Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tranh cãi xoay quanh tượng “Thiếu nữ Hòa bình” tại Đức

2020-10-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II, đã bị chính quyền quận Mitte, thủ đô Berlin, Đức ban lệnh dỡ bỏ chỉ một tuần sau khi được dựng tại một đường phố ở quận này. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của các tổ chức dân sự và người dân địa phương, chính quyền quận đã bảo lưu lệnh dỡ bỏ bức tượng, chờ phán quyết của Tòa án.

 

Bảo lưu lệnh dỡ bỏ tượng

Ngày 7/10, chính quyền quận Mitte đã gửi công văn cho tổ chức dân sự xúc tiến dựng tượng mang tên “Hội đồng Hàn Quốc” (tên tiếng Anh “Korea Verband”), yêu cầu phải dỡ bỏ bức tượng này cho tới hết 14/10. Chính quyền quận nêu lý do là tổ chức này đã lắp đặt thêm tấm bia đá bên cạnh bức tượng mà không hề thông báo trước, khiến quan hệ giữa Đức và Nhật Bản rơi vào căng thẳng. Trong trường hợp tổ chức Hội đồng Hàn Quốc không dỡ bỏ bức tượng, chính quyền quận sẽ buộc phải cưỡng ép phá dỡ, mọi chi phí liên quan sẽ do tổ chức dân sự gánh chịu.

 

Để phản đối quyết định trên, tổ chức Hội đồng Hàn Quốc ngày 12/10 đã đệ trình Tòa án hành chính Berlin ra quyết định dừng thực thi lệnh phá dỡ tượng "Thiếu nữ Hòa bình" của chính quyền quận Mitte. Ngày 13/10, chính quyền quận Mitte đã ra thông cáo báo chí, cho biết do tổ chức dân sự đã đệ trình Tòa án hành chính Berlin dừng hiệu lực lệnh dỡ bỏ tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, nên thời hạn mà quận nêu ra là ngày 14/10 không còn ý nghĩa nữa. Trong thời gian tới, quận sẽ chờ phán quyết của Tòa án, không thực thi thêm biện pháp nào khác với tượng “Thiếu nữ Hòa bình”.

 

Tranh cãi

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” là biểu tượng cho những phụ nữ bị quân đội Nhật Bản cưỡng ép mua vui trong chiến tranh Thái Bình Dương, mang ý nghĩa nhằm làm nổi bật về vấn đề nhân quyền của những phụ nữ bị hại trong chiến tranh trên khắp thế giới. Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” đã được dựng ở cả Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới, hàm chứa giá trị phổ quát về nhân quyền của người phụ nữ. Vậy nhưng, chính quyền quận Mitte thủ đô Berlin đã ban lệnh dỡ bỏ bức tượng chỉ 10 ngày sau khi tượng được lắp đặt vào ngày 25/9, khiến tổ chức dựng tượng không khỏi bàng hoàng. Chính quyền quận giải thích rằng nội dung của tấm bia đá lắp cạnh bức tượng rõ ràng nhắm tới Nhật Bản, khác với khi tổ chức dân sự đăng ký dựng tượng, làm dấy lên mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Đức.

 

Nội dung giải thích trên tấm bia đá ghi rằng trong chiến tranh, quân đội Nhật Bản đã cưỡng ép nhiều phụ nữ ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm nô lệ tình dục, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ với những nạn nhân còn sống đã dũng cảm đấu tranh, cho cả thế giới biết đến sự thật này, nhằm ngăn chặn tái diễn các hành vi tương tự.

 

Vào tháng 7 vừa qua, chính quyền quận Mitte đã phê chuẩn cho tổ chức Hội đồng Hàn Quốc dựng tượng “Thiếu nữ Hòa bình”. Việc dựng một tác phẩm nghệ thuật trên đường phố Đức phải trải qua rất nhiều quy trình phức tạp, như tác phẩm đó phải có tính nghệ thuật, ý nghĩa về mặt xã hội, ý kiến của người dân địa phương. Việc chính quyền quận đột ngột thông báo dỡ bỏ bức tượng là điều khó có thể chấp nhận. Xét tới bối cảnh nhiều giới chức Nhật Bản gần đây đã có những phát ngôn đề nghị Berlin can thiệp dỡ bỏ bức tượng, có thể phỏng đoán rằng chính quyền quận Mitte đã ra quyết định trên do chịu sức ép từ phía Tokyo.

 

Triển vọng

Tạm thời tượng “Thiếu nữ Hòa bình” đã thoát khỏi nguy cơ bị dỡ bỏ ngay lập tức. Kết quả này có được là sự nỗ lực của tổ chức Hội đồng Hàn Quốc, các tổ chức dân sự liên quan trong nước, Hội người Hàn tại Đức, chính giới Đức trong đó có cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder và phu nhân Kim So-yeon. Vấn đề đặt ra lúc này là số phận của tượng “Thiếu nữ Hòa bình” có khả năng sẽ phụ thuộc vào việc chỉnh sửa nội dung giải thích trên tấm bia đá. Quận trưởng quận Mitte phát biểu rằng sẽ xem xét đầy đủ lập trường của các bên đương sự và lập trường của chính quyền quận trong vấn đề này. Chính quyền quận muốn lập ra một phương án điều đình, đảm bảo cân nhắc một cách công bằng lợi ích của tổ chức Hội đồng Hàn Quốc và của phía Nhật Bản. Nhiều ý kiến nhận định rằng có khả năng nội dung giải thích trên tấm bia đá sẽ được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn về giá trị phổ quát của vấn đề người phụ nữ bị hại trong các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập