hạt nhân tự vệ, ông Lee nhấn mạnh trong khi Bình Nhưỡng tiếp tục nói về hạt nhân và tên lửa, thì Seoul nên thúc đẩy hòa bình theo cách tích cực hơn. Giới chuyên gia nhận định tân Bộ trưởng Lee có thể gửi tín hiệu sai cho Bắc Triều Tiên, nếu chỉ gửi thông điệp đối thoại và hợp tác mà không yêu cầu phi hạt nhân hóa.


Về nguyên tắc, ông Lee đồng ý về sự cần thiết phải thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Nhưng điều quan trọng là Hàn Quốc sẽ hướng Bắc Triều Tiên đến phi hạt nhân hóa như thế nào. Phải nói là điều này cũng quan trọng như nỗ lực hòa bình vậy. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt lên nước này. Trong bối cảnh này, quan hệ hai miền Nam-Bắc rất khó tìm thấy một lối đi. Nếu Seoul chỉ thúc đẩy đối thoại và hợp tác, và giữ im lặng về phi hạt nhân hóa, thì rất có thể Bình Nhưỡng lầm tưởng rằng miền Nam sẽ nhắm mắt làm ngơ trước vũ khí hạt nhân, hoặc miền Nam sẽ viện trợ cho miền Bắc bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế. Do đó, khi nói về các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề hạt nhân và cách miền Bắc phát triển vũ khí hạt nhân quân đội.


Trong nửa cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến số phận của bán đảo Hàn Quốc. Trong dịp đánh dấu kỷ niệm 75 năm giải phóng dân tộc Hàn khỏi sự thống trị của thực dân Nhật ngày 15/8, rất có thể Tổng thống Moon Jae-in sẽ đề xuất tiếp tục chương trình đoàn tụ cho các gia đình ly tán với Bắc Triều Tiên. Seoul đang chú ý đến cách mà Bình Nhưỡng sẽ đáp trả cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ như thế nào. Trên hết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều trong tương lai.


Thật khó có bước tiến nào cho đối thoại Mỹ-Triều ở thời điểm hiện tại trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Dù là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tái đắc cử hay ông Joe Biden của đảng Dân chủ lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-Triều rất khó có bước tiến, trừ khi Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Trong bối cảnh này, nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều lại còn khó khăn hơn, bởi vai trò của Chính phủ Hàn Quốc bị hạn chế. Seoul cần nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán Mỹ-Triều. Đây là điều Chính phủ Hàn Quốc nên làm để hàn gắn quan hệ liên Triều ở thời điểm hiện tại.


Tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young thể hiện quyết tâm cao trong cải thiện quan hệ liên Triều. Trong đội ngũ ngoại giao và an ninh mới của Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Lee được giao một nhiệm vụ lớn lao là mở đường cho hai miền Nam-Bắc tái kích hoạt mối quan hệ đang bị đình trệ và tạo nền tảng cho hòa bình trên bán đảo bị chia cắt. Hy vọng Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể để hai miền có thể chủ động giải quyết các vấn đề khu vực, cũng như đưa ra được chiến lược cẩn trọng để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Lựa chọn của ban biên tập