Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính phủ Hàn Quốc sửa đổi quy định về phá thai

2020-10-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc ngày 7/10 đã đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật hình sự và Luật sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong đó vẫn duy trì xử phạt với hành vi phá thai nhưng cho phép phá thai dưới 14 tuần tuổi.
  

Trường hợp được phép phá thai

Tháng 4 năm ngoái, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc kết luận điều khoản quy định về tội phá thai trong Luật hình sự đã xâm phạm quá mức tới quyền tự quyết của phụ nữ mang thai, nên kết luận các điều khoản này là vi hiến, yêu cầu sửa đổi luật tới hết năm nay. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến sửa đổi luật theo yêu cầu của Tòa án Hiến pháp.


Dự thảo sửa đổi Luật hình sự có điều khoản mới về điều kiện cho phép phá thai. Nếu thai nhi dưới 14 tuần thì sản phụ có thể phá thai theo mong muốn cá nhân mà không cần bất cứ điều kiện, lý do nào. Nếu thai nhi từ 15-24 tuần tuổi thì sản phụ vẫn có thể phá thai nếu có “lý do kinh tế, xã hội”, sau khi được tư vấn và cân nhắc đầy đủ trong vòng 24 giờ. Theo Luật sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiện hành, phụ nữ mang thai vẫn có thể phá thai dưới 24 tuần tuổi trong trường hợp vợ hoặc chồng mắc bệnh truyền nhiễm hoặc di truyền, hoặc mang thai ngoài ý muốn do bị xâm hại tình dục, hoặc việc mang thai có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi xóa điều kiện phá thai quy định trong Luật sức khỏe bà mẹ và trẻ em là phải có sự đồng ý của người chồng khi phá thai. Trong thời gian qua, điều khoản này bị chỉ trích là xâm phạm quyền tự quyết của phụ nữ.


Phương pháp phá thai

Dự thảo sửa đổi Luật hình sự còn chỉ định điều kiện đảm bảo phá thai an toàn, như chỉ bác sĩ được tiến hành thủ thuật phá thai, và chỉ được sử dụng các phương pháp được y học công nhận. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phép phụ nữ có thể phá thai bằng thuốc kích thích lưu thai tự nhiên. Luật hiện hành chỉ cho phép phá thai bằng thủ thuật. Ngoài ra, trước khi phá thai, sản phụ phải nghe bác sĩ giải thích đầy đủ về cách thức tiến hành, di chứng có thể để lại, các hạng mục cần tuân thủ trước và sau khi tiến hành thủ thuật phá thai, sau đó ký giấy đồng ý phá thai. Chính phủ quyết định sẽ hỗ trợ tư vấn tâm lý cho phụ nữ về việc nên giữ thai hay không thông qua các trung tâm y tế, tổ chức phi lợi nhuận.


Tranh cãi

Các tổ chức phụ nữ phản đối kịch liệt nội dung dự thảo trên, cho rằng Chính phủ vẫn duy trì xử phạt hành vi phá thai là coi thường quyền tự quyết và tiếng nói của phụ nữ. Những tổ chức này cho rằng tiêu chuẩn cho phép phá thai dưới 14 tuần là chưa chính xác, có thể khiến nhiều phụ nữ nghèo, ít thông tin trì hoãn việc chấm dứt thai kỳ, dẫn đến nguy hiểm tới sức khỏe. Các tổ chức phụ nữ cho rằng Chính phủ nên xóa bỏ hoàn toàn quy định về tội danh phá thai trong Luật hình sự, bởi việc mang thai, sinh con là quyền lợi của phụ nữ, họ có toàn quyền tự quyết về vấn đề này. Hội liên hiệp các tổ chức phụ nữ tuyên bố sẽ có hành động cụ thể nếu Chính phủ chính thức thông qua dự luật sửa đổi trên. Một số ý kiến khác chỉ ra rằng mặc dù luật hiện hành quy định khắt khe nhưng hành vi phá thai vẫn diễn ra ngang nhiên trên diện rộng, chỉ một số trường hợp bị xử lý hình sự nên dự luật sửa đổi trên là không hiệu quả, thậm chí chỉ làm tăng số người vi phạm, khiến phụ nữ lén lút phá thai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.


Chính phủ sẽ tiến hành các quy trình tiếp theo như thẩm định tại Cơ quan pháp chế và cuộc họp Nội các, sớm trình dự thảo lên Quốc hội để hoàn tất sửa đổi luật trong năm nay. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến sẽ vấp phải nhiều khó khăn do sự phản đối của các tổ chức phụ nữ.

Lựa chọn của ban biên tập