Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Những cánh thư tay xưa và nay ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-10-21

Âm điệu ngàn xưa


Thư gửi người thương

Bây giờ chẳng còn mấy ai viết thư tay cho nhau, có việc gì cần trao đổi hay nhắn nhủ ta thường gửi tin nhắn qua điện thoại, vừa ngắn gọn vừa nhanh và thuận tiện. Đến các binh sĩ trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được sử dụng điện thoại di động, nên viết thư tay cho lính đã trở thành hoài niệm. Dù vậy thì thư tay vẫn có những nét độc đáo không tìm thấy được ở tin nhắn hay điện thoại. Câu đầu tiên trong tác phẩm Haengbok (Hạnh phúc) của nhà thơ Yoo Chi-hwan có đoạn: 

Tôi tới viết thư cho em

dưới vạt nắng xanh mượt

bên cửa sổ tòa nhà bưu điện.


Thư tay cho chúng ta cảm giác xao xuyến khi đặt bút viết những dòng nhắn nhủ cho ai đó, khi mong ngóng lá thư sớm đến tay người nhận, và cả khi thấp thỏm chờ thư trả lời của người ấy. Xao xuyến, chờ đợi, thấp thỏm, khắc khoải theo cánh thư đều là những niềm hạnh phúc nho nhỏ trong đời người. Ca từ trong nhạc phẩm “Banubangye Banyeop” (Bán vũ bán giới bán diệp) thuộc dòng thơ phổ nhạc Gagok dành cho giọng nữ cũng có đoạn:

Chàng đừng nghĩ nhờ người khác chuyển thư

Hãy đích thân mang đến đây cho thiếp

So với các ca khúc thời nay thì chính ca Gagok là dòng âm nhạc có nhịp điệu rất chậm, ca từ nghe khó hiểu nên rất khó nắm bắt được ý nghĩa uyên thâm của câu hát. Điểm này khiến người nghe phải tập trung, suy nghĩ và liên tưởng. Đây cũng chính là nét hấp dẫn của chính ca Gagok. 


Trong trường ca hát kể chuyển Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có đoạn quan Ám hành ngự sử đọc bức thư do nàng Xuân Hương viết. Công tử Lý Mộng Long lên kinh kỳ thi khoa cử, đỗ đạt và được phong tước quan Ám hành ngự sử. Xưa kia, quan lại chức sắc được nhà vua phong tước và phái cử về các địa phương làm việc. Để quản lý và giám sát những người này, nhà vua phái một viên quan Ám hành ngự sử, giả trang dân thường về các vùng để thăm dò ý kiến dân chúng, điều tra thực trạng hoạt động của quan chức, và được quyền thẳng tay trừng phạt đối với các hành vi phạm pháp. Sau khi đỗ đạt khoa cử, công tử Lý Mộng Long cũng được phong làm quan Ám hành ngự sử và được phái cử về điều tra ở Namwon. Trên đường về quê Namwon, công tử Lý Mộng Long ngẫu nhiên gặp được người hầu của mình là Bang-ja đang trên đường lên kinh thành mang thư của nàng Xuân Hương viết trong ngục tối chuyển cho công tử. Bang-ja không nhận ra chủ nhân trong diện mạo một kẻ ăn mày, nhờ vậy mà Lý Mộng Long đã đưa đẩy chuyện trò và đọc được lá thư của nàng Xuân Hương trong tay Bang-ja. Lá thư bắt đầu bằng đoạn:

Chia tay nhau đã ba năm có lẻ

Tin tức biệt tăm, không một cánh thư

Chắc tại chim xanh không tới

Ngỗng trời không có nơi vạn dặm khơi xa


Ba năm xa cách không một cánh thư, nàng Xuân Hương khắc khoải chờ tin công tử Lý Mộng Long. Dòng thư đã phần nào lột tả tâm trạng nhớ nhung và hờn giận của người con gái. Người Hàn Quốc xưa kia coi chim xanh và ngỗng trời là loài chim đưa thư. Xuân Hương cũng viết rằng chắc là không có chim đưa thư nên người thương của nàng không gửi được thư cho nàng. Nàng thổ lộ chắc không thể bảo toàn tính mạng do bị viên quan huyện Saddo mới về làng nhậm chức cưỡng ép. Nhưng dù có chết, nàng vẫn quyết giữ trình tiết cùng công tử Lý Mộng Long và cầu cho chàng thành đạt nơi chốn xa.


Thư gửi bằng hữu

Ngày trước, ở vùng Buan thuộc tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc có một kỹ nữ xinh đẹp tên là Maechang (Mai Song). Nàng nổi tiếng với tài làm thơ, ca hát, thông tuệ văn chương và tấu đàn tranh 6 dây Geomungo. Maechang thường có cơ hội gần gũi với các học giả tiếng tăm thiên hạ lúc đương thời. Trong số này có thể kể đến học giả Huh Gyun. Bất chấp bối cảnh xã hội phong kiến Hàn Quốc lúc bấy giờ, vượt lên quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân, học giả Huh Gyun thuộc tầng lớp quý tộc quyền cao chức trọng và kỹ nữ Maechang vẫn giữ tình bằng hữu thân thiết. Một lần, có một quan huyện trong vùng chuyển sang làm việc ở nơi khác, Maechang đã gẩy đàn Geomungo và ngâm áng thơ Sanjagosae (Gà gô trên núi rừng) bên tấm bia ghi công đức của người. Áng thơ này do thi sĩ Lý Ích thời nhà Đường Trung Quốc sáng tác, diễn tả nỗi niềm nhung nhớ người thương trong cảnh ly biệt. “Tin lành đồn xa, tin dữ đồn xa”, lời đồn thổi về việc này tới tận tai của Huh Gyun ở kinh thành Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul). Thấy vậy Huh Gyun liền viết cho Maechang một lá thư rằng: “Nghe nói nàng ngắm trăng, gẩy đàn tranh 6 dây Geomungo hát bài Sanjagosae. Sao không hát ở nơi yên tĩnh mà lại hát bên bia công đức của người ta để thiên hạ chê cười đồn thổi…rằng nàng thổn thức vì nhớ thương ta… Thực là oan uổng cho ta quá Maechang ơi!”

Dù kêu oan nhưng thực ra văn sĩ Huh Gyun tận chốn kinh thành đang bày tỏ nỗi quan tâm lo lắng cho bằng hữu Maechang nơi quê nhà. 


* Khúc thơ phổ nhạc Gagok “Banubangye Banyeop” dành cho giọng nữ / Jo Sun-ja 

* Trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) từ đoạn “Quan Ám hành ngự sử gặp Bang-ja” tới đoạn “lá thư của nàng Xuân Hương” / Kim So-hee 

* Nhạc phẩm Sanjagosae (Gà gô trên rừng núi) / Jang Eun-seon (đàn tranh 6 dây Geomungo), Son Beom-ju (khèn bầu Saenghwang)

Lựa chọn của ban biên tập