Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc đại chúng ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-08-05

Âm điệu ngàn xưa


Nhạc phẩm truyền thống Daechwita mang âm hưởng âm nhạc đại chúng

Nhạc phẩm truyền thống Daechwita của Suga, thành viên nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS), đã làm dấy lên làn sóng hâm mộ mới trên toàn cầu. Daechwita là khúc quân nhạc được diễn tấu khi đoàn quân lính tháp tùng nhà vua rời cung. Ở đây, “Chwi” nghĩa là “thổi”, “Ta” nghĩa là “đánh”. Khúc quân nhạc Chwita là sự kết hợp của nhạc khí hơi và nhạc khí gõ, tạo âm thanh nhộn nhịp, rộn ràng và hùng tráng. Xưa kia, không mấy khi nhà vua ra khỏi cung điện, nên mỗi lần vua xuất cung là có cả một đoàn tùy tùng và quân nhạc hộ tống. Đoàn quân nhạc thường dẫn đầu đoàn diễu hành với các nhạc công thổi kèn hiệu Napal, kèn sò Nagak, và cả những người đánh trống Buk. Đi theo sau là nhóm đệm sáo trúc dọc Piri, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum. Khi người chỉ huy giương cao cờ hiệu và hô to câu “Minh nhất hạ đại xúy đả”, một tiếng chiêng Jing vang lên và khúc quân nhạc Daechwita bắt đầu được cử hành. 

Nhạc phẩm Daechwita của ca sĩ Suga cũng mở đầu bằng âm sắc của nghệ sĩ sáo trúc chính nhạc gạo cội Jeong Jae-guk. Trong khúc quân nhạc Daechwita, kèn hiệu Napal và kèn sò Nagak chỉ được thổi một nốt duy nhất chứ không phải tham gia diễn tấu, mà kèn bầu Taepyeongso mới là nhạc cụ chủ đạo. Trong sử sách, kèn bầu Taepyeongso còn được gọi là Hojeok hay Soenap. Còn trong dân gian, người Hàn Quốc từng gọi loại nhạc khí này là Nallari.

Đa phần nhạc khí hơi truyền thống của Hàn Quốc được làm từ ống tre hoặc trúc. Thế nhưng kèn bầu Taepyeongso lại có ống thổi bằng chất liệu gỗ cứng như cây hồng táo hoặc cây liễu khoét bỏ phần ruột. Ở phần đầu ngậm để thổi, còn gọi là dăm kèn, người ta gắn một màng mỏng gọi là “Seo” làm bằng thân cây lau sậy để tạo âm thanh cho cây kèn. Đầu còn lại gắn một cái bầu làm bằng kim loại có hình dạng giống cái phễu, gọi là Dongpallang (Đòng bát lang), để âm thanh của cây kèn có thể vang xa. Trong các nhạc khí hơi truyền thống của Hàn Quốc, kèn bầu Taepyeongso có âm lượng lớn nhất và tạo cảm giác hào hứng, rộn ràng, nên không thể thiếu trong các dàn quân nhạc, lễ diễu hành và các buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. 


Rào cản giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc đại chúng

Trong kho âm nhạc dành cho kèn bầu Taepyeongso có nhạc phẩm Neungge, nhịp điệu Gutgeori 12 nhịp, sắc thái nhộn nhịp giống khúc dân ca “Changbutaryeong” của vùng Gyeonggi, nhưng do lối hát biến tấu ngẫu hứng nên nhịp điệp có phần không ổn định. Neungge từng rất nổi tiếng khi được nhóm nhạc Seo Tae-ji và boys lồng vào ca khúc Hayeoga. 

Ở Hàn Quốc, sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống với âm nhạc đại chúng đang diễn ra hết sức sôi động. Nhiều khúc dân ca Minyo đã trở thành âm nhạc đại chúng, được chính các nghệ sĩ trong làng âm nhạc truyền thống thể hiện và quảng bá như chất liệu âm nhạc truyền thống cốt lõi của dân tộc. Đã có thời âm nhạc truyền thống và âm nhạc đại chúng phát triển hoàn toàn tách biệt nhau. Giờ đây, bức rào cản này ngày càng mờ nhạt, và sự giao thoa đang tạo ra đường hướng phát triển mới cho âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) có đoạn người anh tham lam Nolbo đuổi gia đình người em Heungbo ra khỏi nhà giữa ngày đông giá rét. Năm 1995, bộ đôi Yukgaksu đã đạt giải vàng tại Lễ hội âm nhạc bên bờ sông Gangbyeon Gayoje nhờ ca khúc “Heungboga Giga Makhyeo” (Người em Heungbo chết lặng) phỏng theo trích đoạn trường ca trên. Thời điểm đó, âm nhạc truyền thống còn là một món ăn tinh thần xa lạ đối với tầng lớp trẻ. Điều này cho thấy người đạt giải đã chinh phục thành công một thách thức mới mẻ, độc đáo. Tiết mục đã khai sinh ra thể loại mới cho làng âm nhạc truyền thống, đó là Pan-Rap - nhạc Rap của âm nhạc truyền thống Pansori.


* Khúc quân nhạc Daechwita / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

* Khúc nhạc Neungge / Lee Saeng-gang (kèn bầu Taepyeongso)

Trích đoạn “Người anh tham lam Nolbo đuổi gia đình người em Heungbo ra khỏi nhà” / Oh Jeong-suk

Lựa chọn của ban biên tập