Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Dấu ấn về chữ viết Hangeul trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-10-07

Âm điệu ngàn xưa


Đức vua Sejong(Thế Tông), người sáng tạo ra chữ viết Hangeul

Mùng 9/10 là ngày kỷ niệm khai sinh chữ Hàn Hangeul ở Hàn Quốc. Chữ viết Hangeul được vua Sejong (Thế Tông), vị vua thứ IV của vương triều Joseon, đích thân sáng tạo với tên gọi ban đầu là Hunmimjeongeum, âm Hán Việt là “Huấn dân chính âm”. Chỉ cần hiểu được nguyên lý của chữ Hangeul thì bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng học và viết ngay được. Bẳng chữ cái Hangeul có nguyên âm và phụ âm, phụ âm hình thành theo nguyên lý phát âm của bộ phận cấu âm và được đánh giá là mang tính khoa học. Chữ Hangeul còn phản ánh quan niệm về vũ trụ và thế giới quan lúc đương thời. Nguyên tắc chữ viết Hunminjeongeum do vua Sejong sáng tạo được ghi chú chi tiết trong cuốn “Hunminjeongeum Haerye” (Huấn dân chính âm giải lệ). Cuốn sách có câu “Nguyên lý của đất trời, tự nhiên, con người và vạn vật trong vũ trụ chỉ là âm dương ngũ hành”, giải thích cách đưa tư tưởng âm dương ngũ hành vào chữ viết Hangeul. Theo thuyết âm dương thì âm và dương tương sinh tương khắc, giao hòa tạo ra vạn vật trên thế gian. Âm có nghĩa là tối tăm, lạnh lẽo, âm u. Dương có nghĩa là ánh sáng, ấm áp và tỏa chiếu. Ngũ hành cũng là một cách hiểu về thế gian, gồm 5 yếu tố thủy, hỏa, mộc, kim và thổ. 5 yếu tố này tương sinh tương khắc với nhau và biến đổi tạo ra vạn vật. Người xưa cho rằng khi âm dương ngũ hành giao hòa, thế gian sẽ bình an. Vua Thế Tông đã đưa tư tưởng này vào chữ viết Hangeul của người Hàn Quốc. 


Chữ viết Hangeul trong âm nhạc truyền thống dân tộc

Sau khi sáng tạo ra bảng chữ cái Hangeul, vua Sejong đã sử dụng Hangeul sáng tác nhạc phẩm “Yongbieocheonga” (Long phi ngự thiên ca), ca ngợi thời kỳ lập quốc và thái bình thịnh trị của triều đại Joseon. Tác phẩm có câu nói để đời rằng:

Cây rễ sâu vững vàng trước phong ba bão táp

Hoa nở, trái đơm trĩu nặng cành


“Yongbieocheonga” (Long phi ngự thiên ca) là một áng thơ dài 125 chương. Dựa trên Yongbieocheonga, hàng loạt các nhạc phẩm đã ra đời như Yeominrak (Dự dân lạc), Chihwapyeong (Chí hòa bình), Chwipunghyeong (Túy lễ hanh). Yeominrak (Dự dân lạc) nghĩa là “cùng chung vui với bách dân trong thiên hạ”, chuyển thể nội dung từ chương 1 đến chương 4 và chương 125 của áng thơ “Yongbieocheonga” (Long phi ngự thiên ca). Jeongdaeeopjigok (Định đại nghiệp chi khúc) là khúc hát ca ngợi võ đức của các vị vua triều đại Joseon trong âm nhạc tế lễ Tông miếu Jongmyojeryeak 

Các nhạc phẩm Jeongdaeeopjigok (Định đại nghiệp chi khúc), Yeominrak (Dự dân lạc), và Jongmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Tông miếu) đều do chính vua Sejong (Thế Tông) sáng tác. Có lẽ không ít người hoài nghi về việc một vị vua đích thân sáng tác âm nhạc. Nhưng trong bộ sách “Sejong Sillok” (Thế Tông thực lục) biên soạn dưới thời vua Munjong (Văn Tông, con trai vua Sejong) vào thế kỷ XV có nội dung đức vua Sejong đã đích thân sáng tác những nhạc phẩm để đời này. Chẳng hạn, nội dung ghi chép vào tháng 12/1449 (năm thứ 31 vua Sejong trị vì) có đoạn “Nhà vua có nhạc cảm tuyệt vời và tự sáng tác nhạc phẩm mới. Ngài cầm que gõ nhịp trên nền đất và sáng tác nhạc phẩm trong một ngày đêm”.Truyền rằng trước khi Hàn Quốc có nhạc tế lễ Tông miếu, âm nhạc tấu trong nghi lễ thờ cúng các vị tiên vương tại Tông miếu đều là nhạc Trung Quốc. Vua Sejong (Thế Tông) cho rằng "Khi sống ta nghe nhạc ta, đến lúc chết lại nghe nhạc Trung Quốc thì quả là bất hợp lý". Mong muốn sáng tạo âm nhạc cho nghi thức cúng giỗ tổ tiên nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của quần thần, vua Sejong đã không thực hiện được nguyện ước này. Thấu hiểu tâm tư của cha, con trai vua Sejong (Thế Tông) là vua Sejo (Thế Tổ) sau này đã cho sửa âm nhạc Botaepyeong (Bảo thái bình) và Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) thành âm nhạc tấu tại Tông miếu trong các nghi thức cúng giỗ tổ tiên Jongmyojeryeak. Âm nhạc tế lễ tông miếu do vua Sejong (Thế Tông) sáng tác vẫn được lưu truyền tới nay. 

Giống như vua cha Sejong, vua Sejo cũng có năng khiếu âm nhạc. Ngoài âm nhạc cung đình, vua Sejo (Thế Tổ) còn khuyến khích phát triển đời sống âm nhạc cho bách tính. Truyền rằng trong một lần tới thăm tỉnh Gangwon đúng vào thời điểm bắt đầu vụ xuân, nhà vua liền hạ lệnh cho tập trung dân chúng và tổ chức cuộc thi hát nông nhạc. Tại đây, một người đầy tớ tên Dongguri được đánh giá là hát hay nhất và được tặng một bộ áo cánh, phong danh hiệu nhạc công và được đi theo đoàn rước kiệu của nhà vua. Dưới thời Joseon, âm nhạc không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí mà còn là một trong những ý niệm trị vì đất nước quan trọng, có sức mạnh lay động lòng người. 


* Nhạc phẩm “Byeori Naerin Sup - Sin Yeominrak” (Cánh rừng sao băng - Tân dự dân lạc) / Han Chung-eun (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Trích đoạn Somu (Chiêu vũ), Dokgyeong (Đốc khánh) và Yeonggwan (Linh quan) trong nhạc phẩm Jeongdaeeopjigok (Định đại nghiệp chi khúc) / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

Khúc dân ca Gangwondo Arirang (Arirang vùng Gangwon) / nhóm nhạc truyền thống E-Do (Kim Tae-yeong (hát), Lee Yeong-gu (sáo trúc ngang lớn Daegeum))

Lựa chọn của ban biên tập